Thứ 7, 23/11/2024, 21:22[GMT+7]

Thế giới ghi nhận hơn 214 triệu ca mắc Covid-19, châu Á có 68,48 triệu ca

Thứ 5, 26/08/2021 | 08:40:20
1,482 lượt xem
Tính đến ngày 26/8, thế giới ghi nhận hơn 214 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,46 triệu trường hợp tử vong. Hiện khu vực châu Á có 68,48 triệu ca.

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Châu Á đang là điểm nóng của dịch COVID-19 khi những nước có số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày 25/8 tập trung phần lớn tại đây. Cụ thể, Iran có 39.983 ca nhiễm mới, Malaysia có 22.642 ca, Nhật Bản có 21.570 ca, Indonesia có 18.671 ca, Thái Lan có 18.417 ca. Đến nay, khu vực châu Á ghi nhận tổng cộng 68,48 triệu ca nhiễm - cao nhất thế giới, sau khi ghi nhận hơn 178.000 ca mắc mới trong ngày 25/8.

Chính quyền thủ đô Jakarta (Indonesia) đang lên kế hoạch mở cửa các trường học từ ngày 30/8 tới, sau khi kết thúc lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng. Giới chức Jakarta cho biết các trường học tại đây sẽ tổ chức học trực tiếp kể từ ngày 30/8, bởi thủ đô của Indonesia đã trở thành "vùng Xanh".

Các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên thứ hai, tư, sáu. Các ngày thứ ba, thứ năm phun thuốc khử trùng. Công suất tối đa là 50% mỗi lớp, mỗi giảng đường. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia khẳng định cần sớm đưa học sinh trở lại trường học, đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Tại điểm nóng Nhật Bản - nơi đang diễn ra Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đầu năm 2020. Đây là lần thứ ba Chính phủ Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp kể từ đầu tháng 7.

Thế giới ghi nhận hơn 214 triệu ca mắc COVID-19, châu Á có 68,48 triệu ca - Ảnh 1.

Người dân Nhật Bản đi lại trên đường phố Tokyo ngày 14/8 - Ảnh: Reuters

Tính tới ngày 24/8, Nhật Bản đã phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Lambda, trong đó 2 ca mới nhất được phát hiện vào giữa tháng này đến từ Peru. Cả hai đều nhập cảnh vào Nhật Bản vào ngày 12/8 tại sân bay Haneda và không có bất cứ triệu chứng nào.

Trong khi đó, sự lây lan của biến thể Delta đang là mối đe dọa với nhiều nước thế giới khi số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Hiện hầu hết các nước đều mong muốn đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trước khi các biến thể mới có khả năng xuất hiện và gây ra làn sóng dịch bệnh mới, trong nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới.

Ngoài việc tìm kiếm các nguồn cung vaccine, các nước cũng đang chạy đua với thời gian tiến hành thử nghiệm và phát triển các loại vaccine mới đạt hiệu quả cao phòng ngừa COVID-19. Hãng dược Pfizer thông báo công ty đang phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu đặc biệt để đối phó với biến thể Delta.

Hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ thông báo mũi tăng cường của vaccine đơn liều do hãng này sản xuất có thể giúp cơ thể người được tiêm sản sinh lượng kháng thể cao hơn gấp 9 lần so với mức độ kháng thể được ghi nhận sau khi tiêm mũi thứ nhất 28 ngày sau khi đánh giá dữ liệu từ hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu đối với vaccine ngừa COVID-19 của J&J.

Thế giới ghi nhận hơn 214 triệu ca mắc COVID-19, châu Á có 68,48 triệu ca - Ảnh 2.

Hiệu trưởng Andrea Harper (trái) ôm một học sinh trong khi cùng giám thị Kent P. Scribner chào đón học sinh trong ngày khai giảng 16/8/2021 tại Trường tiểu học T.A. Sims ở bang Texas, Mỹ - Ảnh: AP

Ngay tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 trên thế giới và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất hiện nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang tìm cách khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng khi biến thể Delta đang lây lan tại nhiều bang của nước này, đặc biệt tại những bang có tỷ lệ người tiêm chủng thấp. Đến nay, tại Mỹ mới chỉ có hơn 51% người đủ điều kiện tiêm chủng đã hoàn thành tiêm chủng vaccine. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ cảnh báo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp gần 30 lần người đã tiêm đủ liều.

Việc chậm trễ trong tiêm chủng vaccine không chỉ không thể bảo vệ sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của các nước. The Economist công bố báo cáo cho biết kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD bởi sự chậm trễ này. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được cho là sẽ chịu thiệt hại nặng nhất khi chiếm 3/4 tổng số tiền thiệt hại trên. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi chịu tổn thất nặng nề nhất. Tốc độ tiêm chủng tại các nền kinh tế thu nhập thấp là chậm chạp. Tính đến cuối tháng 8, khoảng 60% dân số của các nước thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1% tại các nước thu nhập thấp hơn.

Theo worldometers.info, sau châu Á, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng thứ hai của dịch COVID-19 với tổng cộng 54,48 triệu ca nhiễm, trong đó Nga bị ảnh hưởng nhiều nhất với 6,8 triệu ca nhiễm. Tiếp theo là Bắc Mỹ (46,72 triệu ca), Nam Mỹ (36,67 triệu ca), châu Phi (7,66 triệu ca), châu Đại Dương (153.000 ca).

Theo vtv.vn