Thứ 4, 20/11/2024, 03:19[GMT+7]

Thành phố ở Trung Quốc áp đặt lệnh cách ly 56 ngày, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Đức

Thứ 6, 12/11/2021 | 08:19:43
1,292 lượt xem
Đến sáng 12/11, thế giới có trên 252,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,09 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 252,5 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 47,6 triệu ca mắc và hơn 780.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 38.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại Mỹ, nhiều học sinh đã trở lại trường học lần đầu tiên sau 18 tháng qua nhưng vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành ở nước này. Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ đã cấp kinh phí 1,47 triệu USD cho dự án nghiên cứu mang tên "Cha mẹ và cộng đồng cùng là chuyên gia (PACE)" để tìm hiểu nhận thức của các gia đình đối với những khuyến nghị y tế công liên quan tới dịch COVID-19 trong các trường học. Dự án này có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Trung tâm tích hợp y tế và giáo dục Rales thuộc Trung tâm trẻ em Johns Hopkins, Hiệp hội Johns Hopkins về các giải pháp y tế cho trường học và Trung tâm Chương trình liên lạc Johns Hopkins, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Morgan và Đại học Y khoa Maryland.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thêm Hà Lan và quần đảo Cayman vào danh sách cảnh báo đi lại do mức độ đại dịch COVID-19 “rất cao”. CDC Mỹ cho biết, mức độ lây lan của COVID-19 ở Hà Lan và quần đảo Cayman đã đạt ngưỡng cấp 4, cấp cao nhất trong tiêu chí đánh giá của cơ quan này. CDC cũng khuyến cáo người dân không nên đi đến 2 địa điểm trên, hoặc đảm bảo đã tiêm chủng đầy đủ nếu việc đi lại thực sự cần thiết.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 11/11, nước này ghi nhận hơn 1.500 ca mắc mới COVID-19 và 180 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 462.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 610.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Các nhà khoa học cảnh báo, một số quốc gia Đông Âu có thể phải tái áp đặt trở lại hạn chế phòng dịch cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện.

Bulgaria và Romania trong những ngày gần đây đã ghi nhận số ca mắc và tử vong ở mức cao nhất từ đầu dịch. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng tới 10 lần trong 2 tháng. Tại Bulgaria, số bệnh nhân tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt cũng tăng gấp đôi. Trong khi đó, các bệnh viện tại Romania đối mặt với tình trạng quá tải do nhiều ca tăng nặng, nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do Bulgaria và Romania là 2 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, chưa tới 30% dân số hai nước này hoàn thành tiêm chủng, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình trên toàn châu Âu.

Nga chuẩn bị áp dụng quy định mới chống dịch COVID-19. Ủy ban điều phối cuộc chiến chống COVID-19 của Nga đang làm việc với các Bộ, ngành liên quan để soạn thảo dự luật quy định việc bắt buộc sử dụng mã QR ở các quán cà phê, phương tiện giao thông và cửa hàng. Dự kiến luật này sẽ có hiệu lực cho tới tháng 6/2022.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova cho biết, mã QR đã được triển khai ở 77 khu vực trên toàn nước Nga. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc hủy bỏ sử dụng mã QR và các hạn chế khác để chống COVID-19 chỉ có thể diễn ra sau khi đại dịch kết thúc. Nga hiện là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới với trên 8,95 triệu ca mắc COVID-19 và gần 251.6700 trường hợp thiệt mạng.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đức. Đặc biệt, dịch lây lan rộng khiến giới chức tại bang Bayern, miền Nam nước này phải ban bố tình trạng thảm họa. Trong số 10 điểm nóng dịch tại Đức hiện nay, có tới 9 điểm nằm ở bang Bayern. Do tỷ lệ nhập viện ở mức cao, bang này đã phải tái áp đặt tình trạng thảm họa trên toàn bang bắt đầu từ ngày 11/11 để huy động nguồn lực khống chế dịch bệnh.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Đức hiện là trên 4,9 triệu người. Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong trong ngày 11/11 là 219, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 ở nước này lên 97.818 trường hợp, theo Cơ quan Y tế công cộng thuộc Viện Robert Koch. Viện Robert Koch đã báo cáo sự gia tăng tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua với mức tăng từ 232 trường hợp/100.000 dân trong tuần trước lên 249 ca/100.000 dân vào ngày 10/11. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Đức có tổng cộng hơn 4,9 triệu dân đã tiêm vaccine COVID-19.

Đức đã báo cáo kỷ lục 50.196 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 11/11, số người nhiễm mới cao trong bốn ngày liên tiếp khi đợt dịch thứ tư diễn ra tại nước này. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất tiến hành Hội nghị thượng đỉnh liên bang để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm tăng mạnh hiện nay. Ngày 11/11, Quốc hội Đức đã thảo luận về các quy định mới nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư COVID-19 mà không phải áp đặt lệnh phong tỏa hay bắt buộc mọi người dân phải tiêm phòng.

Thành phố ở Trung Quốc áp đặt lệnh cách ly 56 ngày, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Đức - Ảnh 1.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng trở lại ở Đức. (Ảnh: AP)

Nhằm kêu gọi Chính phủ có biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, các chuyên gia Hà Lan đã khuyến nghị áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại quốc gia Tây Âu này. Dự kiến, Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp mới vào ngày 12/11 sau khi nhận được khuyến nghị của các chuyên gia trong Nhóm Quản lý dịch bệnh. Trong số các biện pháp được cân nhắc lần này có việc hủy những sự kiện, đóng cửa nhà hát và rạp chiếu phim, điều chỉnh thời gian đóng cửa của các nhà hàng và quán cà phê. Ttrường học vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Cho đến nay, Hà Lan mới chỉ tiêm mũi tăng cường cho nhóm người có hệ miễn dịch yếu. Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng đối với người trưởng thành ở Hà Lan là 85% nhưng nhiều bệnh viện nước này đã buộc phải thu hẹp quy mô khám chữa bệnh thông thường để tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tuần trước, Hà Lan đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và mở rộng danh sách các địa điểm cần phải có chứng nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính mới được tiếp cận. Đến ngày 11/11, Hà Lan có tổng cộng 2,23 triệu ca nhiễm và hơn 18.600 trường hợp tử vong do COVID-19.

Sau một thời gian cân nhắc và thăm dò dư luận, Israel đã quyết định thông qua đề xuất của Bộ Y tế nước này về việc tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết, vaccine được sử dụng là của Pfizer, liều dành cho trẻ em, trước đó đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép. Israel đã đặt hàng loại vaccine này và dự kiến lô đầu tiên sẽ có trong tuần tới. Liều dùng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi bằng 1/3 liều dùng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Để tránh nhầm lẫn, vaccine cho nhóm tuổi 5-11 được đóng trong lọ có nắp màu cam, trong khi liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên được đóng bằng nắp màu tím.

Theo thống kê của Bộ Y tế Israel, tính đến ngày 10/11, đã có hơn 4 triệu người nước này, chiếm 42% dân số, được tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 phòng COVID-19, và trên 5,7 triệu người đã được tiêm ít nhất 2 mũi.

Ngày 11/11, Bộ Y tế Ukraine đã đề xuất mở rộng danh sách yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc, theo đó bổ sung các nhân viên y tế và viên chức cấp thành phố. Trong nhiều tuần gần đây, Ukraine đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao chưa từng thấy, khiến Chính phủ nước này phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt và hối thúc người dân đi tiêm nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Kể từ khi dịch bùng phát, tổng số ca nhiễm trên cả nước đến nay là hơn 3,16 triệu ca và số ca tử vong hơn 74.800 ca. Tuy nhiên, Ukraine là một trong số các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất châu lục, chỉ 8,3 triệu trong số 41 triệu dân nước này đã tiêm đủ liều vaccine.

Malaysia sẽ mở cửa biên giới để đón du khách nước ngoài muộn nhất là vào ngày 1/1/2022. Đây là thông tin mới được Hội đồng Cố vấn chương trình hồi phục kinh tế cho Chính phủ Malaysia đưa ra ngày 11/11. Trong nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế sau thời gian gián đoạn vì các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, quốc gia Đông Nam Á đã từng bước mở cửa trong vài tuần gần đây.

Thời gian qua, tỷ lệ mắc mới tại Malaysia giảm dần trong khi chương trình tiêm chủng toàn quốc được tăng tốc với hơn 75% trong tổng số 32 triệu dân nước này đã được tiêm phòng. Tính đến hết ngày 11/11, tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia là trên 2,5 triệu trường hợp, trong đó có 29.486 người thiệt mạng. Hiện Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh cho khoảng 78,3% dân số và khoảng 75,6% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tuần này, Singapore đã bị Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khỏi danh sách các quốc gia không thuộc EU cần dỡ bỏ hạn chế đi lại. Trong thông báo trên mạng xã hội Facebook, Đại sứ quán Đan Mạch tại Singapore cho biết, quốc gia Đông Nam Á này hiện bị xem là nước có nguy cơ cao trong hoạt động đi lại tới châu Âu. Cứ hai tuần một lần, EU sẽ cập nhật danh sách các quốc gia an toàn, nhưng các nước thành viên không bắt buộc phải theo danh sách này. Tháng 10, Mỹ cũng khuyến cáo công dân tránh du lịch tới Singapore và nâng cảnh báo lên mức cao nhất. Đến ngày 11/11, tổng cộng 5,45 triệu dân ở Singapore đã được tiêm phòng.

Thành phố ở Trung Quốc áp đặt lệnh cách ly 56 ngày, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Đức - Ảnh 2.

Nhật Bản đang hiện thực hóa kế hoạch sống chung an toàn với COVID-19. (Ảnh: AP)

Sau thời gian dài phong tỏa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Lào đã yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng cụ thể kế hoạch để mở cửa lại đất nước. Theo đó, Chính phủ Lào giao Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch làm việc với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, Ủy ban chuyên trách phòng chống COVID-19 quốc gia và các cơ quan chức năng liên quan xây dựng cơ chế cho việc mở cửa trở lại đất nước đối với khách du lịch. Trước đó, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa IX của Lào đang diễn ra, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan nêu rõ cần mở cửa lại đất nước để phục hồi kinh tế và hoạt động của khu vực tư nhân vốn bị ảnh hưởng tiêu cực kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Thủ tướng Phankham Viphavan cho biết, Lào sẽ "mở cửa từng bước, ở những địa phương sẵn sàng chứ không mở cửa toàn bộ", đặc biệt là những điểm du lịch quan trọng với điều kiện đảm bảo công tác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 945 ca mắc mới, trong đó có 942 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 chữ số, ít hơn 195 trường hợp so với ngày trước đó. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 50.977 ca mắc COVID-19, trong đó có 93 người tử vong.

Nhật Bản dự kiến công bố kế hoạch tổng thể về giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 vào ngày 12/11. Đây là bước chuẩn bị chủ động và toàn diện nhất từ trước đến nay của quốc gia Đông Bắc Á này nhằm hiện thực hóa kế hoạch sống chung an toàn với COVID-19. Kế hoạch sẽ tập trung vào các giải pháp tăng thêm 30% khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của các cơ sở y tế ngay trong tháng 11 này.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên phạm vi rộng, các địa phương sẽ xét nghiệm PCR miễn phí cho tất cả đối tượng, kể cả người không có triệu chứng. Từ tháng 12 sẽ tiêm vaccine mũi thứ 3 cho tất cả đối tượng đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 được ít nhất 8 tháng. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa 2 tỷ Yen (khoảng 18 triệu USD) chi phí phát triển đối với mỗi loại thuốc đặc trị COVID-19 và đặt mục tiêu sẽ đưa thuốc dạng uống vào điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ.

Tại Trung Quốc, các nỗ lực ngăn chặn đợt dịch mới đã được tăng cường tại thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh các ca nhiễm mới đã xuất hiện tại một số quận trung tâm. Chính quyền thành phố đã yêu cầu đóng cửa một trung tâm thương mại lớn và một số khu dân cư để thực hiện công tác kiểm dịch sau khi phát hiện 6 ca mắc mới tại các quận trung tâm. Hàng chục nghìn cư dân trong các khu vực này không được phép ra ngoài và sẽ được xét nghiệm COVID-19.

Với chiến lược "Không COVID" và mục tiêu đưa số ca mắc trong cộng đồng về mức 0, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn đang được thực hiện tại Trung Quốc, trong đó có việc đóng cửa biên giới quốc tế, phong tỏa, xét nghiệm trên diện rộng cũng như truy vết chặt chẽ. Để ứng phó với làn sóng dịch mới nhất, Trung Quốc đã phong tỏa các khu vực có hàng triệu dân sinh sống và siết chặt các quy định đi lại trong nước, chấp nhận gián đoạn một số hoạt động giao thông hàng không và đường sắt.

Thành phố Thẩm Dương quy định, người từ nước ngoài đến thành phố này phải trải qua 56 ngày cách ly. Trước hết, họ phải cách ly 28 ngày tại khách sạn. Trong thời gian này, họ sẽ không được phép mở cửa ngoại trừ khi nhận thực phẩm, được xét nghiệm 7 lần trong khoảng thời gian đó. Và khi quá trình cách ly tại khách sạn kết thúc, họ còn phải cách ly tiếp tại nhà 28 ngày nữa. Đây là một trong những biện pháp mới được áp dụng trong gần một tháng nay và là một minh chứng rõ ràng cho thấy, giới chức ở Trung Quốc đang mạnh tay trong việc thực hiện chiến lược "Không COVID".

Hàn Quốc có thể sẽ không thực hiện kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 như đã định trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trở lại. Đó là nhận định của bà Jeong Eun-kyeong, thành viên Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc.

Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế vào tháng 11 vừa qua trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch ba giai đoạn "Sống chung với COVID-19". Nếu theo đúng lộ trình, nước này sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai vào giữa tháng 12 tới.

Hàn Quốc ngày 11/11 ghi nhận thêm 2.520 trường hợp mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên con số 388.351. Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca lây nhiễm ghi nhận theo ngày ở nước này vượt quá 2.400 trường hợp. Số ca COVID-19 ghi nhận hàng ngày ở Hàn Quốc đã ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7 vừa qua, trong đó bao gồm cả mức thống kê cao kỷ lục là 3.272 trường hợp vào ngày 25/9. Cũng trong ngày 11/11, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng thêm 21 trường hợp, lên tổng cộng 3.033 người thiệt mạng. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Theo vtv.vn