Thứ 4, 20/11/2024, 03:28[GMT+7]

Dịch COVID-19 ở Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc tiếp tục phức tạp, châu Âu tăng cường ngăn chặn làn sóng dịch mới

Thứ 4, 17/11/2021 | 08:08:09
906 lượt xem
Đến sáng 17/11, thế giới có trên 254,98 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,12 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 254,98 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 48,1 triệu ca mắc và gần 785.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 41.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không nên tới CH Czech, Hungaria và Iceland do số ca mắc COVID-19 tại những nước này đang tăng mạnh. CDC đã nâng mức khuyến cáo đi lại vì dịch bệnh lên "Cấp độ 4: Rất cao" đối với 3 quốc gia trên, đồng thời nhấn mạnh, người dân Mỹ nên tránh tới những nơi này. Cùng ngày, CDC cũng đã hạ mức khuyến cáo đi lại vì COVID-19 xuống "Cấp độ 1: Thấp" đối với Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, Liberia, Gambia và Mozambique.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 34,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 463.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Hành khách đến từ 99 quốc gia, những người đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 nay có thể đến Ấn Độ mà không cần phải cách ly bắt buộc. Theo quy định, du khách đến từ 99 quốc gia phải tự khai báo về tình trạng tiêm chủng đầy đủ của mình tại cổng thông tin Air Suvidha, đồng thời xuất trình báo cáo xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Hành khách cũng cần phải nộp một bản khai báo liên quan đến tính xác thực của báo cáo RT-PCR và sẽ phải chịu trách nhiệm truy tố hình sự nếu khai báo đó bị phát hiện là giả.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 611.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,96 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Phong tỏa những người chưa được tiêm phòng ở Áo, đóng cửa các quán bar và nhà hàng và cửa hàng vào buổi tối ở Hà Lan hay thực hiện làm việc làm từ xa ở Đức, Bỉ... là những biện pháp hạn chế phòng dịch mới mà các quốc gia châu Âu đang thực hiện nhằm ngăn chặn sự bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Lục địa già. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào những người chưa được tiêm chủng, mặc dù họ vẫn có thể thực hiện các xét nghiệm với chi phí riêng ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19. Tuần trước, số ca nhiễm mới toàn châu lục đã tăng 14%. Đối mặt với làn sóng mới này, các quốc gia thành viên đang áp dụng những biện pháp hạn chế về y tế. Theo đánh giá của báo The Independent (Anh), đến nay các chính phủ châu Âu vẫn cho rằng, việc phong tỏa không còn cần thiết vì việc triển khai tiêm chủng diện rộng. Tuy nhiên, sự gia tăng của các trường hợp lây nhiễm đã làm thay đổi tình hình.

Theo đánh giá rủi ro mới nhất từ Trung tâm phòng ngừa và liểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu được cho là "rất đáng lo ngại" ở 10 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungaria và Slovenia) và "đáng lo ngại" ở 10 quốc gia thành viên khác. Do đó, một số quốc gia thành viên EU đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự bùng phát của đại dịch COVID-19. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, quy định tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 sẽ được điều chỉnh với mũi tăng cường thứ 3, nhưng ông không cung cấp thông tin chi tiết về khung thời gian áp dụng quy định mới này. Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Johnson khẳng định: "Rõ ràng việc tiêm ba mũi, tiêm liều tăng cường sẽ trở thành một điều quan trọng và giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn về mọi mặt. Chúng ta sẽ phải điều chỉnh quy định về tiêm chủng vaccine đầy đủ".

Hiện nay, tại Anh, quy định tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ có nghĩa là đã tiêm hai mũi. Tất cả những người trên 40 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng tiêm mũi thứ hai.

Từ ngày 1/12 tới, Nga chính thức cho phép nhập cảnh các hành khách trên những chuyến bay từ Bangladesh, Brazil, Mông Cổ, Costa Rica và Argentina. Trong thông báo vào ngày 16/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga đã công bố thông tin. Chính phủ Nga đã dừng các chuyến bay thương mại quốc tế khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Lệnh cấm bay đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng hàng không của Nga.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm Nga cho biết đã cấp phép cho hãng dược Pfizer của Mỹ tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại nước này thuốc viên kháng virus để điều trị bệnh COVID-19. 

Ngày 16/11, Nga thông báo 36.818 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên trên 9,14 triệu. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 27/10. Nga cũng ghi nhận thêm 1.240 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người thiệt mạng lên 257.837 trường hợp.

Dịch COVID-19 ở Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc tiếp tục phức tạp, châu Âu tăng cường ngăn chặn làn sóng dịch mới - Ảnh 1.

Tổng cộng trên 5 triệu người ở Đức đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi người dân khẩn cấp đi tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Theo Tổng thống Steinmeier, tất cả công dân Đức không nên do dự, không nên hoài nghi về sự tồn tại của virus chết người SARS-CoV-2 .

Theo thống kê, tại các bệnh viện của Đức, có tới 90% những người trong các khu chăm sóc đặc biệt hiện chưa được tiêm chủng. Nếu tính theo dân số, cả nước Đức hiện có gần 27 triệu người chưa được tiêm phòng hoặc mới tiêm một mũi. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận có thêm hơn 23.000 ca nhiễm mới, đưa tổng số người mắc COVID-19 từ đầu dịch lên hơn 5 triệu trường hợp.

Ngày 16/11, New Zealand ghi nhận 222 ca mắc COVID-19 do biến thể Delta gây ra trong cộng đồng, nâng tổng số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này lên 5.973 người. Theo Bộ Y tế New Zealand, trong số các ca mắc mới có 197 trường hợp được ghi nhận tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, 20 người gần khu vực Waikato và một số bệnh nhân tại khu vực khác. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4.609 trường hợp được xác định có liên quan yếu tố dịch tễ đến các ca bệnh khác hoặc từ một ổ dịch phát sinh, trong khi 866 ca chưa được xác định nguồn lây nhiễm.

Đến nay, New Zealand ghi nhận tổng cộng 9.088 ca mắc COVID-19, 90% dân số New Zealand đã được tiêm một mũi vaccine và 81% đã hoàn thành tiêm chủng.

Tại Ireland, hệ thống bệnh viện nước này đang trong tình trạng căng thẳng do số ca mắc COVID-19 cũng như số bệnh nhân phải nhập viện tăng cao. Phát biểu với truyền thông địa phương ngày 15/11, Giám đốc Cơ quan điều hành dịch vụ y tế Ireland (HSE) Anne O'Connor cho biết, các bệnh viện ở Ireland đang hoạt động hết công suất và hiện trên cả nước chỉ còn trống 94 giường bệnh.

Theo bà O'Connor, số người mắc COVID-19 phải nhập viện đã tăng 25% và số bệnh nhân điều trị tại ICU đã tăng 41% trong tuần trước. Bà cho biết thêm, các bệnh nhân nhập viện trong thời gian này đang trong tình trạng nguy kịch, với 81 trong số 117 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại ICU cần được can thiệp đặt nội khí quản.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg đã thông báo, lệnh "phong tỏa nghiêm ngặt" đối với những người chưa tiêm vaccine bước đầu phát huy hiệu quả khi tỷ lệ tiêm phòng tăng. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp) trong bối cảnh Áo đang vật lộn với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, Thủ tướng Schallenberg nêu rõ, trong những ngày gần đây, số lượng người tới các trung tâm tiêm chủng cho thấy, lệnh phong tỏa trên đang phát huy hiệu quả.

Lệnh phong tỏa này quy định những người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh gần đây sẽ không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi mua đồ thiết yếu, tập thể dục hoặc có các lý do về y tế. Sau 10 ngày đầu áp đặt lệnh phong tỏa, Chính phủ Áo sẽ tiến hành đánh giá để có sự điều chỉnh phù hợp.

Ai Cập đã chính thức áp dụng quy định cấm viên chức nhà nước tới công sở nếu chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc chưa gửi kết quả xét nghiệm COVID-19 hàng tuần. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Ai Cập đang tìm cách đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine vào những tuần cuối năm. Bên cạnh đó, theo quy định mới, sinh viên đại học công lập cũng sẽ không được phép tới trường nếu chưa tiêm vaccine.

Theo số liệu của Bộ Y tế Ai Cập, hiện có hơn 14 triệu người tại nước này đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 trong gần 27 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu tiêm đầy đủ cho ít nhất 40% trong tổng số 100 triệu người dân trên cả nước vào cuối năm nay.

Chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng Indonesia tham gia vào chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" để vực dậy ngành du lịch của nước này. Phát biểu tại cuộc họp báo đánh giá chính sách hạn chế đi lại cộng đồng (PPKM), Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị cho các Bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu, theo dõi tình hình COVID-19 ở nhiều quốc gia khác nhau làm cơ sở để nghiên cứu chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" một cách hợp lý và hiệu quả.

Trước đó, Indonesia và Malaysia đã thảo luận và lên kế hoạch mở cửa hành lang du lịch song phương nhằm khôi phục ngành du lịch của hai nước.

Dịch COVID-19 ở Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc tiếp tục phức tạp, châu Âu tăng cường ngăn chặn làn sóng dịch mới - Ảnh 2.

Philippines ghi nhận tổng cộng hơn 2,8 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Hàng nghìn học sinh ở Philippines đã được quay trở lại trường học, lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Đây là bước thí điểm đầu tiên trước khi áp dụng trên toàn quốc. Khoảng 100 trên tổng số hơn 60.000 trường học ở Philippines được chọn để thực hiện thí điểm mở cửa. Các trường được chọn đều nằm ở vùng có tỷ lệ lây nhiễm thấp.

Trong giai đoạn này, số học sinh trong lớp đã được giảm bớt, thời gian học sinh đến lớp cũng được rút ngắn. Tất cả học sinh đều phải đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp giãn cách, giữ khoảng cách trong các lớp học.

Giới chức Malaysia đã chấp nhận đề xuất của Thái Lan về việc mở lại các cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta ở tỉnh Narathiwat. Hai cửa khẩu này trước đó đã tạm thời phải đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nhấn mạnh, nước này kỳ vọng, việc mở trở lại hai cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta sẽ giúp tạo ra doanh thu thương mại ít nhất 600 triệu Baht (18,32 triệu USD). Chính phủ nước này cũng đang làm việc với giới chức Campuchia để mở thêm các cửa khẩu, bao gồm Tha Sen ở tỉnh Trat và Nong Ian ở tỉnh Sa Kaew.

Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.306 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Lào đến nay lên tới 56.324 trường hợp. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay.

Theo Bộ Y tế Lào, sau hai ngày giảm xuống mức 3 chữ số, ngày 16/11, nước này lại xác nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng lên tới 1.290 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 16 tỉnh thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Lào ghi nhận thêm 6 trường hợp tử do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 110 người. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, Lào đã có 11 ca tử vong do COVID-19.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok, Thái Lan đã cho phép các trường học được nối lại việc giảng dạy trực tiếp. Quyết định được đưa ra khi hơn 80% học sinh trung học cơ sở được tiêm vaccine phòng COVID-19. Các trường học mở cửa trở lại phải tuân thủ các biện pháp của Bộ Giáo dục Thái Lan theo chương trình "Hộp cát: Vùng an toàn trong trường học".

Trong số đó có việc tạo các tuyến đường khép kín cho học sinh và nhân viên đi lại; thiết lập hệ thống Thẻ thông hành học đường khi học sinh và nhân viên phải thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên 7 ngày một lần. Mỗi lớp học trực tiếp sẽ có không quá 25 học sinh. Các trường có thể dạy học cả trực tuyến nếu cần thiết. Trong trường hợp có một ca mắc COVID-19 trong lớp học, lớp đó sẽ đóng cửa trong 3 ngày để khử khuẩn. Nếu xuất hiện ca mắc trong 2 lớp học trở lên, nhà trường có thể cân nhắc đóng cửa toàn bộ khối học trong 3 ngày để khử khuẩn.

Hàn Quốc ghi nhận số lượng bệnh nhân COVID-19 trở nặng ở mức cao chưa từng thấy trong ngày 16/11, khi số ca nhiễm mới hàng ngày dao động hơn 2.000 trong ngày thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh các biện pháp chống dịch được nới lỏng tại nước này.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc ghi nhận 2.125 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có tới 2.110 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch đến nay đã lên tới 399.591 người. Nước này cũng có thêm 22 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng số người thiệt mạng lên 3.137 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 0,79%.

Tính đến ngày 16/11, có 42,03 triệu người, tương đương 81,8% trong số 52 triệu dân số Hàn Quốc, đã được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Số người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi là 40,19 triệu người, tương đương 78,3%. Các cơ quan y tế Hàn Quốc dự kiến, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của nước này sẽ đạt 80% vào khoảng giữa tháng 12.

Trung Quốc đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch lớn nhất do biến thể Delta với tổng cộng hơn 1.300 ca nhiễm được ghi nhận từ giữa tháng 10 đến nay. Con số này đã vượt qua số ca mắc trong đợt bùng phát dịch hồi mùa hè vừa qua.

21 tỉnh thành ở Trung Quốc đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta trong đợt bùng dịch này. Đại Liên, thành phố cảng lớn của Trung Quốc, đang trở thành điểm nóng mới với đợt bùng dịch lớn nhất cả nước hiện nay. Đợt bùng phát này đã khiến hàng chục nghìn sinh viên bị cách ly trong trường đại học. Giới chức Trung Quốc đang tăng cường khâu giám sát sản phẩm nhập khẩu sau khi ổ dịch ở Đại Liên vừa được xác định có liên quan tới chuỗi cung ứng trong thành phố.

Theo vtv.vn