Thứ 4, 20/11/2024, 03:36[GMT+7]

Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận trên 3.000 ca COVID-19/ngày, số ca mắc mới ở Đức chạm mốc cao kỷ lục

Thứ 7, 20/11/2021 | 09:17:43
1,119 lượt xem
Đến sáng 20/11, thế giới có trên 256,78 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,15 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 256,78 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 48,4 triệu ca mắc và hơn 790.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 58.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hãng dược phẩm Pfizer đã ký hợp đồng cung cấp 10 triệu lộ trình thuốc điều trị COVID-19 dạng uống Paxlovid cho Chính phủ Mỹ. Hợp đồng này trị giá 5,29 tỷ USD, gấp đôi giá trị hợp đồng mà Chính phủ Mỹ đã ký với hãng dược Merkc. Pfizer dự định sản xuất 180.000 liệu trình Paxlovid vào cuối tháng 12 và ít nhất 50 triệu liệu trình đến cuối năm 2022.

Pfizer đã nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp Paxlovid trong tuần này sau khi các dữ liệu cho thấy 89% hiệu quả trong việc tránh phải nhập viện hoặc tử vong ở những người có nguy cơ cao. Pfizer cho biết sẽ bắt đầu giao thuốc ngay trong năm nay nếu được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn.

Tại Mỹ, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em hiện cao gấp 3 lần so với người lớn. Nước này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho trẻ em thông qua những hoạt động tuyên truyền, cảnh báo các phụ huynh cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch về vaccine và nhấn mạnh tính an toàn, hiệu quả của vaccine dành cho trẻ em.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/11, nước này ghi nhận hơn 5.800 ca mắc mới COVID-19. Hiện tổng cộng gần 34,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 465.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 612.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số gần 22 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đức buộc Chính phủ nước này siết chặt các biện pháp chống dịch. Giới chức Đức đã thông qua một số biện pháp như yêu cầu tất cả người tới thăm và nhân viên các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm hàng ngày. Các nhân viên đã tiêm đủ liều vẫn cần làm xét nghiệm 3 lần trong tuần.

Đức cũng áp dụng quy tắc 2G (chỉ nới lỏng với người đã tiêm và đã khỏi bệnh) trên cả nước. Nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá năng lực của các bệnh viện, các bang cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn như quy tắc 2G+ (cần thêm chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính).

Người đứng đầu Viện Robert Koch cảnh báo Đức, sẽ bước vào một mùa Giáng sinh "cực kỳ tồi tệ” nếu chính quyền không áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát tình hình. Ông Wieler nhận định, ngay cả khi các biện pháp được thực hiện, Đức vẫn phải đối mặt với “những ngày vô cùng ảm đạm” khi có hàng trăm người mắc bệnh có thể tử vong mỗi ngày. Ngoài việc khuyến nghị đóng cửa các địa điểm đông người trong nhà như quán bar và hộp đêm, ông thúc giục Chính phủ tăng tỷ lệ tiêm chủng, bao gồm cả việc tiêm liều nhắc lại, cấm tụ tập đông người, giảm tiếp xúc xã hội.

Không thể loại trừ khả năng áp đặt "tình trạng khẩn cấp quốc gia" là tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Đức đưa ra ngày 19/11. Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 1/4 số quận trên toàn nước Đức có tỷ lệ mắc trong 7 ngày qua vượt 500 ca/100.000 dân và nhiều bệnh viện đang ở mức báo động. Trong bối cảnh này, bang Bayern đã thông báo hủy tất cả các hội chợ Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, các trường học, nhà trẻ và các cửa hàng sẽ vẫn mở cửa. Trước đó, Thượng viện Đức đã thông qua Luật phòng chống lây nhiễm sửa đổi, theo đó bổ sung một số hạn chế mới để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh.

Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận trên 3.000 ca COVID-19/ngày, số ca mắc mới ở Đức chạm mốc cao kỷ lục - Ảnh 1.

Hàng trăm người mắc COVID-19 có thể tử vong mỗi ngày ở Đức. (Ảnh: AP)

Truyền thông Áo ngày 19/11 đưa tin, nước này sẽ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tuần tới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng vọt. Ước tính có 66% dân số Áo đã tiêm phòng đầy đủ, một trong những tỷ lệ thấp nhất tại Tây Âu. Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người trong 7 ngày. Hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 là Salzburg và Upper Austria. Chính quyền hai tỉnh tuyên bố sẽ áp lệnh phong tỏa vào ngày 22/11 tới, đồng thời hối thúc Chính phủ trung ương có động thái tương tự.

Trong ngày 18/11, số ca mắc mới hàng ngày Áo đã lần đầu tiên vượt 15.000 ca. Tính đến ngày 19/11, Áo ghi nhận tổng cộng 11 triệu người nhiễm với 15.809 ca mắc mới trong ngày và hơn 11.900 trường hợp tử vong do COVID-19.

Ukraine liên tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19. Và đại dịch đang tấn công nhiều hơn vào trẻ em trong những tháng gần đây. Các bệnh viện bệnh truyền nhiễm liên tục nhận bệnh nhân trẻ em, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine trong dân số thấp, trong khi hệ thống y tế lại không được đầu tư đủ.

Quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới là 20.000 trường hợp trong trung bình 7 ngày qua. Dịch bệnh căng thẳng đã đẩy các y, bác sĩ ở nước này vào tình trạng quá tải, với những ca làm việc vượt quá giới hạn chịu đựng bình thường. Tại một số bệnh viện ở Ukraine, có bác sĩ làm phải làm việc 24 giờ trong bệnh viện, tiếp đến là 18 giờ trong những căn lều dã chiến để chữa trị bệnh nhân COVID-19, tổng cộng lên tới 42 giờ cho một ca làm việc.

Ngày 19/11, Ukraine có 20.050 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 3,3 triệu người ở nước này đã nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 80.200 bệnh nhân thiệt mạng.

Kể từ ngày 22/11, Chính phủ Cộng hòa Czech chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh do virus SARS-CoV-2 trong 6 tháng được vào nhà hàng, tham dự một số sự kiện và sử dụng nhiều dịch vụ khác. Hiện Czech đang phải đối mặt với một tình huống "nghiêm trọng" khi trong những ngày qua, quốc gia hơn 10 triệu dân này đang đối mặt với tỷ lệ gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới với 22.500 ca nhiễm mới trong ngày.

Bộ trưởng Bộ Y tế Czech cho biết, việc áp đặt các hạn chế mới này sẽ là động lực cho người dân tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 để phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Từ đầu tuần tới, những người chưa tiêm vaccine tại Hy Lạp sẽ không được phép vào các địa điểm trong nhà như rạp chiếu phim, rạp hát, phòng tập gym và bảo tàng, thậm chí kể cả khi họ có xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, theo quy định mới của Hy Lạp, giấy chứng nhận tiêm vaccine chỉ có hiệu lực trong 6 tháng để khuyến khích người dân đi tiêm bổ sung. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Hy Lạp là 62%, thấp hơn mức trung bình ở các nước châu Âu khác.

Bộ trưởng Bộ Du lịch Philippines Berna Puyat thông báo sẽ sớm mở cửa đón tiếp du khách quốc tế trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị kế hoạch mở cửa một phần đối với các du khách đã hoàn thành tiêm chủng. Bà Puyat cho biết, biên giới sẽ sớm mở của trở lại, nhưng không cung cấp thời gian cụ thể. Bà nhấn mạnh, việc cho phép các du khách từ các nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách xanh (có tỷ lệ tiêm chủng cao và ít có nguy cơ về dịch bệnh) sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Theo Chính phủ Philippines, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp vào vùng xanh, trong đó có Trung Quốc, Indonesia và Zimbabwe.

Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận trên 3.000 ca COVID-19/ngày, số ca mắc mới ở Đức chạm mốc cao kỷ lục - Ảnh 2.

Tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể. (Ảnh: AP)


Bộ Y tế Lào ngày 19/11 cho biết, một công ty dược của nước này đã được cấp phép sản xuất viên uống Molnupiravir, một loại thuốc uống được đánh giá tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19. Đây là một trong các nỗ lực của Lào nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế Lào, việc sản xuất thử nghiệm thuốc Molnupiravir sẽ được triển khai từ tháng 12 dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong giai đoạn thử nghiệm, Lào chỉ sản xuất với số lượng đủ điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19. Trước mắt, đối tượng được sử dụng là người trong độ tuổi 18-65 có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình và đang ở giai đoạn đầu mắc COVID-19, đồng thời phải không có dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy. Mỗi người sẽ được cấp thuốc đủ uống trong 5 ngày (tương đương một liệu trình).

Trong 3 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 3.000 ca. Trong khi đó, các ca bệnh nặng tăng liên tục và nguồn lực y tế bị quá tải. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sử dụng giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Seoul là hơn 80% và vùng phụ cận là hơn 78%. Tỷ lệ này trên cả nước là gần 64%.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc trước đó cho biết, nếu tỷ lệ vượt ngưỡng 75%, nước này sẽ tạm dừng kế hoạch sống chung với COVID-19. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để đánh giá tình hình hình đại dịch trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và chuyển sang chế độ khẩn cấp hay không.

Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện kế hoạch sống chung với COVID-19 theo 3 giai đoạn từ ngày 1/11. Đến nay, 82,1% người dân Hàn Quốc đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-10 và khoảng 78,6% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Lần đầu tiên trong gần 2 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hàn Quốc sẽ nối lại việc giảng dạy và học tập trực tiếp tại trường học vào tuần tới sau khi kỳ thi đầu vào đại học kết thúc.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép tăng số người nhập cảnh vào nước này từ 3.500 lên 5.000 người/ngày từ ngày 26/11 tới. Quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá về việc dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt và nhu cầu nhập cảnh vào Nhật Bản đang ngày càng cao trong thời gian qua. Tình hình dịch bệnh tại nước này đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như hệ thống y tế và hệ thống kiểm soát dịch bệnh đã được tăng cường.

Ngày 19/11, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ giới hạn về số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và nới lỏng một số biện pháp hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống. Hiện hơn 75% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Theo vtv.vn