Thứ 4, 20/11/2024, 01:44[GMT+7]

Điểm giống và khác nhau giữa hai biến thể Omicron và Delta

Thứ 4, 01/12/2021 | 18:05:13
936 lượt xem
Cho đến nay, giới nghiên cứu đã chỉ ra một số đặc điểm giống và khác nhau giữa biến thể này và biến thể Delta đang là biến thể gây bệnh chủ đạo trên thế giới.

Hình ảnh so sánh biến thể Delta và Omicron

Virus SARS-CoV-2 vốn là virus lây lan nhanh nên việc xuất hiện thêm bất kỳ biến thể nào lây lan nhanh hơn biến thể gốc cũng sẽ tiếp tục phủ bóng lên triển vọng phục hồi mọi hoạt động trên toàn thế giới sau đại dịch. Hồi tháng 7 vừa qua, biến thể Delta xuất hiện, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn gấp đôi các biến thể trước đó. Tại Mỹ, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng hàng đầu thế giới ở thời điểm đó, biến thể này lây lan nhanh chóng và trở thành biến thể gây bệnh chính, khiến số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh. Phần lớn các ca này ghi nhận ở nhóm chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới công bố biến thể mới đáng quan ngại với tên gọi Omicron. Sau khi các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra biến thể Omicron đứng sau làn sóng dịch bệnh mới, các nhà khoa học trên toàn thế giới cũng bắt đầu chạy đua để xác định khả năng lây lan và biến ứng của Omicron với các loại vaccine phòng COVID-19 hiện hành. Omicron đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ như Scotland (Anh), Bồ Đào Nha, Canada, Anh, Nhật Bản... Đáng chú ý, ngày 29/11, Hà Lan công bỗ đã phát hiện Omicron trong các mẫu bệnh phẩm lấy được từ trước khi Nam Phi báo cáo về biến thể này tới WHO. Một thông tin cho thấy khả năng biến thể đã xuất hiện tại châu Âu từ trước khi WHO được thông báo.

Đến hiện tại, các nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có khả năng lây lan tương đương hoặc hơn biến thể Delta và ở mức độ này thì biến thể mới sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho các hệ thống y tế nếu không được kiểm soát. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tin tưởng những vaccine hiện hành có hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng sau khi nhiễm Omicron. Các biện pháp y tế cộng đồng mà thế giới sử dụng trong thời gian qua cũng được cho là sẽ tiếp tục phát huy tác dụng ngăn chặn biến thể mới lây lan.

Hiện vẫn còn quá sớm để có thể kết luận liệu Omicron có nguy hiểm hơn Delta hay không. Theo Bộ Y tế Nam Phi, Omicron có một số đột biến ở protein gai tương tự như ở biến thể Delta, Alpha, Gamma và Beta. Đây là các biến thể thuộc nhóm đáng quan ngại theo đánh giá của WHO. Điều này đồng nghĩa rằng biến thể mới cũng có khả năng lây lan cao, có thể giúp virus dễ né được kháng thể của con người hơn và giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. Cũng giống như trường hợp của Delta, các nhà khoa học tin rằng với Omicron, các vaccine hiện hành vẫn có hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng. Ngoài ra, các nhà khoa học Nam Phi còn tin rằng biến thể Omicron có thể dẫn tới nguy cơ tái nhiễm cao hơn ở những người đã khỏi bệnh.

Về số lượng đột biến protein gai thì biến thể Omicron có nhiều hơn biến thể Delta. Tuy nhiên, thực trạng này có ảnh hưởng theo hướng nào đến đặc tính của virus nói riêng và tình hình dịch bệnh nói chung thì cần thêm thời gian để nghiên cứu.

Về triệu chứng khi mắc bệnh do nhiễm biến thể mới, Tiến sĩ Angelique Coetzee, bác sĩ Nam Phi đã trực tiếp tham gia phát hiện biến thể mới, cho biết đến nay, các ca bệnh mà bà biết là nhiễm Omicron đều có những triệu chứng rất nhẹ. Các triệu chứng gồm mệt mỏi, đay đầu và đau họng, không có trường hợp nào bị mất khứu giác hay bị ho kéo dài như các ca nhiễm các biến thể trước đây. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng biến thể Delta cũng từng làm thay đổi cách bệnh biểu hiện ra bên ngoài. Theo đó, các triệu chứng như ho và mất khứu giác cũng ít xuất hiện hơn ở các ca bệnh nhiễm biến thể Delta so với những biến thể trước đó. Một nghiên cứu của Anh chỉ ra các triệu chứng như đau đầu và chảy nước mũi, giống như bị cảm lạnh, hiện là những triệu chứng thường thấy ở người mắc COVID-19.

Tựu chung lại, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận triệu chứng ở người nhiễm biến thể Omicron nặng hơn hay nhẹ hơn ở người nhiễm Delta. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Nam Phi, có những dấu hiệu sơ bộ cho thấy các ca nhiễm Omicron thường xuất hiện triệu chứng nhẹ, hầu hết là những người trẻ tuổi. Mà thông thường, những người trưởng thành trẻ tuổi và trẻ em nếu mắc COVID-19 đều xuất hiện các triệu chứng nhẹ hơn so với những người lớn tuổi.

Những đột biến ở virus thường diễn ra trong quá trình virus sao chép bên trong cơ thể vật chủ. Có một điều mà giới khoa học đều nhất trí đó là càng nhiều người chưa được tiêm phòng hoặc chưa có miễn dịch với COVID-19 thì càng có nhiều cơ hội cho virus lây lan và gia tăng nguy cơ xảy ra những biến đổi để hình thành những biến thể mới đáng lo ngại hơn. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể và tránh phải gặp những biến thể mới là tiêm phòng.

Bên cạnh việc kêu gọi người dân đi tiêm phòng, các chính phủ, đặc biệt là những nước giàu có, nên quan tâm nhiều hơn tới việc đảm bảo vaccine phòng bệnh được phân bố đều trên thế giới. Theo dữ liệu từ Our World in Data thì chỉ có khoảng 6% tổng dân số các nước thu nhập thấp mới được tiêm mũi đầu trong khi những nước giàu có đang lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gửi đi thông điệp với toàn thế giới rằng sự xuất hiện của Omicron và tình trạng khẩn cấp mà biến thể này gây ra chính là hồi chuông cảnh báo cần chấm dứt tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.

Theo vtv.vn