Thứ 4, 20/11/2024, 01:25[GMT+7]

Số ca tử vong theo ngày tại Đức liên tục tăng trong một tuần qua

Thứ 5, 02/12/2021 | 08:01:40
727 lượt xem
Tính đến sáng sớm nay, thế giới ghi nhận hơn 263 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5,2 triệu trường hợp tử vong.

Một nhà hàng tại TP Marburg sử dụng quy tắc "2G", chỉ cho phép người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 được ngồi bên trong.

Trong ngày 1/12, tiếp tục có thêm nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, như Hàn Quốc, Ireland, Na Uy, Đan Mạch, Saudi Arabia, Ghana, Nigeria. Diễn biến dịch đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị về an toàn đi lại, theo đó người chưa hoàn thành tiêm vaccine và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng.

Khuyến cáo của WHO nêu rõ: "Những người chưa tiêm đầy đủ vaccine hoặc không có xác nhận đã nhiễm SARS-CoV-2 và có nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, nên dừng các kế hoạch đến những khu vực có lây nhiễm cộng đồng". Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại.

Sự lây lan nhanh chóng của Omicron cũng khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định rằng, đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo bà, đến nay 1/3 trong tổng số 450 triệu dân EU vẫn chưa được tiêm phòng và Liên minh chưa có cách tiếp cận chung về việc tiêm vaccine bắt buộc. Bà von der Leyen cũng cho rằng, hàng ngày EU cần đánh giá lại các biện pháp hạn chế đi lại của mình và nhanh chóng triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm bảo vệ người dân khỏi biến thể Omicron.

Số ca tử vong theo ngày tại Đức liên tục tăng trong một tuần qua - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chung quan điểm với Chủ tịch EC, Thủ tướng tương lai của Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này có thể áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine và đề xuất có thể bắt đầu việc này từ tháng 2 hoặc tháng 3/2022. Ông Scholz cũng ủng hộ việc áp đặt quy tắc 2G đối với khách hàng tới các cửa hàng bán lẻ, nghĩa là chỉ những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 mới được phép đến mua hàng. Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với các hiệu thuốc. Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (RKI), số ca tử vong theo ngày tại Đức đã liên tục tăng trong một tuần qua, với 446 ca ghi nhận được trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 20/2/2021. Nhiều bệnh viện đang phải vật lộn với việc số ca nặng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, Pháp đã quyết định kéo dài ít nhất đến ngày 4/12 lệnh tạm dừng các chuyến bay từ các nước miền Nam châu Phi, khu vực mà biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Bên cạnh đó, khách nhập cảnh Pháp từ các nước ngoài EU sẽ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, dù đã tiêm đủ vaccine hay chưa.

Cùng ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ không do dự siết chặt các biện pháp hạn chế trong dịp lễ Giáng sinh nếu cần kiểm soát sự gia tăng số ca nhiễm gần đây. Dù là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Chính phủ Bồ Đào Nha tái áp đặt một số biện pháp hạn chế từ ngày 1/12, như bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia sự kiện trong phòng kín, khuyến nghị làm việc từ xa khi có thể, và yêu cầu mọi hành khách đi đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh dù đã tiêm phòng đầy đủ. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là người có chứng nhận đã bình phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và trẻ em dưới 12 tuổi.

Số ca tử vong theo ngày tại Đức liên tục tăng trong một tuần qua - Ảnh 2.

Campuchia quyết định cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 10 quốc gia châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới Omicron.

Tại châu Á, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.425 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 8 ca tử vong, trong đó chỉ có một ca là người nhập cảnh. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane vẫn ở mức cao với 576 trường hợp trong một ngày tại 203 bản thuộc 9 quận. Hiện thủ đô Vientiane có 355 bản tại 9 quận được quy định là vùng đỏ. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 75.163 ca, trong đó có 178 người tử vong.

Lo ngại sự lây lan của biến thể mới Omicron, Campuchia đã quyết định cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 10 quốc gia châu Phi.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, công dân từ 10 nước châu Phi cấm nhập cảnh vào nước này gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Những du khách quá cảnh hoặc có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 3 tuần cũng bị cấm vào Campuchia để ngăn ngừa lây nhiễm của biến thể Omicron. Đến nay, Campuchia chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron.

Trong khi đó, Hàn Quốc xem xét áp dụng các biện pháp bổ sung để ngăn chặn biến thể Omicron, trong bối cảnh nước này ghi nhận 5.123 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.075 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 452.350 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số bệnh nhân nặng cũng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch là 723 người. Đây cũng là lần đầu tiên số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc vượt mốc 700 ca.

Theo vtv.vn