Thứ 3, 19/11/2024, 23:47[GMT+7]

Phòng chống biến thể Omicron: Vaccine vẫn là "vũ khí tốt nhất hiện có"

Thứ 6, 10/12/2021 | 14:51:05
318 lượt xem
Trong tuần này, đã có tổng cộng 57 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron.

Biến thể Omicron còn có thể giúp hình thành miễn dịch chống COVID-19.

WHO nhận định lạc quan về vaccine ngừa biến thể Omicron

Đến nay, đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện. Những kết quả nghiên cứu mới nhất đã phần nào giải tỏa nỗi lo sợ hay hoảng loạn ban đầu của người dân ở một số nước về siêu biến chủng này.

Sau những lo lắng về sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron vào tuần trước, nay chúng ta đã có thể phần nào cảm thấy bình tĩnh hơn khi các thông tin khoa học đã được giới chức y tế thế giới đưa ra. Thậm chí, có những nhận định còn cho rằng, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu cho thấy, dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm kết thúc.

Thông tin mới nhất là vào hai ngày trước, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cho rằng, biến thể Omicron dường như không gây bệnh COVID-19 nặng hơn các biến thể trước đó và khó có khả năng khiến vaccine COVID-19 vô hiệu.

Ông Michael Ryan thừa nhận về khả năng các vaccine sẽ giảm tác dụng với Omicron. Tuy nhiên, ông cho biết, "rất khó có khả năng" vaccine mất tác dụng hoàn toàn. Do đó, vaccine vẫn là "vũ khí tốt nhất hiện có" của chúng ta.

Mũi vaccine tăng cường của Pfizer-BioNTech có hiệu quả với biến thể Omicron

Thêm một thông tin khả quan là nếu như hai mũi vaccine chưa đủ bảo vệ trước Omicron, mũi tiêm tăng cường lại có thể. Kết quả nghiên cứu sơ bộ của hai hãng dược Pfizer-BioNTech cho thấy, mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 của hai hãng dược này có hiệu quả với biến thể Omicron.

Phân tích mẫu huyết thanh từ những người đã được tiêm hai mũi vaccine cho thấy, lượng kháng thể giúp vô hiệu hóa virus giảm khoảng 25 lần khi gặp biến thể Omicron so với biến thể gốc. Tuy nhiên, việc tiêm liều tăng cường sẽ giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, tương đương với mức bảo vệ trước biến thể gốc và các biến thể khác sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine ban đầu.

Góc nhìn khác của chuyên gia về biến thể Omicron

Liên quan đến lịch sử dịch tễ hay sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2, trong tuần này có những ý kiến chuyên gia rất đáng chú ý về biến thể Omicron. Đáng chú ý nhất là nhận định của giới khoa học cho rằng, việc biến thể Omicron xuất hiện, lấn át biến thể Delta hiện nay lại chưa hẳn là một tin tồi, thậm chí báo hiệu đại dịch sắp kết thúc. Nguyên nhân là do đến nay, dù đã lây lan rộng, nhưng thế giới hầu như chưa ghi nhận ca mắc Omicron tử vong nào.

Giới chuyên gia y tế của Nam Phi, nơi ghi nhận sự xuất hiện đầu tiên của biến thể Omicron, nhận định, các trường hợp nhiễm Omicron tại đây đều ở thể nhẹ, số ca nhập viện khá thấp. Nếu trải nghiệm của Nam Phi với Omicron là ví dụ điển hình, bệnh COVID-19 mà Omicron gây ra cũng không nghiêm trọng hơn so với bệnh cúm thông thường, và biến thể này còn có thể giúp hình thành miễn dịch chống COVID-19.

Cùng quan điểm này, chuyên gia virus học của Nga nhận định, sự xuất hiện biến thể Omicrion có thể là dấu hiệu cho thấy, đại dịch có khả năng sắp kết thúc.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho biết, các ca nhiễm biến thể Omicron đến nay dường như hầu hết là thể nhẹ, nhưng vẫn thận trọng cho rằng cần điều tra thêm liệu biến thể này có thể khiến bệnh nặng lên hay không.

Không thể mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh

Những thông tin có phần lạc quan trên vẫn sẽ cần được kiểm chứng thêm vì các chuyên gia sẽ cần thêm vài tuần nữa để có những nghiên cứu chi tiết hơn về biến thể Omicron. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, để phòng ngừa kịch bản xấu nhất, tổ chức này ủng hộ các nước cải thiện khả năng theo dõi bộ gene để truy vết virus và phát hiện những biến thể tiềm ẩn khác nhằm tăng cường ứng phó với sự xuất hiện của bất cứ biến thể đáng lo ngại nào.

Theo vtv.vn