Thứ 3, 19/11/2024, 19:34[GMT+7]

Nga có thể đối mặt với số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức 6 con số

Thứ 5, 13/01/2022 | 08:31:08
2,805 lượt xem
Tính đến sáng 13/1, thế giới có hơn 314,4 triệu ca mắc COVID-19 và 5,52 triệu trường hợp tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ.

Theo dự báo của Đại học Washington, số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày tại Mỹ sẽ đạt mức đỉnh là 1,2 triệu ca vào ngày 19/1, sau đó sẽ giảm mạnh. Mỹ cũng có thể sẽ chứng kiến tỷ lệ tử vong do nhiễm biến thể Omicron cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Nguyên nhân theo các chuyên gia y tế có thể là do tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 ở Mỹ thấp so với các quốc gia phát triển khác. Thêm vào đó là việc Mỹ gần như thiếu các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ngay từ giai đoạn đầu bùng phát biến thể Delta.

Nga có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron rất dễ lây lan. Đây là lời cảnh báo đượcTtổng thống Nga Putin đưa ra. Theo ông Putin, Nga có vài tuần để chuẩn bị đối phó làn sóng COVID-19 mới do biến thể Omicron gây ra. Để giảm thiểu nguy cơ này, ông Putin kêu gọi người dân Nga tích cực tham gia tiêm chủng. Trong khi đó, cơ quan y tế Nga đưa ra đánh giá không mấy lạc quan về tình hình dịch COVID-19 tại nước này, theo đó Nga có thể phải đối mặt với số ca nhiễm mới hàng ngày lên mức 6 con số.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm qua cho rằng, còn quá sớm để nhận định rằng, liệu làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hiện nay tại Pháp đã đạt đỉnh hay chưa. Theo ông Veran, biến thể Omicron hiện đã lan rộng tại Pháp và liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên, nước này cần có thời gian để đánh giá liệu làn sóng Omicron đã đạt đỉnh chưa.

Pháp hiện là một trong những quốc gia đang ghi nhận số ca nhiễm mới biến thể này tính theo ngày ở mức cao kỷ lục. Ngày 11/1 vừa qua, nước này đã ghi nhận tới hơn 360 nghìn ca mới mắc COVID-19, số ca mắc cao nhất tính trong một ngày.

Australia ngày 12/1 ghi nhận 17.006 ca mắc mới, vượt xa mức đỉnh 15.809 ca được ghi nhận ngày 19/11/2021. Nhật Bản ghi nhận số ca mắc theo ngày vượt mốc 13.000 ca lần đầu tiên trong 4 tháng trở lại đây, trong bối cảnh nước này đang đối phó với làn sóng dịch thứ 6 với đà lây lan nhanh ở hai thành phố lớn nhất cả nước là thủ đô Tokyo và Osaka.

Nga có thể đối mặt với số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức 6 con số - Ảnh 1.

Người dân Pháp đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Reuters


Đức ngày 12/1 thông báo có thêm 80.430 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần 2 năm trước đây, trong khi giới chức Pháp cũng thông báo số ca mắc mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, với 368.149 ca. Thổ Nhĩ Kỳ, Slovenia cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ đầu dịch đến nay.

Israel, nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư, cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với 43.815 ca trong ngày 12/1.

Hiện nhiều nước đang tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Ngày 12/1, Indonesia đã triển khai chương trình tiêm đại trà mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh quốc gia có dân số lớn thứ tư trên thế giới này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất trong gần 3 tháng qua do biến thể Omicron lây lan nhanh.

Tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố phát hiện hơn 2 nghìn ca nhiễm mới, tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước đó và tăng gần gấp 5 lần so với một tuần trước. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở Tokyo vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày kể từ ngày 5/9/2021.

Trong khi đó, tỉnh Osaka, nơi có thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, cũng ghi nhận thêm hơn 1.700 ca nhiễm mới, tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Tại các tỉnh Okinawa và Yamaguchi, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh. Cùng với tỉnh Hiroshima, hai tỉnh này đã được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ hôm 7/1.

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng sự lây lan nhanh của biến thể Omicron có thể khiến COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung. Người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri nhận định, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra, sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Theo vtv.vn