Thứ 3, 19/11/2024, 17:33[GMT+7]

Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất ba ngày liên tiếp, mũi vaccine thứ tư giúp giảm 3 lần tỷ lệ bệnh nhân nặng cao tuổi

Thứ 2, 24/01/2022 | 08:03:18
2,419 lượt xem
Đến sáng 24/1, thế giới có trên 351 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,61 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, tổng cộng hơn 351 triệu người trên thế giới đã mắc COVID-19.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 71,89 triệu ca mắc và hơn 888.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 162.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thủ đô Washington D.C của Mỹ đang thắt chặt hơn các quy tắc phòng dịch trong trường học, đồng thời khuyến khích các bậc cha mẹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Việc trở lại lớp học an toàn tại thời điểm này đòi hỏi nỗ lực nghiêm túc của các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh để ngăn chặn sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Người dân Mỹ đã có ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang đúng cách, giữ vệ sinh, sát khuẩn và giữ khoảng cách, cũng như cải thiện hệ thống thông gió trong trường học. Chính quyền nỗ lực thúc đẩy việc tiêm chủng cho trẻ em đủ điều kiện từ 5-11 tuổi, điều này sẽ tạo ra chuyển biến tích cực cho trẻ em và các bậc cha mẹ không nên do dự.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 39,23 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 489.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 622.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 23,96 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 23/1, số ca mắc COVID-19 của Nga tiếp tục ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay trong 3 ngày liên tiếp, lên tới 63.205 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, tăng mạnh so với mức 57.212 trường hợp trong ngày 22/1 và 49.513 bệnh nhân vào ngày 21/1. Riêng thủ đô Moscow, tâm dịch của Nga, đã ghi nhận 17.528 ca nhiễm, mức cao nhất trong ngày thứ tư liên tiếp.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo, Nga có hai tuần để chuẩn bị đối phó với việc số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường đi xét nghiệm và tiêm phòng. Dù Nga hiện đã phê chuẩn 4 loại vaccine, nhưng người dân vẫn do dự đi tiêm. Chưa đầy 1/2 dân số nước này đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản. Các nhà sản xuất vaccine Sputnik V cho biết, vaccine này bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron, trong khi Tổng thống Putin khẳng định, Sputnik V "hiệu quả hơn" các loại vaccine của phương Tây.

Nga đã ghi nhận tổng cộng 326.112 ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi bùng phát dịch trong tổng số trên 11,1 triệu trường hợp nhiễm bệnh.

Pháp đang theo dõi chặt biến thể phụ của Omicron có tên gọi BA.2 đã xuất hiện tại nước này và một số quốc gia châu Âu. Theo cơ quan Y tế Pháp, biến thể BA.2 có những đặc điểm khác với biến thể Omicron về khả năng lây nhiễm, thoát khỏi miễn dịch và cả mức độ nguy hiểm. Các nhà dịch tễ học cho biết, rất khó phát hiện ca mắc biến thể BA.2 bởi việc này đòi hỏi phải giải trình tự gene virus mất thời gian và tốn kém hơn một xét nghiệm PCR đơn thuần. Hiện biến thể phụ này đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia.

Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất ba ngày liên tiếp, mũi vaccine thứ tư giúp giảm 3 lần tỷ lệ bệnh nhân nặng cao tuổi - Ảnh 1.

Biến thể phụ Omicron mới BA.2 đã xuất hiện tại Pháp và một số quốc gia châu Âu. (Ảnh: AP)


Mua một chiếc bánh mỳ kebab được tặng kèm một mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 là sáng kiến của một nhà hàng gia đình tại Kent, miền Nam nước Anh nhằm khuyến khích việc tiêm chủng. Quán ăn kết hợp với điểm tiêm chủng này thuộc về hai anh em Raj và Rav Chopra. Cả hai đều là dược sĩ và đã quyết định kết hợp nhà hàng của gia đình mình trở thành điểm tiêm chủng sau khi cha của họ bị nhiễm COVID-19 và phải nhập viện do bệnh trở nặng.

Đến nay, hơn 83% dân số từ 12 tuổi trở lên ở Anh đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Anh là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai tại châu Âu, chỉ sau Nga, với hơn 153.000 trường hợp.

Kể từ đêm 23/1, toàn bộ New Zealand sẽ nâng mức cảnh báo COVID-19 lên mức đỏ, mức cao nhất. Quyết định nâng mức cảnh báo dịch được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc biến thể siêu lây nhiễm Omicron trong cộng đồng đang gia tăng ở nước này.

Các cuộc tụ tập sẽ giới hạn tối đa 100 người tại những nơi cho phép sử dụng giấy thông hành COVID-19. Dịch vụ khách sạn, nhà hàng được phép mở cửa nhưng chỉ giới hạn tối đa 100 người và những khách đã đặt chỗ. Công sở vẫn mở cửa nhưng nhân viên có thể chọn phương án làm việc tại nhà, đồng thời yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều địa điểm trong nhà.

Hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales và Victoria sẽ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh 2 lần/tuần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại trường học Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các trường học tại nước này sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới.

Các bậc phụ huynh sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh để sàng lọc COVID-19 cho con em mỗi tuần 2 lần. Trong tuần này, hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm được phân phát tới 3.000 trường học và học sinh sẽ phải làm xét nghiệm trước khi tham gia buổi học đầu tiên. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh ở các trường phổ thông bắt buộc phải đeo khẩu trang, trong khi học sinh tiểu học cũng được khuyến khích đeo khẩu trang.

Các trường sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp cũng như hạn chế khách tới trường. Bên cạnh đó, các trường đưa ra dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang đi học, tham gia giảng dạy khi thiếu giáo viên.

El Salvador mới đây cho biết đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Flurona (đồng thời nhiễm virus cúm thông thường và virus SARS-CoV-2). Trường hợp mắc Flurona là một bé trai 5 tuổi, đã được cách ly và tình hình sức khỏe hiện đang ổn định. Giới chức y tế nước này cảnh báo, cần phải tính đến khả năng đã xuất hiện nhiều trường hợp tương tự, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng vaccine COVID-19 và cho rằng, nhờ chiến dịch này mà đến nay hệ thống y tế El Salvador vẫn chưa quá tải. Hiện 80% người dân ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 73% dân số đã hoàn thành 2 mũi tiêm.

Bộ Y tế Israel ngày 23/1 thông báo kết quả nghiên cứu cho thấy, liều vaccine COVID-19 thứ tư tiêm bổ sung cho những người trên 60 tuổi giúp tăng khả năng chống lại nguy cơ bị biến chứng nặng gấp 3 lần so với những người chỉ được tiêm 3 mũi ở cùng nhóm tuổi. Kết quả trên dựa trên số liệu của khoảng 400.000 người cao tuổi đã được tiêm bổ sung hai mũi vaccine, tức mũi thứ tư, so với số liệu của 600.000 người cùng nhóm tuổi nhưng chỉ được tiêm bổ sung một mũi, tức mũi thứ ba, trước đó ít nhất 4 tháng.

Nghiên cứu của Israel cho kết quả tương đồng với các nghiên cứu trước đó ở Mỹ, Đức, Nam Phi và Anh, đều cho thấy các loại vaccine hiện nay kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron, nhưng liều tiêm bổ sung có thể giúp tăng đáng kể khả năng này. Trước đó, trong tháng 1 này, Israel đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ tư phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho những người trên 60 tuổi.

Omicron sẽ là biến thể chủ đạo gây ra các ca nhiễm mới COVID-19 tại Thái Lan. Đây là dự báo vừa được Bộ Y tế Thái Lan đưa ra trong bối cảnh 77 tỉnh, thành phố của nước này đã ghi nhận ca nhiễm mới do biến thể Omicron. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, 97% số ca nhiễm mới từ những người nhập cảnh được ghi nhận từ ngày 11-17/1 là do biến thể Omicron. Biến thể này cũng chiếm tới 80% số ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhiễm biến thể Delta.

Với tốc độ lây lan như hiện nay, Bộ Y tế Thái Lan cho rằng, đến cuối tháng 1 này, 97-98% số ca nhiễm mới theo ngày tại Thái Lan là do biến thể Omicron và biến thể Delta sẽ dần biến mất. Bộ Y tế Thái Lan cũng cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, những ca nhiễm Omicron thường có các triệu chứng nhẹ hơn nên dù số ca nhiễm mới tăng nhưng số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng cũng đang ổn định và tỷ lệ tử vong nói chung thấp hơn so với biến thể Delta.

Tuy nhiên, để ngăn biến thể Omicron lây lan cũng như giảm mức độ nguy hiểm và số ca tử vong nếu nhiễm COVID-19, Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường; đồng thời cho biết, đến nay đã có gần 75% dân số nước này đã tiêm mũi vaccine thứ nhất và hơn 69% dân số đã tiêm đủ hai mũi.

Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất ba ngày liên tiếp, mũi vaccine thứ tư giúp giảm 3 lần tỷ lệ bệnh nhân nặng cao tuổi - Ảnh 2.

Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ vào một tòa nhà bị cách ly ở trung tâm thành phố Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AP)


Hiện Thái Lan đang chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đã tiêm mũi nhắc lại cho 17% dân số. Và với khoảng 70% dân số đã được tiêm vaccine, Chính phủ Thái Lan vẫn quyết định mở trở lại chương trình "Test and go" (Xét nghiệm và đi), cho phép du khách đã tiêm vaccine từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ được đến nước này.

Trong bối cảnh có đồn đoán rằng Chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 23/1 khẳng định, Chính phủ nước này sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ismail cho biết, hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, Chính phủ sẽ sử dụng phương pháp áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tăng cường (EMCO), tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm.

Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai. Ông cũng bày tỏ hy vọng số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 1.000 để Malaysia có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong gia đình, từ ngày 25/1, thủ đô Tokyo của Nhật Bản sẽ vận hành một cơ sở điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng. Cơ sở điều trị có quy mô ban đầu 350 giường được thiết lập tại Quảng trường thể thao Tokyo, thuộc phường Chiyoda, nơi từng được sử dụng cho việc quảng bá Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Đối tượng hướng tới là các bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng nhưng có nguy cơ làm lây lan virus SARS-CoV-2 cho người thân khi sống chung trong một nhà.

Theo số liệu thống kê, trong ngày 23/1, thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận 9.468 ca, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục là 11.227 trước đó một ngày nhưng gấp đôi so với chủ nhật tuần trước. Số ca COVID-19 nặng tính đến hết ngày 23/1 là 13, tăng 1 ca so với ngày 22/1, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nói chung là 35,3% và cho bệnh nhân nặng là 2,5%.

Cùng ngày, Nhật Bản xác nhận 54.180 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng cộng trên 2,12 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm 18.490 người thiệt mạng ở nước này.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định xét nghiệm cho toàn bộ 2 triệu cư dân tại một quận xuất hiện ổ dịch mới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 sẽ chính thức khai mạc. Đại diện chính quyền Bắc Kinh cho biết, thành phố xác định phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch lây lan càng nhanh càng tốt "thông qua các biện pháp cứng rắn, nghiêm ngặt và quyết liệt".

WHO vừa đưa ra khuyến nghị về liều tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi bằng vaccine của Pfizer. Theo đó, liều tiêm cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi chỉ nên bằng 1/3 so với liều cho nhóm trên 12 tuổi. Cụ thể, WHO khuyến nghị lượng vaccine tiêm cho nhóm này là 10 microgram so với 30 microgram dành cho nhóm từ 12 tuổi trở lên.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây đã bác bỏ thông tin cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 báo hiệu COVID-19 đang giảm xuống thành một căn bệnh nhẹ. Ông cảnh báo rằng, đại dịch còn lâu mới kết thúc và "đừng quên Omicron vẫn gây ra những ca nhập viện và tử vong, ngay cả những ca bệnh ít nghiêm trọng hơn cũng khiến các cơ sở y tế quá tải”. Quan điểm này được Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamalei Alexander Gintsburg khẳng định khi trả lời hãng thông tấn Interfax ngày 23/1, khi cho rằng biến thể Omicron sẽ không thể giúp nhân loại chấm dứt đại dịch như nhiều ý kiến nêu ra trước đó bởi "một lý do đơn giản là khi virus càng sinh sôi và càng lây lan thường xuyên thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới”.

Theo vtv.vn