Thứ 3, 19/11/2024, 15:25[GMT+7]

Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 5, dịch bệnh tiếp tục lây lan ở Trung Quốc

Thứ 2, 31/01/2022 | 16:38:30
982 lượt xem
Đến sáng 31/1, thế giới có trên 374,57 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,67 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 374,57 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 75,54 triệu ca mắc và hơn 907.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 65.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số người tử vong hàng ngày do COVID-19 tại Mỹ đã vượt mức đỉnh của làn sóng Delta năm 2021 và có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Tính trong 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận trung bình 2.267 ca tử vong/ngày, vượt mức đỉnh 2.100 trường hợp trong làn sóng do biến chủng Delta gây ra hồi tháng 9/2021. Một nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong tại Mỹ tăng cao là do chương trình tiêm chủng của nước này đã chững lại so với nhiều quốc gia. Hơn một năm triển khai, Mỹ chỉ tiêm được đủ hai liều vaccine cho hơn 60% dân số, tức là còn gần 40% vẫn đối mặt với nguy cơ cao. Khả năng miễn dịch sau tiêm cũng suy giảm theo thời gian, và các nhà khoa học còn cho biết kháng thể tự nhiên sau khi nhiễm các biến chủng trước đó sẽ suy yếu sau một thời gian tương đối ngắn. Theo ước tính của các nhà khoa học, Mỹ có thể ghi nhận trung bình khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian tới.

Chính phủ Mỹ đã đặt mua thêm hơn 100 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 từ nhà sản xuất iHealth Lab Inc. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đây được coi là một phần trong kế hoạch của Nhà Trắng để phân phối 500 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí cho người dân trên toàn quốc.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 30/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 41 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 494.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

75% dân số trưởng thành của Ấn Độ, tương đương hơn 705 triệu người, đã tiêm đủ liều vaccine COVID 19. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đợt dịch mới tại tại quốc gia Nam Á này. Hầu hết những người được tiêm chủng chỉ có các triệu chứng nhẹ và đã nhanh chóng hồi phục tại nhà trong đợt dịch thứ ba. Khoảng 5% đến 10% số người mắc COVID-19 phải nhập viện, giảm một nửa so với thời điểm ở đỉnh dịch vào tháng 5/2021. Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn dân từ tháng 3/2021, có ngày nước này đã lập kỷ lục tiêm 20 triệu mũi vaccine.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 626.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 25,24 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Viện Robert Koch của Đức cho biết, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 106.341 ca mắc mới COVID-19 và 45 trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Như vậy, đến nay Đức ghi nhận tổng cộng trên 9,77 triệu ca mắc COVID-19 và 118.380 người thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 28/1, giới chức y tế Đức nhận định, làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron hiện đang "được kiểm soát tốt" và có thể xem xét dỡ bỏ một số hạn chế sau khi đợt dịch này lên tới đỉnh điểm vào cuối tháng 2 tới.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết, Bộ này đã chuẩn bị cho tình huống số ca nhiễm mới tăng cao hơn và những con số thực tế hiện nay đều thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ là sai lầm nếu dỡ bỏ các lệnh hạn chế vào lúc này. Điều này sẽ được thực hiện trong nửa cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 nếu làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron vẫn còn trong tầm kiểm soát.

Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 5, dịch bệnh tiếp tục lây lan ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính quyền Đức cho rằng, sẽ là sai lầm nếu dỡ bỏ các lệnh hạn chế vào lúc này. (Ảnh: AP)


Ngày 30/1, Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, Anh sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho những trẻ em có nguy cơ cao nhất từ 5-11 tuổi trong tuần này. Anh tiến hành tiêm chủng cho nhóm trẻ em trên chậm hơn so với các quốc gia khác và chưa có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm trong nhóm này như nhiều nước đang triển khai, trong đó có Mỹ và Israel.

NHS vùng England cho biết, những trẻ em từ 5-11 tuổi có nguy cơ lâm sàng hoặc những trẻ sống cùng những người bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm mũi đầu tiên. Hướng dẫn này cũng phù hợp với khuyến nghị mà Ủy ban hỗn hợp về vaccine và tiêm chủng của Anh (JCVI) đưa ra hồi tháng 12/2021.

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở trường học hiện ở mức cao tại vùng England. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), gần 12% học sinh từ 5-11 tuổi mắc COVID-19 trong tuần tính đến ngày 22/1 vừa qua.

Làn sóng dịch tại Australia đã đạt đỉnh và nước này có thể đạt trạng thái bình thường mới vào cuối năm 2022. Đây là nhận định của Giáo sư Catherine Bennett, Đại học Deakin, Australia. Theo chuyên gia này, các dấu hiệu hiện nay cho thấy, Australia đang ở phía bên kia của làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên, quá trình giảm số ca mắc sẽ không nhanh chóng, do virus đã lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo Giáo sư Bennett, tiêu chuẩn của trạng thái bình thường mới là các doanh nghiệp hoạt động bình thường, hệ thống chăm sóc y tế không bị quá tải và mọi người đi lại tự do. Một số chuyên gia Australia nhận định, để giảm tải hệ thống ý tế, nước này cần thúc đẩy tiêm chủng mũi tăng cường, tiếp tục giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và một số hạn chế khác.

Từ ngày 31/1, hàng nghìn trường học tại Australia sẽ đón học sinh trở lại. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, học sinh được yêu cầu xét nghiệm 2 lần mỗi tuần. Trong khi đó, nước này dự kiến mở cửa biên giới quốc tế từ tháng 4 tới.

Bộ Y tế Israel dự đoán, làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại nước này đã chạm đỉnh và bắt đầu đi xuống. Theo Bộ Y tế Israel, lần đầu tiên trong tuần qua, số ca mắc mới đã giảm xuống ở mức hơn 57.000 người hôm 27/1. Mức trung bình trong tuần là 85.000 ca.

Điều này được cho là đồng nghĩa với việc Israel đang tiến dần đến điểm cuối của làn sóng dịch hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Y tế Israel cảnh báo, trong 2 - 3 tuần tới, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục khó khăn do số ca nhập viện tăng. Ước tính tổng cộng đã có khoảng 3 triệu người dân Israel bị nhiễm biến thể Omicron trong làn sóng dịch hiện nay.

Ngày 30/1, 100% học sinh ở tất cả các cấp và mẫu giáo ở Qatar đã quay trở lại trường học. Để có thể đến trường sau 9 tháng ở nhà, hơn 300.000 học sinh phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà trước. Việc xét nghiệm phải được thực hiện hàng tuần và các bộ xét nghiệm được cung cấp miễn phí.

Qatar bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên từ tháng 5/2021, trong khi trẻ từ 5-11 tuổi bắt đầu được tiêm chủng từ tháng 1 năm nay.

Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 5, dịch bệnh tiếp tục lây lan ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Số ca mắc mới tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 30/1 đã tăng lên mức cao nhất trong 1,5 năm qua. (Ảnh: AP)


Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vừa đề nghị các cơ sở y tế cộng đồng trên cả nước nâng cao khả năng phát hiện sớm ca mắc COVID-19 trong bối cảnh nhu cầu đi lại trong mùa du lịch lễ hội mùa xuân và về quê ăn Tết, còn gọi là Xuân vận, đang ở dịp cao điểm.

Cơ quan này đã đề nghị các chính quyền địa phương ban hành hướng dẫn cho những trung tâm y tế cơ sở các cấp tăng cường quản lý, báo cáo càng sớm càng tốt trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 và thực hiện nghiêm những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong bệnh viện. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc dự kiến, trong đợt Xuân vận năm 2022, có khoảng 1,18 tỷ lượt hành khách đi lại, tăng gần 36% so với năm 2021.

Ngày 30/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 81 ca mắc mới COVID-19. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), số ca mắc mới tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 30/1 đã tăng lên mức cao nhất của thành phố này kể từ tháng 6/2020. Các nhà chức trách thành phố Bắc Kinh đã đóng cửa một số khu nhà. Trong khi đó, chính quyền quận Phong Đài, nơi hầu hết các ca nhiễm COVID-19 được phát hiện hôm 30/1, đã bắt đầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng 2 triệu dân.

Tính đến ngày 30/1, Trung Quốc đại lục phát hiện tổng cộng 106.015 ca mắc COVID-19, trong đó số người tử vong giữ nguyên ở mức 4.636 trường hợp.

Ngày 30/1, bà Sanae Takaichi, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cho biết, có khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Phát biểu trong một chương trình truyền hình, bà Takaichi cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế", nhưng bảo vệ cuộc sống của người dân vẫn là "ưu tiên hàng đầu". Theo bà Takaichi, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này "mà không do dự".

Từ đầu năm tới nay, dịch COVID-19 đã tái bùng phát dữ dội ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ngày 30/1, nước này ghi nhận thêm 82.159 ca nhiễm mới và 43 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 80.000 bệnh nhân/ngày. Trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, có tới 16 địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục.

Theo vtv.vn