Thứ 3, 19/11/2024, 13:44[GMT+7]

Số ca mắc/ngày ở Hong Kong (Trung Quốc) tăng 13 lần trong hai tuần, nhiều nước tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư

Thứ 3, 15/02/2022 | 08:00:09
513 lượt xem
Đến sáng 15/2, thế giới có trên 413,33 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,83 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 413,33 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 79,38 triệu ca mắc và gần 944.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 22.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,66 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 509.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Tại Ấn Độ, chính quyền các bang Uttar Pradesh, Bihar và Kerala đã chính thức mở cửa trường học các cấp từ ngày 14/2, khi dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng giảm. Tại bang Bihar, tất cả trường trung học, cao đẳng, đại học được hoạt động tối đa công suất. Các trường tiểu học hoạt động 50% công suất. Ở bang Kerala, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được đi học trực tiếp, nhưng lớp học chỉ được tổ chức cho đến đầu giờ chiều. Các trường mẫu giáo ở bang này cũng được mở cửa trở lại từ hôm nay. Trước đó, tiểu bang Uttar Pradesh đã cho phép học sinh từ lớp 9 trở lên và sinh viên học trực tiếp từ ngày 7/2. Từ ngày 14/2, học sinh tất cả các cấp tại bang này đều học trực tiếp.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 638.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 27,48 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Cơ quan An ninh Y tế Anh đã chính thức giám sát biển thể Deltacron, được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2, sau khi ghi nhận một bệnh nhân nhiễm biến thể này.

Biến thể lai này được cho là xuất hiện ở bệnh nhân đã nhiễm cả 2 biến thể Delta và Omicron cùng một lúc, tuy nhiên hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác. Hai biến thể Delta và Omicron đều được xác định là lây lan nhanh, tuy nhiên chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Hiện Cơ quan An ninh Y tế Anh không đặc biệt lo ngại về biến thể này vào thời điểm hiện tại vì số ca không nhiều, mà sẽ đặt trong tầm giám sát.

Trong bối cảnh làn sóng Omicron được dự báo sẽ giảm xuống trong những tuần tới, chính quyền liên bang và các bang ở Đức đang lên kế hoạch bãi bỏ dần nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19. Chính quyền 16 bang ở Đức đã nhất trí về một dự thảo nghị quyết nới lỏng các biện pháp phòng dịch trước thềm cuộc họp của chính quyền liên bang và các bang vào ngày 16/2 tới, theo đó từ ngày 20/3, những hạn chế sâu rộng đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ được bãi bỏ dần.

Quy định giới hạn 10 người lớn tại các cuộc gặp mặt riêng tư sẽ được mở rộng. Quy tắc phòng dịch trong lĩnh vực bán lẻ như kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ được dỡ bỏ. Câu lạc bộ và vũ trường sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 4/3 tới và phải thực hiện quy định về tiêm chủng. Làm việc tại nhà sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc.

Ngày 14/2, Cơ quan Y tế Thụy Điển khuyến cáo, những người từ 80 tuổi trở lên nên tiêm mũi nhắc lại thứ hai (mũi tiêm thứ tư) của vaccine COVID-19. Việc tiêm mũi thứ tư vaccine COVID-19 nhằm ngăn chặn khả năng miễn dịch bị suy giảm trong bối cảnh biến thể Omicron có khả năng lây truyền mạnh lan tràn.

Số ca mắc/ngày ở Hong Kong (Trung Quốc) tăng 13 lần trong hai tuần, nhiều nước tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư - Ảnh 1.

Cơ quan Y tế Thụy Điển cho biết sẽ tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư cho một số nhóm đối tượng. (Ảnh: AP)


Khuyến nghị về việc tiêm mũi vaccine thứ tư cũng bao gồm tất cả những người sống trong viện dưỡng lão hoặc người nhận được các dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt tại nhà. Cơ quan Y tế Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố, mũi tiêm tăng cường thứ hai nên được thực hiện ít nhất bốn tháng sau lần tiêm mũi bổ sung đầu tiên.

Thụy Điển đã ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục vào đầu năm nay khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng trên khắp nước này. Tuy nhiên, các nhà chức trách Thụy Điển đang nghiên cứu các mũi tiêm tăng cường và những triệu chứng nhẹ hơn của biến thể để giảm bớt áp lực đối với công tác chăm sóc sức khỏe.

Chính phủ Thái Lan sẽ mở cửa trở lại biên giới với Malaysia vào tháng 3 tới nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch và kinh tế ở các tỉnh vùng cực Nam nước này. Theo đó, Thái Lan sẽ lập "bong bóng du lịch" với Malaysia. Khách du lịch từ quốc gia láng giềng này sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan theo chương trình "Test & Go" mà không cần cách ly khi đến nước này. Tuy nhiên, du khách vẫn cần phải thực hiện hai lần xét nghiệm bằng phương pháp PCR sau khi đến Thái Lan.

Hiện tại, Thái Lan cũng đã thông qua đề xuất về "bong bóng du lịch" với Ấn Độ. Thủ tướng Thái Lan bày tỏ tin tưởng, nước này sẽ vẫn là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới bất chấp đại dịch COVID-19.

Lào đã quyết định tăng cường chiến dịch quảng bá "Người Lào du lịch Lào" trong bối cảnh Chính phủ nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để từng bước bình thường hóa tình hình. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, nếu tình hình dịch COVID - 19 tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm, Bộ này sẽ đưa ra các sáng kiến vừa nhằm thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, không làm gia tăng số ca mắc mới.

Lào đã đặt mục tiêu thu hút hơn 1 triệu lượt du khách trong, ngoài nước và tạo ra doanh thu hơn 271 triệu USD trong năm 2022.

Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Singapore có thể lên tới 15.000 - 20.000 ca do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore mới đưa ra cảnh báo này, tuy nhiên khẳng định xu hướng gia tăng số ca mắc hiện nay hoàn toàn nằm trong dự kiến.

Giới chức y tế nước này cho biết, nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc vừa. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này vẫn vững vàng. Tỷ lệ bệnh nhân phải thở máy ở mức thấp và trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực hoặc tử vong là khoảng 0,05%. Những con số này vẫn thấp hơn so với đợt bùng phát do biến thể Delta. 2 ngày trước, Singapore ghi nhận hơn 10.500 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu lần thứ tư trong tuần qua số ca mắc theo ngày vượt ngưỡng 10.000 trường hợp.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài vào cuối tháng 2 này. Việc điều chỉnh sẽ được đánh giá trên cơ sở xem xét hài hòa giữa thực hiện các biện pháp phòng dịch và nhu cầu bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội.

Theo kế hoạch dự kiến, việc nới lỏng sẽ thực hiện theo hai giai đoạn, thời điểm cuối tháng 2 sẽ nới lỏng với các đối tượng nhập cảnh với mục đích kinh doanh trong ngắn hạn, ưu tiên các kỹ sư, nhà nghiên cứu làm việc liên quan đến lợi ích công cộng, những sinh viên không thể tốt nghiệp nếu không có các lớp học trực tiếp tại Nhật Bản. Sau đó, từ đầu tháng 3, về cơ bản Chính phủ Nhật Bản sẽ nới lỏng cho tất cả các đối tượng người nước ngoài xin thị thực mới để nhập cảnh vào nước này.

Số ca mắc/ngày ở Hong Kong (Trung Quốc) tăng 13 lần trong hai tuần, nhiều nước tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư - Ảnh 2.

Ngày 14/2, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới lên tới 80.234 trường hợp. (Ảnh: AP)


Cùng với đó, Nhật Bản cũng sẽ đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép nhập cảnh, giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, số lượng nhập cảnh sẽ được điều chỉnh tăng dần, có thể lên mức 5.000 người/ngày và tiến tới mở cửa hoàn toàn.

Ủy ban Giáo dục và khoa học thuộc đảng Dân chủ tự do LDP cầm quyền của Nhật Bản ngày 14/2 đã dự thảo nghị quyết kêu gọi chính quyền nước này cho phép sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản. Dự thảo kêu gọi Chính phủ ưu tiên cho phép sinh viên nước ngoài vào nước này bất kể là sinh viên tự trả học phí hay nhân học bổng của Chính phủ, đồng thời không đưa các đối tượng này vào diện giới hạn số lượng nhập cảnh. Dự thảo cũng kêu gọi việc xem xét chỉ định số ngày cách ly với các sinh viên nước ngoài một cách phù hợp. Ủy ban trên nhấn mạnh, Nhật Bản đang mất dần giá trị quốc tế và các sinh viên nước ngoài đang lựa chọn những quốc gia khác để theo học.

Chính quyền Hàn Quốc ngày 14/2 xác nhận, nước này sẽ triển khai tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19 từ cuối tháng 2 và cung cấp thêm hàng triệu bộ xét nghiệm nhanh tại nhà cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gia tăng tại nước này. Phát biểu tại một cuộc họp về ứng phó với COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết, những người có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm mũi vaccine thứ tư, tức liều tiêm tăng cường thứ hai.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) quyết định triển khai tiêm vaccine của hãng Sinovac cho trẻ từ 3 tuổi từ ngày 15/2, trong bối cảnh 4% số ca mắc mới trong làn sóng thứ 5 này là trẻ nhỏ từ 4 tuổi trở xuống. Từ 8h ngày 15/2, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể đặt lịch hẹn và đưa trẻ đi tiêm tại các trung tâm tiêm chủng. Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ nên tiêm mũi vaccine thứ 2 cách mũi thứ nhất 28 ngày.

Tính đến ngày 13/2, đã có một trẻ nhỏ ở Hong Kong tử vong do dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền đặc khu hành chính này cho biết, từ khi được triển khai vào ngày 21/1, chương trình tiêm vaccine cho trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở lên diễn ra suôn sẻ.

Chính quyền Hong Kong ngày 14/2 cho biết sẽ kéo dài thời gian áp dụng quy định tạm ngừng học trực tiếp thêm 2 tuần nữa, đến ngày 7/3. Hong Kong hiện nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 đang ngày càng trầm trọng. Ngày 14/2, chính quyền đặc khu này thông báo ghi nhận 2.071 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ, mức cao nhất từ trước tới nay.

Số ca nhiễm COVID-19/ngày ở Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua, từ khoảng 100 người vào đầu tháng 2 lên hơn 1.300 trường hợp vào ngày 13/2. Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát ngày càng sâu rộng. Ngày 14/2, lãnh đạo chính quyền Hong Kong cho biết, làn sóng COVID-19 thứ năm đang "áp đảo" đặc khu hành chính này mặc dù số người tử vong vì COVID-19 ở đây vẫn thấp hơn nhiều so với các thành phố có quy mô tương tự kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây hai năm.

Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/2 thông báo, dự kiến từ tháng 3 tới sẽ nới lỏng quy định cách ly phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh vùng lãnh thổ này cần từng bước khôi phục cuộc sống bình thường và mở cửa lại với thế giới.

Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho báo giới biết, cơ quan này dự kiến, thời gian cách ly sẽ giảm xuống còn 10 ngày trước giữa tháng 3, đồng thời tin tưởng rằng có thể phát hiện mọi ca lây nhiễm trong thời gian này bằng cách xét nghiệm. Tuy nhiên, ông cho rằng "không có nhiều khả năng" Đài Loan sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các quy định cách ly trước kỳ nghỉ hè sắp tới.

Hiện khoảng 30% trong số 23,5 triệu dân của Đài Loan đã được tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền vùng lãnh thổ này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 50% trước khi nới lỏng quy định nhập cảnh.

Theo vtv.vn