"Omicron tàng hình" có thể gây bệnh nặng hơn biến thể gốc, Trung Quốc có 40 ca mắc trong cộng đồng
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 79,97 triệu ca mắc và gần 956.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 57.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em vẫn tiếp tục tăng cao. Theo số liệu của Hiệp hội các bệnh viện nhi của Mỹ, số trẻ em Mỹ mắc COVID-19 đến nay là hơn 12 triệu ca, chiếm 18,9% tổng số ca nhiễm ở nước này. Tuy nhiên, số ca nhập viện và tử vong không cao. Trong hai tuần kết thúc vào ngày 10/2, tổng số trẻ em mắc đã tăng 8,2% và chiếm 21,9% tổng số ca nhiễm mới tại Mỹ trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, chỉ có từ 0,1% đến 1,5% số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện, chiếm tỷ lệ từ 1,5% đến 4,6% tổng số ca nhập viện do COVID-19 tại Mỹ.
Theo CDC Mỹ, tính đến ngày 17/2, số trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm ít nhất một mũi vaccine đạt 32,2%, tiêm đủ liều là 24,6%; còn trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi đạt 67,1% và tiêm đủ liều đạt 57,1%. Con số này được cho là khá thấp và là nguyên nhân khiến số trẻ em phải nhập viện tăng nhanh gần đây, nhất là khi xuất hiện biến thể Omicron.
Tại bang California, khi làn sóng Omicron đã thuyên giảm, Thống đốc bang này vừa công bố kế hoạch bước ra khỏi thời kỳ đại dịch COVID-19. Điều này có nghĩa là từ nay, bang đông dân nhất nước Mỹ này sẽ dừng các chính sách đối phó với khủng hoảng, chuyển sang "chung sống với COVID-19".
Cơ quan quản lý y tế Mỹ vừa quyết định hoãn phê duyệt vaccine COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi bởi kết quả cho thấy, hai liều đầu tiên đã tiêm cho trẻ không mang lại hiệu quả đối với chủng Omicron. Dữ liệu cho đến nay cho thấy, vaccine Pfizer dành cho trẻ em đạt hiệu quả ngừa chủng Delta, nhưng nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc COVID-19 sau khi chủng Omicron xuất hiện.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 18/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,78 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 510.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với 642.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 27,94 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Australia đã cấp phép tạm thời sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi tại nước này có thể tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cách nhau 28 ngày với liều lượng là 0,25ml, tức là chỉ bằng một nửa liều lượng của trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Quyết định này được đưa ra dựa trên việc cân nhắc kết quả thử nghiệm vaccine này đối với 4.000 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi tại Mỹ và Canada. Như vậy, tại Australia, trẻ em từ 6 tuổi trở lên đã có thể tiêm 2 loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna.
Hai bang lớn nhất Australia là New South Wales và Victoria, chiếm hơn 50% trong số 25 triệu dân của Australia, ngày 18/2 đã nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế. Cụ thể, từ ngày 18/2, hoạt động ca hát và khiêu vũ sẽ được nối lại tại các câu lạc bộ ban đêm ở Sydney, thủ phủ bang New South Wales và Melbourne, thủ phủ bang Victoria; các tụ điểm trong nhà ở Sydney và những nơi khác thuộc bang New South Wales có thể thoải mái đón khách và việc kiểm tra y tế bằng quét mã QR chỉ cần thực hiện ở những tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Ngoài ra, từ ngày 25/2, quy định đeo khẩu trang bắt buộc sẽ chỉ áp dụng trên các phương tiện giao thông công cộng và những không gian kín tại sân bay, bệnh viện. Thời gian cách ly tại khách sạn đối với những du khách quốc tế chưa tiêm phòng sẽ được rút ngắn từ 14 ngày xuống 7 ngày ở cả bang New South Wales và Victoria. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trên được thực hiện trước khi Australia mở cửa trở lại biên giới quốc tế vào ngày 21/2 sau gần 2 năm đóng cửa.
Hai bang lớn nhất Australia là New South Wales và Victoria đã nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)
Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước trong bối cảnh hầu hết các địa phương đã đi qua "đỉnh" của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, chính quyền bang Niedersachsen (miền Bắc nước Đức) đã thông báo những điều chỉnh phù hợp với kế hoạch của chính quyền liên bang.
Ngoài việc nới lỏng các quy định phòng chống dịch theo lộ trình, chính quyền bang Niedersachsen vừa thông báo sẽ chấm dứt việc xét nghiệm hàng ngày và đeo khẩu trang tại các trường học trong những tuần tới. Tuy nhiên, học sinh vẫn có thể tiếp tục đeo khẩu trang sau thời gian này nếu muốn.
Trong mấy ngày qua, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại tại Campuchia, đặc biệt có đến khoảng 25% trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh. Để bảo vệ trẻ, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ đạo triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer và Modena cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.
Theo Thủ tướng Hun Sen, Campuchia có khoảng 700.000 trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, trong đó khoảng 20% đến 25% đã bị nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron và có trường hợp phải thở bằng máy. Ông Hun Sen kêu gọi các bậc phụ huynh và người giám hộ hãy đưa con cháu mình đi tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Hiện nay, Campuchia đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 14,38 triệu người từ 5 tuổi trở lên, chiếm 89,9% dân số, trong đó khoảng 13,8 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Từ khi xuất hiện biến thể Omicron, Campuchia chưa xảy ra trường hợp tử vong nào do biến thể này gây ra.
Ngày 18/2, một quan chức Indonesia cho biết Chính phủ nước này đã chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung tại mỗi tỉnh và thành phố để điều trị bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời Trưởng Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19, ông Suharyanto nêu rõ Chính phủ Indonesia cũng khuyến cáo các bệnh nhân không có triệu chứng tự cách ly và hỗ trợ y tế cho họ. Hiện phần lớn người dân Indonesia đã được tiêm vaccine, với tỷ lệ bao phủ liều vaccine thứ nhất đạt 90% và liều thứ hai là 66%. Ở người cao tuổi, tỷ lệ này đạt 74% và 51%.
Chính phủ Hàn Quốc quyết định không điều chỉnh các biện pháp phòng dịch dù số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vẫn đang tăng mạnh. Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Hàn Quốc 17/2 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 ca. Mặc dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết định không điều chỉnh các biện pháp phòng dịch.
Từ ngày 19/2, dịch vụ kinh doanh ăn uống được kéo dài thời gian hoạt động tới 22h thay vì 21h như hiện nay nhằm giảm bớt khó khăn cho giới tiểu thương. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn giới hạn số người tham gia các cuộc tụ họp riêng tư ở mức 6 người. Những người chưa tiêm phòng đủ chỉ được đi một mình hoặc mua về. Quy định này sẽ kéo dài trong 3 tuần, tới ngày 13/3.
Ngày 18/2, Hàn Quốc ghi nhận 109.828 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất tính theo ngày. Tỷ lệ tử vong là 0,41%. Đến nay, tổng cộng trên 1,75 triệu người dân ở nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 7.283 trường hợp thiệt mạng.
Ngày 17/2, Nhật Bản đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 ở mức cao nhất trong làn sóng dịch bệnh hiện nay do biến thể Omicron gây ra. Theo đó, Nhật Bản ghi nhận 271 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 17/2, mức cao nhất đến nay và là ngày thứ 3 liên tiếp có số ca tử vong vượt trên 200 ca. Ngày 18/2, số ca mắc mới ở nước này là 95.603 trường hợp, cùng với 244 bệnh nhân thiệt mạng
Từ đầu tháng 2 đến nay, Nhật Bản ghi nhận 2.446 ca tử vong do COVID-19. Trong tuần này, một ủy ban gồm các chuyên gia y tế dự báo làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ kéo dài tới tháng 4. Hiện mức tăng số ca mắc COVID-19 dường như đã qua thời kỳ cao nhất, nhưng số ca nhập viện và tử vong có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận, nhất là ở những người cao tuổi.
Nhật Bản sẽ sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới trong bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm. Theo đó, từ đầu tháng 3, Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với các công dân Nhật Bản và người nước ngoài nhập cảnh vào nước này từ 7 ngày như hiện nay xuống còn 3 ngày, với điều kiện người nhập cảnh xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và xét nghiệm khi nhập cảnh, xét nghiệm âm tính bổ sung vào ngày cách ly thứ ba. Thời gian cách ly sẽ kết thúc, sau khi người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ nâng giới hạn về số người nước ngoài được phép nhập cảnh mới mỗi ngày, từ 3.500 người như hiện nay lên 5.000 người/ngày. Tuy nhiên, hiện khách du lịch vẫn chưa được nhập cảnh vào Nhật Bản.
Ngày 18/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo, Trung Quốc đại lục ngày 18/2 ghi nhận 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm 22 người ở Khu tự trị Nội Mông, 9 ca ở tỉnh Liêu Ninh, tỉnh Giang Tô và Quảng Đông mỗi nơi 4 ca và tỉnh Vân Nam 1 trường hợp. Trung Quốc đại lục ngày 8/2 cũng ghi nhận 47 khách nhập cảnh mắc COVID-19. Như vậy, tính hết ngày 18/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 107.375 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 bệnh nhân tử vong.
Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, số ca mắc biến thể Omicron tăng nhanh chưa từng có, đang làm các cơ sở y tế của đặc khu hành chínhnày bị quá tải. Số ca tăng phi mã, lên trung bình hơn 800 ca mỗi ngày, cao gấp 8 lần so với 2 tuần trước đây. Tại nhiều bệnh viện, hàng dài bệnh nhân xếp hàng cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, tình trạng quá tải khiến ngành y tế thành phố gặp rất nhiều khó khăn.
Hong Kong vẫn đang tuân thủ chiến lược "Zero COVID" của Chính phủ Trung Quốc với các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt và trên diện rộng cũng như các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài kể từ đầu dịch đến nay. Các nhân viên y tế Trung Quốc đại lục đã được điều động đến Hong Kong để hỗ trợ việc xét nghiệm khoảng 1 triệu người dân mỗi ngày.
Trong khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 còn đang gây lo lắng trên khắp thế giới, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, BA.2, "biến thể tàng hình" của Omicron, không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn gây bệnh nặng hơn biến thể Omicron.
Hãng truyền thông Mỹ CNN đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, biến thể BA.2 có thể mang những đặc điểm khiến nó gây bệnh nặng, giống như các chủng trước đó của virus SARS-CoV-2. BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào, nhanh hơn BA.1, phiên bản gốc của Omicron. Chủng mới có khả năng vượt qua rào chắn miễn dịch do vaccine tạo ra. Các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm cho chuột nhiễm BA.2 và BA.1. Kết quả cho thấy, những con chuột nhiễm BA.2 có các triệu chứng nặng hơn và có chức năng phổi kém hơn. Biến thể BA.2 đã xuất hiện tại ít nhất 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024