Thứ 3, 19/11/2024, 09:47[GMT+7]

Trung Quốc đối phó làn sóng dịch bệnh lớn nhất, Hàn Quốc có trên 600.000 ca mắc mới 2 ngày liên tiếp

Thứ 6, 18/03/2022 | 08:26:21
896 lượt xem
Đến sáng 18/3, thế giới có trên 465,36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,08 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 465,36 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,3 triệu ca mắc và hơn 995.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 12.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ đã mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với việc bắt đầu tiêm vaccine cho thiếu niên từ 12-14 tuổi, đồng thời dỡ bỏ hạn chế về liều tăng cường cho những người trên 60 tuổi. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã kêu gọi những người trong các nhóm tuổi này nên đi tiêm phòng. Chính phủ Ấn Độ ước tính, khoảng 50 triệu trẻ em sẽ được tiêm vaccine hai mũi Corbevax do một công ty trong nước sản xuất. Hai mũi tiêm sẽ cách nhau 28 ngày.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 656.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,47 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 17/3, Anh đã phê duyệt liệu pháp dự phòng điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể của hãng AstraZeneca. Liệu pháp này dành cho những người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu. Đây là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được cấp phép sản xuất dự phòng điều trị COVID-19.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, hỗn hợp kháng thể đơn dòng Evusheld có khả năng ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng lên tới 77%, với hiệu quả bảo vệ trong vòng 6 tháng chỉ sau 1 liều tiêm, được đánh giá là ưu việt với những đối tượng dễ bị tổn thương bởi virus SARS-CoV-2. Evusheld là thuốc kháng thể đơn dòng duy nhất hiện nay sử dụng đường tiêm bắp và được chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm với SARS-CoV-2.

Kể từ ngày 1/4 tới, Chính phủ Canada sẽ chấm dứt yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh đối với những du khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến nước này bằng đường hàng không và đường bộ. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ngẫu nhiên khi đến Canada vẫn sẽ được thực hiện để theo dõi các biến thể mới. Hiện các hãng hàng không Canada đang tăng cường tuyển dụng lại nhân lực và bổ sung các tuyến bay cho những tháng tới để chuẩn bị đón du khách quốc tế đến nước này.

Theo thống kê chính thức, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Canada hiện vượt 3,37 triệu, trong đó trên 37.000 người tử vong.

Lo ngại về số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trong những ngày qua, nhiều bang ở Đức do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh, dự kiến vào ngày 20/3.

Nhiều bang trong cả nước đang lập kế hoạch vận dụng một điều khoản trong "luật bảo vệ chống lây nhiễm mới" quy định thời gian chuyển tiếp 2 tuần sau thời điểm hầu hết các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ vào ngày 20/3. Các quy định trước đây như yêu cầu về đeo khẩu trang hoặc quy tắc 2G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19) và 3G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính) có thể vẫn được áp dụng cho đến ngày 2/4.

Trung Quốc đối phó làn sóng dịch bệnh lớn nhất, Hàn Quốc có trên 600.000 ca mắc mới 2 ngày liên tiếp - Ảnh 1.

Nhiều bang ở Đức do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế.  


Trong vài ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 liên tục “lập đỉnh” mới khiến nhiều bang do dự trong việc bãi bỏ các quy định hiện tại. Theo số liệu thống kê của Viện Robert Koch, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tại Đức là 1.607,1 ca/100.000 dân, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 279.234 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc tại Đức lên trên 18,12 triệu trường hợp.

Từ ngày 17/3, Campuchia bắt đầu ban hành quy định xóa bỏ các yêu cầu y tế về COVID-19 khi nhập cảnh vào nước này để thu hút du khách quốc tế. Ủy ban Liên bộ phòng, chống COVID-19 Campuchia do Bộ Y tế nước này chủ trì đã thông báo một số nội dung quan trọng liên quan đến quy định xuất nhập cảnh của Campuchia.

Theo thông báo, Campuchia miễn thủ tục xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ và miễn cả xét nghiệm nhanh đối với du khách nhập cảnh vào Campuchia. Bên cạnh đó, Campuchia sẽ cấp lại thị thực nhập cảnh cho tất cả khách du lịch quốc tế, bao gồm cả khách du lịch đường hàng không, đường bộ và đường thủy.

Tuy nhiên, tất cả hành khách phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nếu không người nhập cảnh phải cách ly trong 14 ngày tại địa điểm do Bộ Y tế Campuchia quy định.

Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ cho phép khách du lịch nhập cảnh vào nước này mà không cần xuất trình bằng chứng về việc xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Du khách sẽ chỉ cần xét nghiệm PCR khi đến và tự xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến. Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm y tế cho du khách nước ngoài sẽ giảm từ ít nhất 50 nghìn USD xuống 10 nghìn USD.

Dự kiến, một kế hoạch chi tiết các bước để Thái Lan hạ cấp đại dịch COVID-19 xuống thành bệnh đặc hữu cũng sẽ được đệ trình tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 vào ngày 18/3.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc lần đầu tiên vượt con số 600.000 ca/ngày trong ngày 16/3. Số ca mắc mới tăng 55% so với ngày trước đó và phần lớn là ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, ngày 17/3, Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 621.328 ca nhiễm COVID-19 mới và 429 người tử vong.

Hàn Quốc đang ở đỉnh của đợt lây nhiễm trầm trọng nhất. Các cơ sở hỏa táng ở trong tình trạng quá tải do số người tử vong tăng nhanh. Đối mặt với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng những loại thuốc điều trị thông thường. Truyền thông nước này đưa tin, nhiều cơ sở y tế tư nhân ở Seoul hiện không còn các loại thuốc phổ thông để kê cho bệnh nhân như thuốc cảm, thuốc giảm ho, siro long đờm. Số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà ở Hàn Quốc lên đến khoảng 1,6 triệu người và vì vậy, các loại thuốc điều trị cảm cúm thông thường cũng trở nên khan hiếm.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch thứ 5 kể từ tháng 12/2021, khi biến thể Omicron lây lan mạnh, gây sức ép đối với hệ thống y tế thành phố. Nhiều bệnh viện hiện bị quá tải với khối lượng bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi nhà xác, nhà tang lễ cũng chịu áp lực lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tới nay đã có gần 50% trong tổng số 7,4 triệu dân của đặc khu hành chính này mắc COVID-19.

Dù đợt dịch lần này đã đạt đỉnh vào ngày 4/3, ước tính số người mắc COVID-19 có thể lên đến 4,5 triệu trước khi làn sóng này kết thúc. Các nhà nghiên cứu dự báo, đến ngày 1/5 tới, số ca tử vong do COVID-19 ở Hong Kong sẽ vượt mốc 5.000 người. Đến nay, đặc khu này đã ghi nhận tổng cộng trên 975.000 ca mắc và gần 5.000 người tử vong, phần lớn được ghi nhận trong 3 tuần vừa qua.

Trung Quốc đối phó làn sóng dịch bệnh lớn nhất, Hàn Quốc có trên 600.000 ca mắc mới 2 ngày liên tiếp - Ảnh 2.

Hong Kong hiện đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.  


Ngày 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới này đang đối phó với làn sóng dịch bệnh lớn nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát tại nước này hồi cuối năm 2019.

Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, phát biểu khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc phải kiềm chế đà lây lan của dịch COVID-19 càng sớm càng tốt trong khi vẫn tuân thủ chính sách "Zero COVID-19". Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này phải nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch cũng như tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch hiện hành. Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, xét nghiệm nhanh và nghiên cứu thuốc điều trị để phòng chống dịch...

Chỉ 3 tuần trước, Trung Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 100 ca/ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng vượt 1.000 ca/ngày trong 1 tuần qua. Trong hơn 1 năm, nước này cũng không ghi nhận ca tử vong mới nào do COVID-19 nhờ các biện pháp phòng chống dịch siết chặt. Tuy nhiên, biến thể Omicron dễ lây lan đang đặt ra thách thức cho chính sách "Zero COVID", khiến các thành phố của Trung Quốc, trong đó có Thâm Quyến, trung tâm công nghệ miền Nam nước này, phải áp đặt phong tỏa trong khi các thành phố khác ban bố các biện pháp hạn chế siết chặt.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, dưới 1% trẻ sơ sinh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nếu mẹ mắc COVID-19. Kết quả dựa trên tổng hợp và phân tích gần 500 nghiên cứu liên quan tới 29.000 sản phụ. Đây là nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay, qua đó cung cấp cái nhìn sâu rộng nhất về nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong thai kỳ. Trong số 592 trẻ sơ sinh có đầy đủ dữ liệu về cách thức và thời điểm các bé mắc COVID-19, chỉ ghi nhận 7 trẻ nhiễm căn bệnh này khi còn trong bụng mẹ và 2 trẻ mắc bệnh khi chào đời.

Theo các nhà khoa học, công trình nghiên cứu sự tạo sự an tâm cho các bậc cha mẹ khi thấy rằng chưa đầy 1% trẻ sơ sinh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ đầu tiên sau khi chào đời. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2 và việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Nếu các triệu chứng chỉ kéo dài 1 tháng sau khi khỏi COVID-19 thì không được gọi là hậu COVID-19. Đây là lý giải của nhóm Quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, đối với hậu COVID-19, các triệu chứng thường kéo dài từ 2 tháng trở lên. Phổ biến nhất là 3 triệu chứng gồm mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức gây tình trạng sương mù não ( với các biểu hiện suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung).

Vì vậy, thời điểm phù hợp nhất để khám hậu COVID-19 là khoảng 3 tháng sau khi mắc bệnh. Theo chuyên gia WHO, không có phương pháp điều trị chung cho mọi trường hợp mà phải tập trung vào các triệu chứng của từng người. Hiện không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu COVID-19 mà chỉ có các biện pháp can thiệp như phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17/3 đã lên tiếng báo động về sự gia tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, mặc dù tỷ lệ xét nghiệm giảm và số ca mắc mới ghi nhận liên tục giảm trong nhiều tuần gần đây. WHO đã bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới đặc biệt tăng mạnh tại châu Á.

Cơ quan này kêu gọi các nước nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng bao phủ, cũng như thận trọng cân nhắc các kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. WHO cho rằng, cho đến nay Omicron vẫn là biến thể dễ lây nhiễm nhất và các yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hiện nay chính là việc các nước gỡ bỏ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, cũng như là việc các nước chưa hoàn tất chiến dịch tiêm chủng bao phủ.

Theo vtv.vn