Thứ 3, 19/11/2024, 07:22[GMT+7]

Nhiều nước mở rộng tiêm mũi tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm

Thứ 3, 29/03/2022 | 08:06:17
1,312 lượt xem
Đây là nỗ lực giảm nguy cơ nhập viện và tử vong cho người dân trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới.

Chile tiếp tục mở rộng đối tượng được phép tiêm mũi thứ tư.

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 vào ngày 3/1 năm nay, đối tượng được tiêm là các nhân viên y tế, người già, người bị suy giảm miễn dịch và người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm virus. Điều kiện là đã tiêm mũi 3 trước đó ít nhất 4 tháng.

Bà Yael Peled - Khoa cấy ghép tim, Trung tâm y tế Sheba, Israel cho biết: "Các bệnh nhân ở khoa ghép tim này có nguy cơ rất cao bị các biến chứng nặng khi nhiễm virus, chính vì vậy chúng tôi vận động họ tiêm mũi thứ tư. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp làm tăng lượng kháng thể và kháng thể trung hòa để chống lại virus và các biến thể của chúng tốt hơn".

Chỉ một tuần sau đó, Chile trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin bắt đầu tiêm mũi thứ tư dành cho những người suy giảm miễn dịch. Từ tháng 2, quốc gia Mỹ Latin này cũng tiếp tục mở rộng đối tượng được phép tiêm mũi thứ tư.

Vào giữa tháng 1, trước tình trạng lây nhiễm COVID-19 lan rộng, Đan Mạch trở thành nước đầu tiên ở châu Âu tiến hành tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho các công dân dễ bị tổn thương nhất, tiếp đó là một loạt các quốc gia ở châu lục này như Bỉ, Anh, Hungaria, Italy, Đức, Thụy Điển… cũng khuyến nghị những người có hệ miễn dịch bị tổn thương và người già trên 75 tuổi đi tiêm mũi tăng cường thứ hai.

Tại châu Á, Mông Cổ là quốc gia đầu tiên tiêm mũi thứ tư cho người dân trên cơ sở tự nguyện từ ngày 7/1. Sau đó, một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có quyết định tương tự. Tuy nhiên, đối tượng chỉ là những người có nguy cơ cao nhiễm virus, người già và người có hệ miễn dịch kém.

Còn Mỹ mới đây mới tuyên bố lên kế hoạch người dân từ 50 tuổi trở lên tiêm mũi thứ tư, bởi có ý kiến cho rằng Mỹ sẽ chứng kiến đợt bùng phát mới trong vài tháng tới, mũi tăng cường có thể cứu sống hàng nghìn người. Song, nếu không có đợt bùng phát nào cho đến mùa thu năm nay, mũi tăng cường có thể gây lãng phí.

Nhiều nước mở rộng tiêm mũi tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm - Ảnh 2.

Đan Mạch - nước đầu tiên ở châu Âu tiến hành tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho các công dân dễ bị tổn thương nhất


Trước đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu từng cảnh báo, các liều tăng cường lặp lại sau mỗi 4 tháng có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch khiến cơ thể mệt mỏi. Thay vào đó, các quốc gia nên giãn thời gian hơn giữa các mũi tăng cường và tiêm vào thời điểm bắt đầu mùa lạnh ở mỗi bán cầu.

Ông Marco Cavaleri - Người phụ trách về vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu nói: "Một số nhà phát triển vaccine nhấn mạnh sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường thứ hai, nhưng tôi muốn nhắc lại theo quan điểm của cơ quan quản lý thuốc thì vẫn chưa có đủ bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, hoặc các số liệu thực tế để đưa ra khuyến nghị tiêm đại trà mũi tăng cường thứ hai".

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Israel tiết lộ, việc tiêm mũi thứ tư giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh, nó mang lại hiệu quả cao hơn 73% so với 3 mũi trước đó trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng. Tuy vậy đến nay mới chỉ có 750 nghìn người Israel đồng ý tiêm mũi thứ tư so với con số 4,4 triệu người đã tiêm ba mũi.

Theo vtv.vn