Thứ 3, 19/11/2024, 07:24[GMT+7]

Biến thể siêu lây nhiễm Omicron đã đạt đỉnh tại nhiều quốc gia

Thứ 7, 09/04/2022 | 08:09:12
3,386 lượt xem
Mặc dù vậy, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn rất khó lường khi nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.

Gần đây, biến thể của virus SARS-CoV-2 được nhắc đến nhiều là Deltacron, đây là biến thể lai giữa Delta và Omicron. Các nhà khoa học cho biết biến thể này không phải là "biến thể đáng quan ngại" theo phân loại của WHO. Biến thể này lần đầu được phát hiện với số lượng nhỏ tại Mỹ và các nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Đức và Hà Lan. Gần đây, biến thể Deltacron cũng đã xuất hiện tại Nam Phi và được nhận định là có thể sẽ gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 tới ở nước này.

Biến thể mới khác của virus SARS-CoV-2 có tên XE

Đây là một dạng biến thể tái tổ hợp, kết hợp của biến thể BA.1 và biến thể BA.2 của Omicron. Biến thể XE được phát hiện lần đầu ở Anh từ tháng 1 năm nay. Tính đến ngày 22/3, đã có 763 ca nhiễm biến thể XE được xác định tại Anh và một số rất ít các trường hợp nhiễm biến thể XE được phát hiện ở Trung Quốc và Thái Lan. Nghiên cứu ban đầu cho thấy XE có khả năng lây nhiễm cao hơn 10% so với biến thể Omicron tàng hình và cao hơn 43% so với biến thể Omicron ban đầu.

Hai biến thể phụ mới của Omicron tại Trung Quốc

Hai biến thể phụ mới cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc, một bệnh nhân COVID-19 ở Tô Châu, cách Thượng Hải khoảng 64km, được chẩn đoán mắc chủng virus mới phát triển từ biến thể phụ BA.1.1 của Omicron. Chủng virus mới phát hiện này không khớp với các chủng khác ở Trung Quốc, cũng không giống với các chủng đã được gửi tới GISAID - cơ sở dữ liệu toàn cầu để xác định trình tự và giám sát các đột biến virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, một ca nhiễm COVID-19 ở thành phố Đại Liên, miền Bắc Trung Quốc, ngày 1/4 cũng báo cáo nhiễm chủng virus mới không giống với bất kỳ loại SARS-CoV-2 nào từng được phát hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho các thấy biến thể mới xuất hiện này mạnh đến mức có thể gây ra một làn sóng dịch nguy hiểm.

Vì vậy, giới khoa học cho rằng thế giới cần theo dõi chặt chẽ các phiên bản tái tổ hợp mới của virus SARS-CoV-2, không nên có tâm lý hoang mang, lo lắng vào lúc này.

Các nhà khoa học Mỹ nhận định thế nào về mức độ nghiêm trọng của các biến chủng mới?

Tại Mỹ, biến thể phụ BA.2 của Omicron đang có xu thế áp đảo các biến thể khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), BA.2 hiện chiếm hơn 70% các ca nhiễm COVID-19 và có khả năng thay thế hoàn toàn các biến thể khác trong 2 tuần tới.

Về mức độ nguy hiểm của biến thể BA.2, các nghiên cứu đều thống nhất ở hai điểm là:

- BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 trên 30%.

- Về động lực thì cũng tương tự, có nghĩa là đều gây bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, BA.2 cũng có đầy đủ các đặc điểm của Omicron là khả năng lẩn tránh kháng thể do vaccine tạo ra. Người tiêm vaccine vẫn có khả năng nhiễm bệnh nhưng thường là nhẹ.

Biến thể siêu lây nhiễm Omicron đã đạt đỉnh tại nhiều quốc gia - Ảnh 2.

BA.2 chiếm tới 86% số ca mắc COVID-19 hiện nay.  


Bên cạnh BA.2, Mỹ cũng đang theo dõi một số biến thể khác như XD, XF và XE. Đây là các biến thể lai giữa Delta và BA.1, hoặc giữa hai dòng của Omicron với nhau. Theo đánh giá ban đầu thì biến thể XE có khả năng lây lan nhanh hơn khoảng 10% so với BA.2, mức độ gây bệnh nặng cũng tương tự. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học diễn biến này không có gì bất thường. Còn với các biến thể XD và XF chủ yếu xuất hiện tại các nước châu Âu và số ca nhiễm rất ít nên chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá.

Biện pháp ứng phó của Mỹ trước sự xuất hiện của các biến thể mới

Hiện nay tại Mỹ, số ca nhiễm mới và số người nhập viện đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh dịch do biến thể Omicron gây ra vào tháng Giêng. Trong tuần qua, có những ngày số ca nhập viện đã ở mức thấp nhất từ năm 2020, vì vậy tới thời điểm này tại Mỹ, đa số các quy định phòng chống dịch đã được dỡ bỏ như việc đeo khẩu trang trong các không gian kín chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc.

Vaccine thì vẫn được coi là công cụ chính trong công tác phòng chống dịch và bảo vệ người dân. Tuần trước, Mỹ đã phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ tư của Pfizer và Moderna cho người từ 50 tuổi trở lên, hoặc những người trẻ hơn nhưng có hệ miễn dịch yếu. Chính quyền nước này cũng vừa thông qua gói chống dịch bổ sung trị giá 10 tỷ USD, để chuẩn bị đối phó với các biến chủng có thể xuất hiện trong tương lai và cải thiện cơ sở hạ tầng y tế.

Mới đây, có một nghiên cứu được đăng tải trên Diễn đàn Y tế của Hiệp hội Y khoa Mỹ, đánh giá tác động sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Trong đó các nhà khoa học cho rằng, với các quy định phòng chống dịch lỏng lẻo như hiện nay, đặc biệt là việc không bắt buộc đeo khẩu trang, có nguy cơ dẫn đến số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Thực tế tại New York, số ca nhiễm trung bình trong tuần qua dù vẫn thấp nhưng đã cao gấp đôi so với 3 tuần trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học và giới chức Mỹ đều đánh giá, số ca mắc COVID-19 có thể tăng trong thời gian tới nhưng không có khả năng gây ra đợt bùng phát lớn khác, ít nhất cho đến mùa đông.

Theo vtv.vn