Thứ 3, 19/11/2024, 03:35[GMT+7]

COVID-19 tới 6 giờ sáng 16/5: Số ca mắc và tử vong giảm sâu trên toàn cầu; Triều Tiên khẩn trương ứng phó với đợt bùng phát dịch

Thứ 2, 16/05/2022 | 08:02:32
1,582 lượt xem
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 297.712 trường hợp mắc COVID-19 và 464 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 521 triệu ca, trong đó trên 6,28 triệu người tử vong vì đại dịch.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 521.131.628 ca, trong đó có tổng cộng 6.288.133 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 475 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 39 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 15/5, thế giới có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 43 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế giảm dần.

Chú thích ảnh

Một cửa hàng bán đồ ăn được mở cửa trở lại tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022. 

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Đài Loan (Trung Quốc) là nơi ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 68.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 99 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 59 ca tử vong. Trong ngày 15/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 6.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (51 ca).

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/4/2022.  

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN chỉ có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.

Tại châu Á, từ ngày 16/5, trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại theo từng giai đoạn sau nhiều tuần đóng cửa để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh

Người dân di chuyển trên một đường phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/5/2022. 

Theo Phó Thị trưởng Thượng Hải Chen Tong, thời gian gần đây, chính quyền thành phố cũng đang đẩy mạnh việc mở cửa các doanh nghiệp và cho phép người lao động trở lại làm việc để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Theo quan chức này, số địa điểm kinh doanh được vận hành trở lại trong thành phố đã tăng từ mức thấp nhất là chưa đến 1.400 cơ sở lên 10.625 cơ sở, lượt giao hàng hằng ngày cũng tăng lên mức 5 triệu.

Các doanh nghiệp sẽ được phép mở cửa đợt này bao gồm trung tâm thương mại, chợ truyền thống và các hiệu làm tóc. Các địa điểm như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị, cửa hàng tạp hóa và các nhà thuốc sẽ được phép mở cửa trở lại theo giai đoạn trong khi các chợ truyền thống và các hiệu cắt tóc cũng mở lại với công suất hạn chế. Hiện vẫn chưa rõ người dân thành phố có được phép ra ngoài tự do hay vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách.

Đây là đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung trong vòng 2 năm qua. Khoảng 25 triệu người dân thành phố được yêu cầu tuân thủ các biện pháp giãn cách để phòng dịch áp dụng từ đầu tháng 4. Chính quyền Thượng Hải đặt mục tiêu dỡ bỏ hạn chế vào giữa tháng 5 khi không ghi nhận số ca mắc mới bên ngoài các trung tâm cách ly trong 3 ngày. Số ca mắc mới tại Thượng Hải bắt đầu giảm, với 166 ca nhiễm mới và 1.203 ca không có triệu chứng ghi nhận trong ngày 14/5.

Chú thích ảnh

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp về ứng phó với dịch COVID-19 tại Bình Nhưỡng ngày 14/5/2022.  

Tại Triều Tiên, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 15 ca tử vong và 296.180 người có triệu chứng sốt trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát tại đây.

KCNA nêu rõ với các trường hợp mới được ghi nhận trong thời gian từ tối 13/5 đến tối 14/5, tổng số ca tử vong hiện là 42 ca và tổng số người có biểu hiện sốt kể từ cuối tháng 4 lên hơn 820.620 người. Trong số này, hơn 496.030 người đã bình phục và 324.550 người đang được điều trị.

Thông báo của KCNA không nêu cụ thể có bao nhiêu trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 mà chỉ xác nhận các trường hợp “sốt”. Hãng này cho biết thêm Triều Tiên đã áp dụng "các biện pháp khẩn cấp" để hạn chế sự lây lan của virus. Hiện tượng gia tăng số ca tử vong xuất phát từ nguyên nhân "bất cẩn trong việc dùng thuốc vì thiếu kiến thức và hiểu biết về việc nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cũng như về phương pháp điều trị.”

Triều Tiên đã phong tỏa toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước từ ngày 12/5 để phòng dịch sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị và xác nhận dịch COVID-19 lây lan đang gây ra "xáo trộn lớn kể từ khi thành lập đất nước”. Triều Tiên đang tập trung tập huấn tuyên truyền về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch cho đội ngũ tuyên truyền viên trên toàn quốc song song với nỗ lực cung cấp thuốc điều trị khẩn cấp đến các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại một trung tâm thương mại nhằm phòng chống dịch COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 27/9/2021.  

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đề xuất một cuộc họp cấp chuyên viên với phía Triều Tiên, động thái nhằm hỗ trợ Bình Nhưỡng kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết Seoul đang chủ động đánh giá tình hình và sẽ chính thức gửi đề xuất với Triều Tiên sau khi tham vấn với các bộ liên quan. Kế hoạch này có thể được đẩy nhanh sau khi tân Bộ trưởng Thống nhất Kwon Young-se nhậm chức, dự kiến vào ngày 16/5.

Theo quan chức trên, nếu Bình Nhưỡng đồng ý với kế hoạch này, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức ngày 10/5. Đây được đánh giá sẽ là một kế hoạch táo bạo, giúp thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên để đổi lấy những bước đi của Bình Nhưỡng trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Hiệp hội Y khoa Australia cảnh báo nguy cơ số ca mắc COVID-19 tại nước này có thể tiếp tục tăng do yếu tố chủ quan của cộng đồng.


Chú thích ảnh

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Melbourne, Australia.  

Thống kê cho thấy trong 3 ngày liên tiếp, từ ngày 11-13/5, Australia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới. Tính đến ngày 13/5, số người tử vong do mắc COVID-19 tại nước này là 7.721 ca, cao hơn 800 ca so với 3 tuần trước đó. Như vậy, số ca mắc mới trong tháng 5 vượt mốc 500.000 và số ca tử vong vượt mốc 500.

Tỷ lệ lây nhiễm bình quân trên đầu người của Australia hiện thuộc hàng cao nhất thế giới và giới chuyên gia dự báo số ca mắc COVID-19 có khả năng tăng đột biến khi mùa Đông cận kề.

Ông Chris Moy, Phó Chủ tịch AMA, nêu rõ mỗi ngày Australia ghi nhận khoảng 40.000 ca mắc và hiện có khoảng 350.000 người đang mắc bệnh, trong đó có 3.000 người nhập viện. Theo ông, đây là "cái giá" của sự tự do, chủ quan, tự mãn.

Các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) đang ở thời điểm thích hợp nhất để làm mới nỗ lực thúc đẩy hội nhập châu Á - Thái Bình Dương và mang lại nguồn năng lượng mới cho triển vọng dài hạn của Hiệp định Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là nội dung báo cáo tóm tắt chính sách của Nhóm Hỗ trợ chính sách APEC, được Ban Thư ký APEC công bố ngày 14/5.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bochum, Đức ngày 16/12/2021.  

Người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ chính sách APEC, Denis Hew, nhận định COVID-19 và tác động của đại dịch này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực.

Do đó, ông cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách của APEC cần giải quyết các thách thức và những vấn đề liên quan đến thương mại đang nổi lên hiện nay nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn”.   

Trong khi đó, ông Carlos Kuriyama, nhà phân tích cấp cao của nhóm và là tác giả của bản báo cáo trên, cho rằng việc các chính quyền có hành động quyết đoán ở cấp độ quốc gia/vùng lãnh thổ là chưa đủ khi mà đại dịch đặt ra thách thức cho toàn thế giới.

Theo ông Kuriyama, hợp tác quốc tế phải là một phần của giải pháp và điều quan trọng nhất là bất kỳ cơ chế hội nhập khu vực nào cũng có thể hỗ trợ vượt qua những thách thức liên quan tới đại dịch.   

Chú thích ảnh

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga.  

 Báo cáo tóm tắt chính sách mới cũng nhận diện 6 thách thức chính tác động tới thương mại, bao gồm tình trạng gián đoạn tiếp cận hàng hóa thiết yếu; gián đoạn thương mại dịch vụ; những khó khăn trong chuỗi cung ứng và hoạt động logistics; chuyển đổi kỹ thuật số; tính minh bạch và những nút thắt về quy định ảnh hưởng đến việc thông thương các hàng hóa thiết yếu. Những thách thức này vẫn tồn tại, dù rằng với mức độ ít trầm trọng hơn so với giai đoạn đầu đại dịch bùng phát.  

Báo cáo nhấn mạnh rằng APEC có thể xem xét tới những thách thức đó và lồng ghép chúng vào các chủ đề mới liên quan tới thương mại hàng hóa, dịch vụ, các vấn đề kỹ thuật số… trong khuôn khổ FTAAP.

Ngoài ra, báo cáo cho rằng số hóa là một yếu tố quan trọng đối với tương lai của ngành thương mại và lĩnh vực việc làm. Các quy tắc thương mại hiện đại về bảo mật dữ liệu, bản địa hóa dữ liệu, các luồng dữ liệu xuyên biên giới và thương mại điện tử là những nhân tố cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế số.

Theo vtv.vn