Thứ 3, 19/11/2024, 00:22[GMT+7]

Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh đảng cầm quyền tạm dẫn đầu

Thứ 2, 13/06/2022 | 14:34:16
2,943 lượt xem
Theo Bộ Nội vụ Pháp, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron đã giành được 25,75% phiếu bầu, tạm dẫn đầu với tỷ lệ chênh lệch rất ít so với 25,66% của liên minh NUPES thuộc cánh tả trong vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra ngày 12/6.

Trong khi đó, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đứng thứ 3 với 18,68% số phiếu, tiếp đó là đảng Những người Cộng hòa với 11,42% phiếu bầu.

Tỷ lệ vắng mặt đã đạt mức kỷ lục, lên tới 52,49% so với 51,3% vào năm 2017.

Chỉ có 5 ứng cử viên đắc cử ngay từ vòng 1, gồm 4 ứng cử viên của liên minh NUPES và 1 của liên minh đảng cầm quyền.

Trong số những ứng cử viên lọt vào vòng 2 có Thủ tướng Élisabeth Borne và 10 thành viên của chính phủ. Trong vòng 2, các thành viên chính phủ sẽ phải cạnh tranh với ứng cử viên của liên minh cánh tả Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới (NUPES) và các đảng phái khác để có thể tiếp tục ở lại chính phủ.

Dù đã tạm dẫn đầu so với dự báo có khả năng đứng sau liên minh NUPES, liên minh “Chung sức” của đảng cầm quyền Cộng hòa tiến bước (LREM), nay là đảng Phục hưng với hai đảng phái khác đã không thể giành thế áp đảo ngay từ vòng 1 như năm 2017.

Theo dự báo của Viện Ifop đưa ra sau khi có kết quả của vòng 1, liên minh “Chung sức” có khả năng giành được 275-310 ghế tại Hạ viện, còn liên minh NUPES có thể có 180-210 ghế. Dù vậy, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất ngờ trong vòng 2, trong đó có khả năng liên minh NUPES gồm các đảng Nước Pháp Bất khuất (LFI), đảng Xã hội (PS), đảng Xanh (EELV) và đảng Cộng sản (PC) vượt qua liên minh "Chung sức" để chiếm đa số tại Hạ viện.

Trong vài năm qua, cục diện chính trường Pháp đã thay đổi, nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua. Thế chia 3 đã hình thành gồm lực lượng trung hữu ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, lực lượng cánh tả dưới sự tập hợp của ông Jean-Luc Mélenchon, người có số phiếu cao thứ 3 trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 và lực lượng cực hữu với thủ lĩnh là bà Marine Le Pen.

Sự thay đổi của cục diện chính trị đã xảy ra sau khi hai đảng truyền thống lớn nhất tại Pháp gồm đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và đảng Xã hội liên tục thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử gần đây.

Kết quả ngang ngửa trong vòng 1 bầu cử Quốc hội ngày 12/6 cho thấy liên minh NUPES vẫn có khả năng tạo sự đột phá trong vòng 2, giành chiến thắng, để có thể buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải chấp nhận chung sống chính trị. Khi đó cục diện chính trường Pháp sẽ vô cùng phức tạp.

Trong khi đó, phe cực hữu gồm đảng Tập hợp quốc gia (LR) và của bà Marine Le Pen và đảng “Tái chinh phục” của ông Eric Zemmour không thể liên minh tranh cử và đã yếu thế hơn hẳn so với liên minh "Chung sức" và NUPES.

Để có thể thực hiện chính sách cải cách, Tổng thống Emmanuel Macron cần có đa số tại Hạ viện với 289 trong tổng số 577 ghế. Liên minh "Chung sức" có thể sẽ phải mở rộng liên minh, nhất là với đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, có 10,42% phiếu trong vòng 1 vừa qua.

Kết quả bầu cử lần này cũng sẽ quyết định xu hướng chính trị của Quốc hội Pháp trong những năm tới. Vòng 2 bầu cử lập pháp sẽ diễn ra vào ngày 19/6.

Theo nhandan.vn