Thứ 5, 14/11/2024, 11:31[GMT+7]

Pháp và Australia quyết tâm tạo dựng một 'khởi đầu mới'

Thứ 7, 02/07/2022 | 14:14:03
2,356 lượt xem
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt tay nồng nhiệt với Thủ tướng Australia Anthony Albanese bên ngoài Điện Elysee, trước khi tiến vào trong để hội đàm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Pháp và Australia ngày 1/7 đã mở ra "chương mới" trong mối quan hệ sau những bất đồng liên quan đến việc Canberra hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Paris trị giá 62 tỷ USD hồi năm 2021.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt tay nồng nhiệt với Thủ tướng Australia Anthony Albanese bên ngoài Điện Elysee, trước khi tiến vào trong để hội đàm.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Albanese khẳng định hai bên "đang mở ra một chương mới trong mối quan hệ" và ông sẽ tiếp cận các mối quan hệ thông qua sự tin cậy, tôn trọng và chân thật.

Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết cuộc hội đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi ông Albanese giữ cương vị Thủ tướng Australia hồi tháng Năm vừa qua "đánh dấu sự sẵn sàng xây dựng lại mối quan hệ tin cậy giữa hai nước."

Theo ông, đây là mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Sau khi thừa nhận "những thời điểm khó khăn," Tổng thống Macron nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cùng lợi ích chung trong việc ổn định khu vực Thái Bình Dương.

Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình ABC ngày 23/6, Thủ tướng Australia Albanese đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “khởi động lại” mối quan hệ giữa Australia và Pháp khi cho rằng Pháp là một "trung tâm quyền lực" ở châu Âu và cũng là nước đóng vai trò "chủ chốt" ở khu vực Thái Bình Dương.

Ngày 11/6, truyền thông Australia cho biết Chính phủ Australia sẽ trả 830 triệu AUD (580 triệu USD) tiền bồi thường cho Tập đoàn Naval của Pháp vì đã hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với hãng này.

Thủ tướng Albanese nhận định khoản bồi thường là "công bằng và bình đẳng" và sẽ cho phép tái thiết lập quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Australia và Pháp.

Mối quan hệ giữa Canberra và Paris đã rạn nứt từ năm ngoái khi Australia bất ngờ hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang thực hiện thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ đối tác an ninh mới với Mỹ và Anh (AUKUS).

Cụ thể, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Như vậy, Australia sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958.

Thủ tướng Australia khi đó là ông Scott Morrison tuyên bố nước này đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để giải thích cho việc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp./.

Theo vtv.vn