Chủ nhật, 24/11/2024, 05:50[GMT+7]

Mỹ vượt mốc 90 triệu ca mắc COVID-19, hơn 110 nước tăng đột biến số người nhiễm do dòng phụ BA.4 và BA.5

Thứ 7, 09/07/2022 | 07:03:27
3,284 lượt xem
Đến sáng 9/7, thế giới có trên 559,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,37 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 559,3 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 90,09 triệu ca mắc và hơn 1,045 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 30.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 120 ca tử vong mới.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/7, nước này ghi nhận 16.500 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 43,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 673.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,76 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu đã cảnh báo, một làn sóng mới dịch COVID-19 do các chủng phụ của biến thể Omicron gây ra đang lan rộng trên khắp châu Âu. Thực trạng gia tăng số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 là do chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Hầu hết các hạn chế chống COVID-19 đã được dỡ bỏ trên khắp châu Âu và nhiều người đang hoặc lên kế hoạch đi du lịch mùa hè lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu diễn ra.

Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã mạnh mẽ kêu gọi người dân nước này duy trì các biện pháp y tế phòng chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng trở lại.

Trong một tuyên bố, nội các Ai Cập cho biết Thủ tướng Madbouly đã khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan virus, đặc biệt là đeo khẩu trang y tế. Lời kêu gọi của ông được đưa ra ít ngày sau khi các quan chức y tế Ai Cập cho biết, tỉ lệ nhiễm mới COVID-19 hàng ngày ở Ai Cập đã tăng từ 7 đến 8% trong thời gian gần đây.

Là quốc gia Arab đông dân nhất thế giới, năm 2021, Ai Cập đã triển khai một chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 quy mô lớn cho người dân.

Ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo, quốc gia này đã phát hiện 5 ca mắc bệnh COVID-19 do nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh. Ông Khairy Jamaluddin cho biết đã có tổng cộng có 13 trường hợp nhiễm các dòng phụ của biến thể Omicron tại nước này, trong đó có 6 trường hợp nhiễm BA.2.12.1 và hai BA.5.2.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Khairy Jamaluddin cho biết tất cả những trường hợp này đều được phát hiện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Đến nay, Malaysia chưa phát hiện trường hợp nào của dòng phụ BA.4 của biến thể Omicron.

Mỹ vượt mốc 90 triệu ca mắc COVID-19, hơn 110 nước tăng đột biến số người nhiễm do dòng phụ BA.4 và BA.5 - Ảnh 1.

Malaysia đã phát hiện 5 ca mắc COVID-19 do nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron.  

Bộ Y tế Malaysia dự báo, số ca nhiễm mới sẽ tăng trở lại do các dòng phụ BA.4 và BA.5, đặc biệt là BA.5 do dòng phụ này lây lan nhanh hơn so với các dòng phụ xuất hiện trước đó, cụ thể là BA.1 và BA.2. Bộ trưởng Khairy cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 110 quốc gia báo cáo sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 có liên quan đến các dòng phụ BA.4 và BA.5, trong đó Singapore và Indonesia là 2 quốc gia có số ca nhiễm tăng nhanh trở lại do các dòng biến thể phụ này.

Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 8/7 thông báo, quốc gia Đông Nam Á sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng. Quy định này được áp dụng từ năm 2020 do đại dịch COVID-19.

Báo điện tử Krungthep Turakij dẫn lời người đứng đầu CCSA Taweesin Visanuyothin thông báo: "Tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19 được kéo dài từ ngày 1/8 đến 30/9/2022. Quyết định gia hạn xuất phát từ sự cần thiết phải tiếp tục kiểm soát tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 và mối quan tâm đối với sức khỏe của nhân dân". Theo ông Taweesin, Thái Lan nên sẵn sàng công nhận COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Số liệu của CCSA cho thấy, hiện có 25.082 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở Thái Lan. Thống kê hàng ngày của CCSA ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh mới và khoảng 20 người tử vong vì COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 8/7, Campuchia thông báo dỡ bỏ các quy định kiểm dịch đối với những khách du lịch nước ngoài chưa tiêm phòng COVID-19 hoặc chưa hoàn thành liều cơ bản. Tuy nhiên, những du khách này phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh khi nhập cảnh. Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết, quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 11/7.

Campuchia đã khôi phục tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và mở cửa trở lại biên giới cho du khách nước ngoài đã hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 kể từ tháng 11/2021. Theo Bộ Y tế Campuchia, đến nay nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 15,1 triệu người, tương đương 94,3% dân số.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc mới đây đã ban hành quy định bắt buộc những người muốn vào một số địa điểm công cộng phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/7 tới. Người dân khi tới những nơi công cộng như phòng tập thể thao, bảo tàng, thư viện sẽ bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine. Quy định mới không áp dụng đối với những người không tiêm được vaccine vì lý do sức khỏe. Tính đến nay, có hơn 23 triệu người tại Bắc Kinh được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ác mộng phong tỏa trở lại sau 2 tháng bị phong thành tại Thượng Hải với 25 triệu dân khi thành phố này vào ngày 7/7 ghi nhận 54 ca bệnh. Người dân đã trải qua 2 vòng xét nghiệm đại trà, các quán karaoke bị cấm hoạt động. Ở 26 khu vực dịch nguy cơ trung bình và cao, người dân gần như không được ra ngoài. Cuộc sống bị xáo trộn nặng nề với nhiều lo toan về chuyện ăn uống, chữa bệnh, học hành và thường xuyên phải xét nghiệm. Những người kinh doanh dịch vụ tiếp tục gồng gánh tiền thuê nhà, bán buôn ngưng trệ.

Dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Chính phủ nước này đã yêu cầu hàng chục triệu người dân không ra khỏi nhà. Biến thể BA.5 cũng đã xuất hiện ở Tây An và Bắc Kinh, càng làm cho việc theo đuổi chính sách "Zero COVID" của nước này đối mặt thêm nhiều thách thức.

Ngày 8/7, chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) đã huy động bổ sung 2 khách sạn trong các khu sòng bạc và nghỉ dưỡng nổi tiếng để làm cơ sở cách ly phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh. Theo đó, phần phía Đông của khu nghỉ dưỡng Grand Lisboa Palace và khách sạn Grand Hyatt tại Macau sẽ cung cấp khoảng 800 phòng cách ly y tế. Ngoài ra, khách sạn Sheraton và khu nghỉ dưỡng Londoner đã được sử dụng làm cơ sở cách ly.

Mỹ vượt mốc 90 triệu ca mắc COVID-19, hơn 110 nước tăng đột biến số người nhiễm do dòng phụ BA.4 và BA.5 - Ảnh 2.

Ngày 8/7, Hong Kong báo cáo 2.945 trường hợp nhiễm mới.

Macau ngày 8/7 ghi nhận 128 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đặc khu này lên 1.215 ca kể từ giữa tháng 6. Theo nhà chức trách, hơn 15.000 người đang trong diện cách ly phòng bệnh. Macau có dân số hơn 600.000 người nhưng chỉ có một bệnh viện công và hệ thống y tế tại đây đã gặp nhiều áp lực ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chính quyền đã xây dựng thêm một bệnh viện dã chiến với 600 nhân viên y tế từ Trung Quốc đại lục sang hỗ trợ.

Macau áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiềm chế các đợt bùng phát dịch. Tuy nhiên, chính quyền Macau bác bỏ tin đồn phong tỏa đặc khu và kêu gọi người dân không hoang mang đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã đình chỉ lệnh cấm bay áp dụng như một hình phạt đối với các hãng hàng không bị phát hiện chở khách mắc COVID-19. Chính quyền Hong Kong đánh giá biện pháp cấm bay này "không hiệu quả".

Kể từ khi các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19 được áp dụng tại Hong Kong, trung tâm tài chính này ngày càng trở nên cô lập với thế giới. Ngày 7/7, tân Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) thông báo tạm dừng quy định "cắt đứt chuỗi lây nhiễm" để tiến tới đạt mục tiêu chống dịch tốt nhất và ảnh hưởng đến xã hội ít nhất.

Hiện Hong Kong ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở các mức cao nhất kể từ tháng 4. Ngày 8/7, Hong Kong báo cáo 2.945 trường hợp nhiễm mới. Tổng cộng trên 1,26 triệu người ở Hong Kong đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 8/7, Nhật Bản ghi nhận 47.786 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp trong tuần này số ca mắc mới vượt mốc 40.000 trường hợp, cao gấp đôi so với một tuần trước đó. Trước đó, vào ngày 6/7, lần đầu tiên số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản vượt ngưỡng 40.000 ca kể từ ngày 18/5 với hơn 45.000 bệnh nhân. Mặc dù vậy, Chính phủ Nhật Bản hiện chưa xem xét việc áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển do các chính quyền địa phương không đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, phần lớn số ca mắc mới có độ tuổi khoảng 30 trở xuống. Trong khi đó tại thủ đô Tokyo, đa phần những người mắc bệnh ở độ tuổi 20. Mặc dù giới chức y tế không ghi nhận mức tăng đáng kể số ca bệnh nghiêm trọng nhưng dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan rộng tại Nhật Bản được cho là đang gia tăng khả năng lẩn tránh miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm vaccine hoặc sau những lần mắc COVID-19 trước đó.

Hàn Quốc vào ngày 8/7 ghi nhận 19.310 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng cao và chạm ngưỡng 20.000 ca, cao gấp 2 lần so với số liệu một tuần trước đó. Trước thực trạng này, giới chức Hàn Quốc đang xem xét việc triển khai tiêm vaccine mũi 4 cho toàn dân sau khi chứng kiến hiệu quả miễn dịch của phần lớn người dân đã giảm theo thời gian.

Các cơ quan chức năng nước này cũng đã lên kế hoạch đảm bảo đủ số giường bệnh đặc biệt ngay cả khi tái bùng phát dịch COVID-19. Các phòng cấp cứu sẽ vẫn hoạt động bình thường 24/24 giờ. Ca mắc COVID-19 có thể được điều trị tại giường bệnh thông thường, ngoài giường bệnh cách ly áp lực âm. Vào tuần tới, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa ra một kế hoạch phòng dịch chặt chẽ hơn.

Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã đạt đỉnh ở mức hơn 620.000 ca vào hồi tháng 3, sau đó liên tục giảm nhưng bắt đầu có xu hướng tăng trở lại từ ngày 27/6 vừa qua. Tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc gần đây tăng lên phần lớn là do người dân tăng cường di chuyển trong kỳ nghỉ hè, khả năng miễn dịch suy giảm, lây nhiễm trong môi trường kín gia tăng cũng như sự xuất hiện của các biến thể phụ mới, trong đó có BA.5 được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể trước đó và chống lại miễn dịch đối với các trường hợp đã mắc COVID-19.

Theo vtv.vn