Thứ 2, 18/11/2024, 09:39[GMT+7]

Hàn Quốc có số ca mắc mới cao nhất trong gần 4 tháng, dòng phụ của Omicron lan mạnh tại nhiều vùng ở Trung Quốc

Thứ 4, 10/08/2022 | 06:24:09
1,617 lượt xem
Đến sáng 10/8, thế giới có trên 590,64 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,43 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 590,64 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 94,02 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,059 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,18 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 526.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 152.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,11 triệu người nhiễm bệnh. Ngày 9/8, Pháp ghi nhận thêm hơn 38.000 người mắc COVID-19 ở quốc gia này.

Ngày 9/8, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo bắt đầu công tác rà soát sớm các dữ liệu của vaccine phòng COVID-19 phiên bản đặc biệt để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron. Phiên bản vaccine trên của Pfizer-BioNTech được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ BA.1, BA.4 và BA.5 vốn đang là các biến thể chủ đạo gây dịch COVID-19 tại nhiều nơi trên thế giới.

Hãng dược phẩm Đức BioNTech mới đây cho biết, vaccine ngừa các dòng phụ BA.1, BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có thể được đưa vào sử dụng trong tháng 10 tới. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các dòng biến thể này đang gây ra các làn sóng dịch mới tại nhiều quốc gia.

BioNTech cùng với đối tác Pfizer (Mỹ) dự định cung cấp cả hai loại vaccine đúng vào dịp triển khai các chiến dịch tiêm phòng mũi tăng cường vào mùa thu. Đại diện BioNTech khẳng định, các sản phẩm chống COVID-19 của hãng bao gồm những ứng viên vaccine thế hệ mới, có điều chỉnh tùy theo các biến thể để có được hiệu quả bảo vệ rộng rãi trong thời gian dài. BioNTech cũng đã sản xuất trước khoảng 100 triệu liều vaccine phiên bản dành cho dòng phụ BA.1 để chuẩn bị cho các chiến dịch tiêm tăng cường. Hiện phiên bản này vẫn đang đợi được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép. Trong khi đó, quy trình cấp phép vaccine phiên bản dành cho dòng phụ BA.4/5 vẫn chưa được triển khai.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash của Australia đã hoàn thành nghiên cứu về nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thanh thiếu niên, với kết luận nguy cơ là rất nhỏ và lợi ích của tiêm chủng đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ rủi ro khi không tiêm vaccine.

Hàn Quốc có số ca mắc mới cao nhất trong gần 4 tháng, dòng phụ của Omicron lan mạnh tại nhiều vùng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

BioNTech dự kiến ra mắt vaccine ngừa các dòng phụ của biến thể Omicron vào tháng 10. 

Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y khoa Australia được thực hiện dựa trên kết quả theo dõi 33 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 đến, đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Monash với các triệu chứng điển hình của bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Nghiên cứu chỉ rằng viêm cơ tim do vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA khiến người bệnh biểu hiện lâm sàng nhẹ, tự khỏi và trái ngược với các biến chứng và di chứng lâu dài liên quan đến COVID-19 đã được công bố, như hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em và các dạng viêm cơ tim khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, làn sóng COVID-19 tại Malaysia do biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra hiện đang được kiểm soát tốt. Phát biểu trước báo giới sau lễ ra mắt Tổ hợp Viện Y tế Quốc gia (NIH) ngày 9/8, Bộ trưởng Khairy cho rằng trong khi một số quốc gia thông báo về làn sóng lây nhiễm Omicron BA.5 ở quy mô lớn, đợt bùng phát mà Malaysia đang đối mặt nhỏ nhưng kéo dài. Ông nhấn mạnh, việc gia tăng số ca nhiễm từ 2.000 đến 5.000 ca khá lâu, cho thấy không có sự gia tăng đột biến, số ca nhiễm tăng từ từ và duy trì ở một mức độ mới. Vì vậy, đây là một làn sóng mới và có khả năng kéo dài.

Đề cập đến số ca nhiễm thực tế lớn hơn so với số ca nhiễm được báo cáo, ông cho rằng đây là tình trạng phổ biến ở bất kỳ quốc gia nào vì quy trình xét nghiệm đã được nới lỏng. Trước đây, hầu như mọi người đều đã làm xét nghiệm RT-PCR nhưng hiện hầu hết chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh.

Nhật Bản sẽ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 mới có khả năng chống lại biến thể phụ của Omicron cho người dân, sớm nhất là vào giữa tháng 10 tới. Vaccine mới do hai công ty Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển. Sau khi được phê duyệt, Bộ Y tế Nhật Bản có kế hoạch nhập khẩu số vaccine này sớm nhất là vào tháng 9.

Mũi tăng cường chống Omicron sẽ được triển khai tiêm cho tất cả người dân đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Thông qua việc kết hợp các thành phần từ vaccine ngừa COVID-19 hiện nay và biến thể phụ BA.1 của Omicron, sản phẩm này được kỳ vọng sẽ tăng lượng kháng thể trung hòa trước biến thể phụ BA.5 vốn là nguyên nhân dẫn đến gia tăng số ca mắc COVID-19 hiện nay trên cả nước.

Nhật Bản đang trải qua làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19 do biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra, với số ca mới theo ngày lên tới hàng trăm nghìn trường hợp mỗi ngày.

Ngày 9/8, khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm đại trà COVID-19 tại nhiều thành phố, trong đó có 2 thành phố lớn nhất tại vùng này, nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát mạnh. Truyền thông địa phương đưa tin, thủ phủ Lhasa và thành phố Shigatse sẽ thực hiện đợt xét nghiệm đại trà đầu tiên trong ngày 9/8 và đợt thứ 2 vào ngày tiếp theo. Trong khi đó, 3 thị trấn tại tỉnh Ngari sẽ thực hiện 3 đợt xét nghiệm đại trà.

Trong ngày 8/8, khu tự trị Tây Tạng đã ghi nhận một ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 21 ca không có triệu chứng. Lhasa, thủ phủ và là thành phố lớn nhất của khu tự trị Tây Tạng, đã đình chỉ các hoạt động công cộng quy mô lớn, đồng thời đóng cửa các địa điểm giải trí và tôn giáo. Trong khi đó, thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng là Shigatse đã bước sang ngày thứ ba phong tỏa trên diện rộng. Người dân tại đây được yêu cầu hạn chế di chuyển, trong khi nhiều cơ sở kinh doanh buộc phải dừng hoạt động.

Các dòng phụ của biến thể Omicron đang lan mạnh tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Hải Nam. Nhiều địa phương vốn chỉ ghi nhận một vài ca mắc trong hơn 2 năm qua nay phải đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát mạnh.

Hàn Quốc có số ca mắc mới cao nhất trong gần 4 tháng, dòng phụ của Omicron lan mạnh tại nhiều vùng ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Dòng phụ của Omicron lây lan mạnh tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc.

Thống kê của nhà chức trách Trung Quốc công bố vào ngày 9/8 cho thấy, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 399 ca lây nhiễm mới có triệu chứng, hơn 70% trong số này tập trung tại Hải Nam. Không có ca tử vong nào do COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 9/8.

Trước diễn biến của dịch bệnh, chính quyền tỉnh Hải Nam đã thực hiện phong tỏa nhiều thành phố và thị trấn, theo đó người dân chỉ được ra khỏi nhà với lý do cần thiết như xét nghiệm COVID-19, mua nhu yếu phẩm. Theo truyền thông địa phương, ước tỉnh khoảng 178.000 du khách đang bị kẹt tại tỉnh này. Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh Hải Nam cho biết, hơn 8.500 người từ 18 tỉnh trên khắp Trung Quốc đã được huy động tới tỉnh này để hỗ trợ ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất tại đây.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly COVID-19 tại khách sạn đối với người nhập cảnh từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu cho biết, quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 12/8. Sau khi hoàn thành cách ly 3 ngày tại khách sạn, du khách đến Hong Kong sẽ phải tự theo dõi sức khỏe trong 4 ngày tiếp theo.

80% số ca mắc COVID-19 nhập cảnh được xác định trong quá trình cách ly tại khách sạn vào ngày thứ 3, chưa tới 1% được xác nhận sau khi rời khỏi khách sạn cách ly. Do đó, việc duy trì cách ly 7 ngày tại khách sạn chỉ định không phù hợp về hiệu quả kinh tế và không có lợi cho sự kết nối giữa Hong Kong và thế giới.

Ngày 9/8, Hàn Quốc thông báo ghi nhận số các ca mắc COVID-19 tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng qua trong bối cảnh sốngười nhiễm mới tăng trở lại chủ yếu do sự xuất hiện của dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, Hàn Quốc đã có thêm 149.819 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 13/4 khi nước này phát hiện 195.387 ca mắc mới. Như vậy, tổng số ca COVID-19 tại Hàn Quốc hiện là trên 20,69 triệu người.

Số ca mắc mới COVID-19 được công bố ngày 9/8 đã tăng mạnh so với mức 55.292 ca công bố chỉ một ngày trước đó và cao hơn đáng kể so với con số 111.785 ghi nhận trước đó đúng một tuần. KDCA cũng cho biết, Hàn Quốc ghi nhận thêm 40 ca tử von do COVID-19, nâng số người thiệt mạng vì bệnh này lên là 25.332 trường hợp. Tỷ lệ tử vong là 0,12 %.

Sau khi tăng lên mức đỉnh điểm là 620.000 ca/ngày hồi giữa tháng 3, số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, kể từ khi giới chức dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch vào tháng 4, số ca mắc mới lại có dấu hiệu tăng, chủ yếu do dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, lưu lượng đi lại tăng cao và các hoạt động tụ tập nơi công cộng được nối lại. Số bệnh nhân COVID-19 thể nặng cũng tăng lên 364 ca. Các bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ quá tải. Giới chức y tế Hàn Quốc dự báo, làn sóng lây nhiễm lần này sẽ đạt đỉnh sớm nhất là trong tuần này. 

Hiện 87% dân số Hàn Quốc đã được tiêm các mũi cơ bản phòng COVID-19. Hơn 65% đã được tiêm mũi thứ 3, trong khi chỉ có 12,2% người được tiêm mũi thứ tư.

Theo vtv.vn