Thứ 2, 18/11/2024, 06:46[GMT+7]

Rủi ro hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ

Thứ 4, 24/08/2022 | 10:24:10
2,794 lượt xem
Là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Zaporizhzhia những ngày qua đã trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh.

Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ một thảm họa hạt nhân, đạn pháo vẫn tiếp tục dội xuống khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày hôm qua, ông Antonio Guterres nhấn mạnh, Liên Hợp Quốc cần tất cả các quốc gia đề cao một thế giới không có vũ khí hạt nhân, không ngừng nỗ lực đối thoại để xoa dịu và kết thúc các cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mãi mãi.

Ông nói: "Các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải đảm bảo với các quốc gia không có vũ khí hạt nhân rằng họ sẽ không sử dụng, không dùng chúng để đe dọa và mọi thứ liên quan đến hạt nhân cần phải minh bạch".

Tuyên bố của ông Guterres được đưa ra trong bối cảnh thế giới lo ngại Triều Tiên sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân mới, còn căng thẳng Nga - phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine có thể lan rộng, tiềm ẩn xung đột hạt nhân.

Đặc biệt tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine đang bị tấn công khiêu khích cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Rủi ro hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - Ảnh 1.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Cam kết đối thoại và kết quả tương tự phải được áp dụng cho tình huống nguy cấp tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia".

Là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Zaporizhzhia những ngày qua đã trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, bất kỳ hành vi gây hư hại nào đối với nhà máy Zaporizhzhia đều sẽ là tự sát. Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố giữa năm nay cho thấy, 9 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi hơn 82 tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân trong năm ngoái, nhiều hơn 8% so với năm trước đó. Mỹ là nước chi nhiều tiền nhất 44,2 tỷ USD, tiếp sau là Trung Quốc 11,7 tỷ USD rồi đến Nga 8,6 tỷ USD. Hiện vẫn có gần 13.000 vũ khí hạt nhân đang nằm trong các kho vũ khí trên khắp thế giới, đó cũng như những quả bom nổ chậm.

Rủi ro xung đột hạt nhân vẫn ở mức cao

Hai quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945 là lần đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này, vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh.

Little Boy - quả bom được thả xuống Hiroshima có sức công phá khoảng 13-18 kiloton. Vụ ném bom Hiroshima đã khiến 140 nghìn người dân thành phố này thiệt mạng.

Fat Man - quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki có sức công phá 21 kiloton, cướp đi sinh mạng của ít nhất 74 nghìn người. Và chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được sự tàn phá khủng khiếp đó.

Rủi ro hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - Ảnh 2.

Ông Sumiteru Taniguchi - Người sống sót sau vụ ném bom Nagasaki chia sẻ: "Khi mọi thứ lắng xuống, tôi nhận ra rằng da của cánh tay trái, từ vai đến đầu các ngón tay của tôi, cứ thế kéo dài xuống như một miếng giẻ. Chiếc xe đạp của tôi hoàn toàn bị xoắn lại như một viên kẹo".

Kể từ sau hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục được kích nổ hơn 2.000 lần để thử nghiệm và phô trương sức mạnh quân sự. Hiện nay, vũ khí hạt nhân không còn là những bom hạt nhân với sức công phá khổng lồ như trước, giờ là những chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Các đầu đạn hạt nhân loại nhỏ có thể triển khai thông qua máy bay, tên lửa đất đối không.

Theo bà Beatrice Fihn - Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân: "Những vũ khí hạt nhân chiến thuật đang được phát triển ở nhiều quốc gia có vũ trang hạt nhân là cực kỳ nguy hiểm, vì chúng dễ sử dụng hơn. Nhưng điều chúng ta phải nhớ là vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ nhất có kích thước tương đương quả bom ném xuống Hiroshima và giết chết hơn 140.000 người. Hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ rất thảm khốc".

Thế giới đang đối mặt với mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, có trụ sở tại bang Oregon của Mỹ, trong 10 năm tới, thị trường tên lửa và bom hạt nhân toàn cầu sẽ vượt mức 126 tỷ USD, tức là tăng gần 73% so với năm 2020.

Theo vtv.vn