Thứ 2, 18/11/2024, 02:35[GMT+7]

Ấn Độ ấn định ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023

Thứ 4, 14/09/2022 | 10:56:26
1,605 lượt xem
Với cương vị chủ tịch luân phiên tiếp theo của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20), Ấn Độ thông báo nước này sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9-2023.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2021 ở Rome (Ý). Ảnh: REUTERS

Chính phủ Ấn Độ ngày 13-9 thông báo nước này sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 9-2023 khi Ấn Độ giữ chức vụ chủ tịch luân phiên G20 vào cuối năm nay, theo tờ Nikkei Asia.

 Ấn Độ sẽ bắt đầu đảm nhận chức vụ chủ tịch G20 từ ngày 1-12. Việc này đặt Ấn Độ vào một vị thế quan trọng trong chính sách ngoại giao toàn cầu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và lạm phát toàn cầu vẫn đang tiếp diễn.

Các cuộc khủng hoảng trên đã đặt nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia vào tình thế khó khăn. Trên cương vị là chủ tịch G20 hiện tại, Indonesia đã mời cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Bali (Indonesia) vào tháng 11 tới.

Nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia chứng kiến sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên G20 xoay quanh cuộc chiến tại Ukraine. Những sự khác biệt này dự kiến sẽ còn tiếp diễn vào tháng 11 tại Bali và trong những cuộc họp tiếp theo tại Ấn Độ.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023 với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 9 và 10-9 tại thủ đô New Delhi.

Ấn Độ lên kế hoạch tổ chức hơn 200 cuộc họp giữa các thành viên G20 trong nhiệm kỳ của mình.

Chính phủ Ấn Độ cho biết ngoài việc tiếp tục củng cố các vấn đề ưu tiên của G20, các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào các chủ đề như: tăng trưởng bền vững và diện, nữ quyền, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, giáo dục, khí hậu và an toàn thực phẩm.

Ấn Độ cũng ghi nhận tầm quan trọng của cơ cấu quản lý theo hình thức “troika” của G20. “Troika” được hiểu là 3 thành viên của G20 bao gồm nước giữ cương vị chủ tịch đương nhiệm, chủ tịch của năm trước, và chủ tịch của năm tiếp theo sẽ hỗ trợ nhau trong việc tổ chức và điều phối các hoạt động của nhóm.

Khi Ấn Độ đảm nhận vai trò chủ tịch, Ấn Độ sẽ là một phần của bộ 3 “troika” cùng với Indonesia (chủ tịch G20 2022) và Brazil (chủ tịch G20 2024).

“Đây sẽ là lần đầu tiên troika bao gồm ba quốc gia đang phát triển và cũng là các nền kinh tế mới nổi, điều này mang lại cho bộ ba tiếng nói lớn hơn”- Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và 19 quốc gia khác, đó là Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

G20 chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và 2/3 dân số thế giới. Nhiệm kỳ chủ tịch được luân chuyển hàng năm.

Với những vấn đề toàn cầu hiện tại, năm chủ tịch của Ấn Độ dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức.

Theo PLO

  • Từ khóa