Chủ nhật, 17/11/2024, 22:55[GMT+7]

Số ca mắc tăng trở lại ở nhiều địa phương Trung Quốc, Australia hoãn xóa bỏ bắt buộc cách ly với người nhiễm COVID-19

Thứ 4, 12/10/2022 | 08:04:51
3,120 lượt xem
Đến sáng 12/10, thế giới có trên 627,36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 627,36 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 98,57 triệu ca mắc và gần 1,088 triệu trường hợp tử vong.

Tại Mỹ, Nhà Trắng mong muốn tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong chiến dịch tiêm mũi tăng cường mùa thu năm nay sẽ tăng tốc trong vài tuần tới sau khi được triển khai vào tháng 9. Loại vaccine COVID-19 mà Mỹ đang triển khai tiêm chủng được Pfizer-BioNTech đặc chế chống lại các biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron cũng như virus gốc. Mỹ đã cấp phép sử dụng loại vaccine này với liều lượng 30mg cho người từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra, CDC Mỹ cũng cấp phép lưu hành vaccine COVID-19 cải tiến của Moderna liều 50 microgram cho người 18 tuổi trở lên.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, trong 5 tuần triển khai tiêm mũi tăng cường, khoảng 11,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường, trong đó riêng tuần vừa qua là 3,9 triệu người.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 11/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,61 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 11/10, Pháp ghi nhận 94.753 ca mắc COVID-19 mới.

Brazil có tổng số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với trên 34,76 triệu trường hợp và số bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh này cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ, với hơn 686.900 người.

Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer-BioNTech làm mũi tăng cường chống lại các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Vaccine tăng cường của Pfizer-BioNTech, hiện được cấp phép sử dụng cho người trên 12 tuổi, là loại vaccine tăng cường thứ 2 được Bộ Y tế Canada phê duyệt. Tháng 9, Bộ này đã "bật đèn xanh" cho vaccine được điều chỉnh của hãng Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Cả 2 vaccine này đều có hiệu quả chống lại biến thể Omicron và các dòng phụ của biến thể này gồm BA.4 và BA.5.

Trước đó, vào tháng 8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine cập nhật của Pfizer-BioNTech và Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng đã phê duyệt vaccine cập nhật của Pfizer-BioNTech.

Số ca mắc tăng trở lại ở nhiều địa phương Trung Quốc, Australia hoãn xóa bỏ bắt buộc cách ly với người nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Canada đã cấp phép sử dụng vaccine điều chỉnh của Pfizer-BioNTech làm mũi tăng cường.  

Hiệp hội y tế Australia (AMA) đã hoãn thực hiện quyết định xóa bỏ quy định bắt buộc cách ly với các trường hợp mắc COVID-19. AMA khẳng định, hiện còn quá sớm để xóa bỏ quy định bắt buộc này, đồng thời cảnh báo quyết định này nếu được triển khai sẽ làm bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới.

Trước đó, lãnh đạo Chính phủ, các bang và lãnh thổ của Australia hồi tháng 9 đã nhất trí bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với các trường hợp mắc COVID-19 và dự kiến, quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 14/10. Các địa phương được phép điều chỉnh thực hiện quy định theo quy định y tế công cộng.

Cơ quan quản lý y tế Thụy Sĩ Swissmedic thông báo đã tạm cho phép tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của hãng dược phẩm Pfizer để phòng ngừa chủng virus SARS-CoV-2 gốc và biến thể BA.1 của Omicron. Swissmedic cho biết, dữ liệu hiện có chưa đủ để đưa ra quyết định đối với vaccine tăng cường phòng cả biến thể BA.4 và BA.5.

Tháng 8 vừa qua, Swissmedic đã cho phép tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Spikevax của hãng Moderna để phòng chủng virus SARS-CoV-2 gốc và biến thể phụ BA.1 của Omicron.

Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng trên 4,1 triệu ca mắc và 14.192 trường hợp thiệt mạng vì bệnh dịch này.

Bộ Y tế Panama thông báo đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi vào ngày 10/10. Trong thông cáo chính thức, Bộ Y tế Panama cho biết đã nhận được 150.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hôm 5/10.

Kể từ tháng 1/2022, Panama đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 5 tới 11 tuổi. Tính đến ngày 1/10, Panama đã triển khai tiêm tổng cộng 8,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 471.073 liều cho trẻ em.

Sau một tuần nghỉ lễ Quốc khánh, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng trở lại tại nhiều địa phương của Trung Quốc. Các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh ghi nhận số ca mắc tăng cao khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các địa phương đã buộc phải siết chặt phong tỏa, kiểm soát dịch nghiêm ngặt.

Vài ngày gần đây, mỗi ngày Trung Quốc ghi nhận từ 1.800 đến 2.000 ca, kể cả ca không triệu chứng, cao nhất trong 2 tháng qua. Số ca bệnh cao gấp 3 lần trước kỳ nghỉ lễ. Thượng Hải, Bắc Kinh phát hiện 13 đến 28 ca/ngày. Thành phố Thượng Hải quyết định mỗi tuần xét nghiệm 2 lần cho 25 triệu dân tới tháng 11, phong tỏa những khu vực có ca bệnh trong cộng đồng tại 2 quận. Nguy cơ siết chặt kiểm soát, phong tỏa lại ám ảnh người dân.

Nội Mông tiếp tục phong tỏa thủ phủ Hohhot, khuyến cáo người dân đi du lịch tạm thời không trở về. Để phòng tránh dịch bệnh lây lan từ người du lịch về, thậm chí thành phố Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây còn phong tỏa cả thành phố. Khu tự trị Tân Cương gần như phong tỏa nhiều vùng trong 2 tháng nay nhưng vẫn chưa ổn, ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch mùa màng.

Thành phố Bắc Kinh quy định học sinh trở lại trường phải có kết quả xét nghiệm của cả nhà âm tính trong 48 tiếng. Bắc Kinh vẫn duy trì xét nghiệm 2- 3 lần/tuần cho tất cả 23 triệu dân từ tháng 6 đến nay.

Số ca mắc tăng trở lại ở nhiều địa phương Trung Quốc, Australia hoãn xóa bỏ bắt buộc cách ly với người nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Nhiều địa phương ở Trung Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại.

Indonesia thúc giục người dân nước này tham gia chiến dịch tiêm tăng cường vaccine như một phần của nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi kết thúc đại dịch COVID-19. Thứ trưởng Bộ Điều phối nâng cao chất lượng sức khỏe và phát triển dân số Indonesia, ông Agus Suprapto cho biết, "việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bắt đầu quá trình chuyển COVID-19 thành bệnh đặc hữu đòi hỏi sự nhận thức và hỗ trợ của tất cả các tầng lớp xã hội. Sự nhận thức được cụ thể hóa thông qua việc chấp hành nghiêm chỉnh những chính sách của Chính phủ nhằm nhanh chóng tăng độ bao phủ của vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là vaccine liều nhắc lại".

Ông Agus Suprapto nhấn mạnh, việc tiêm chủng vaccine liều nhắc lại là một trong những yếu tố chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Cơ quan chức năng đang yêu cầu người dân Indonesia khẩn trương tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bắt đầu từ liều đầu tiên đến liều thứ 3.

Cũng theo ông Agus Suprapto, bên cạnh việc tiêm vaccine, người dân cũng cần tiếp tục tuân thủ các quy trình chăm sóc sức khỏe như đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì khoảng cách. Việc tiêm vaccine liều tăng cường có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với nhóm người cao tuổi, làm giảm tỷ lệ nhập viện và ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng.

Số liệu từ lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia cho thấy, tính đến ngày 7/10, hơn 204.678.000 người dân nước này đã được tiêm chủng vaccine mũi đầu tiên, tăng 10.782 so với một ngày trước đó. Trong khi đó, số người được tiêm vaccine liều thứ 2 là 171.297.896 người, tăng 11.050 người so với ngày trước đó. Số người được tiêm phòng mũi thứ 3 đã tăng 38.341 người, nâng tổng số người được tiêm chủng đủ 3 mũi ở Indonesia lên 63.958.444 người.

Tổng cộng trên 6,44 triệu người ở Indonesia đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 158.219 trường hợp không qua khỏi.

Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, các phản ứng miễn dịch do nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến những vấn đề về trí nhớ và góp phần gây ra chứng sương mù não. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học King's College London phát hiện ra rằng phản ứng miễn dịch COVID-19 cũng có thể gây ra cơn mê sảng ở bệnh nhân.

Theo báo cáo của nghiên cứu, khoảng 6,6 triệu người Mỹ bị suy giảm chức năng não liên quan đến việc họ bị nhiễm COVID-19. Suy giảm trí nhớ hay còn gọi là chứng sương mù não là triệu chứng phổ biến nhất.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa