Thứ 7, 16/11/2024, 20:27[GMT+7]

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Ấn Độ

Thứ 4, 05/07/2023 | 08:09:08
3,438 lượt xem
Ngày 4/7, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) đã khai mạc tại New Delhi (Ấn Độ) theo hình thức trực tuyến.

Lãnh đạo các nước thành viên Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (OCS) tham gia cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến, ngày 4/7/2023.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các nước thành viên SCO như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin… Chủ đề của SCO trong năm 2023, năm Ấn Độ giữ vai trò Chủ tịch, là "SCO - An ninh, vững chắc". Chủ đề này bao hàm các khía cạnh an ninh, phát triển kinh tế, kết nối, đoàn kết, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, các nước cần tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường kết nối và chung tay trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm đưa hợp tác lên tầm cao mới.

Theo Thủ tướng Modi, trong vòng 20 năm qua, SCO đã nổi lên như là nền tảng quan trọng cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển cho toàn bộ khu vực Á - Âu. Ấn Độ coi SCO như một đại gia đình.

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho biết, trong giai đoạn vừa qua, một số nền tảng mới của SCO như Hội nghị nhà khoa học trẻ, Hội nghị của các nhà văn, diễn giả, Diễn đàn khởi nghiệp và Hội đồng thanh niên đã được tổ chức để tận dụng tài năng của giới trẻ trong khối.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các nước thành viên cần tăng cường liên lạc và phối hợp chiến lược, tôn trọng những quan ngại của nhau. Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi hợp tác thực chất và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải theo đuổi việc hình thành trật tự thế giới công bằng, đa cực dựa trên luật pháp quốc tế, hợp tác tôn trọng lẫn nhau với vai trò trung tâm và điều phối của Liên hợp quốc.

Hội nghị lần này có sự tham gia của Iran, nước sắp trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và Belarus, quốc gia dự kiến sẽ ký bản ghi nhớ để mở đường cho việc gia nhập sau này. Việc kết nạp Iran và Belarus sẽ giúp mở rộng sườn phía Tây của tổ chức này sang cả châu Âu và châu Á.

Được thành lập từ năm 2001, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hiện có 8 thành viên chính thức, chiếm 40% dân số thế giới, và hơn 30% GDP toàn cầu.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa