Thứ 6, 15/11/2024, 10:26[GMT+7]

Những vấn đề trọng tâm của Diễn đàn nước thế giới 2024

Thứ 3, 21/05/2024 | 14:36:27
7,194 lượt xem
Diễn đàn nước thế giới 2024 đã chính thức khai mạc ngày 20/5 tại Bali, Indonesia.

Diễn đàn Nước thế giới 2024

"Nước cho sự thịnh vượng chung"

Đây là diễn đàn nước có quy mô lớn nhất thế giới, được tổ chức 3 năm một lần với sự tham gia của hàng chục nghìn đại biểu đến từ khắp các châu lục.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh tầm quan trọng của nước đối với con người. Ông nói không có nước thì không có lương thực, không có hòa bình, không có sự sống, vì thế mỗi giọt nước cần được quản lý tốt.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh: "Chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Nước cho sự thịnh vượng chung" có thể được hiểu thành 3 nguyên tắc cơ bản, đó là: tránh cạnh tranh và thúc đẩy bình đẳng; ưu tiên hợp tác toàn diện, bao gồm việc sử dụng công nghệ và tài chính đổi mới; cũng như hỗ trợ hòa bình và thịnh vượng chung. Trong đó cả ba nguyên tắc đều chỉ có thể được thực hiện bằng một từ khóa, đó là là cộng tác". 

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng nước Thế giới Loui Fauchon đề xuất 7 cam kết, trong đó nhấn mạnh cần đưa vấn đề nước vào luật pháp quốc gia và quy định của địa phương; đề xuất về quyền tiếp cận nước đối với tất cả mọi người; thành lập Liên minh các vấn đề tài chính về nước; sử dụng hiệu quả các quỹ khí hậu dành cho nước.

Tất cả các vấn đề liên quan đến nước sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 ở tất cả các cấp độ từ chính phủ, quốc hội cho tới các tổ chức xã hội dân sự, giới học giả và doanh nghiệp với tổng cộng 290 phiên thảo luận.

Những vấn đề trọng tâm

Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10, được tổ chức từ ngày 20 - 25/5 tại Indonesia, được đánh giá đặc biệt vì lần đầu tiên một cuộc họp cấp cao sẽ được tổ chức. Phiên họp có sự tham dự của đại diện 108 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.

Điểm đáng chú ý đây là lần đầu tiên Diễn đàn ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng, bao gồm 4 điểm chính mà Indonesia đề xuất tại diễn đàn bao gồm thành lập Ngày Hồ Thế giới, đề xuất của Indonesia thành lập Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng liên quan đến các vấn đề về nước và biến đổi khí hậu cũng như khả năng phục hồi, quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là ở các đảo nhỏ và cuối cùng là hơn 100 dự án trong lĩnh vực nước.

Indonesia đã dành sự quan tâm đặc biệt và nhiều nguồn lực để tổ chức Diễn đàn Nước thế giới tại Bali, đảm bảo sự thành công của sự kiện 3 năm có một lần này. Một trong những vấn đề được chú trọng trong diễn đàn lần này là hợp tác quốc tế về quản lý nước.

Những vấn đề trọng tâm của Diễn đàn nước thế giới 2024 - Ảnh 2.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện 108 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.

Hợp tác quốc tế về quản lý nước

Với vai trò là nước chủ nhà, Indonesia là nước đưa ra nhiều sáng kiến nhất được nêu ra trong tuyên bố Bộ trưởng.

Tiếp theo Indonesia, Fiji cũng đã đề xuất việc thành lập quỹ nước toàn cầu để giúp phát triển khả năng tiếp cận nước sạch cho nhu cầu của con người ở các nước đang phát triển và khu vực Thái Bình Dương.

Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang hợp tác xây dựng một trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn ở Bali mang tên Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập mặn Quốc tế Mohamed bin Zayed-Joko Widodo.

Trong khi đó, Vương quốc Maroc và Hội đồng nước thế giới tiếp tục tiến hành giải thưởng nước mang tên vua Hassan II. Lễ trao giải thưởng trị giá 500.000 USD cho các sáng kiến thúc đẩy việc bảo vệ và bảo tồn tài nguyên nước, cải thiện việc quản lý, tái sử dụng nước thải và nâng cao nhận thức về các vấn đề về nước sẽ diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn lần này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định rằng, nước xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị toàn cầu. Theo các chuyên gia từ Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển), dù hành động của mỗi cá nhân trong bảo vệ nguồn nước là quan trọng, song, để có được sự thay đổi bền vững, cần có những hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và các chính phủ phải cam kết thực hiện mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa