Thứ 3, 01/07/2025, 20:03[GMT+7]

Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ chức vụ

Thứ 3, 01/07/2025 | 15:29:34
415 lượt xem
Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn trong thời gian điều tra về hành vi của bà trong cuộc điện đàm với ông Hun Sen.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại Bangkok ngày 1/7.

9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 cùng nhất trí chấp thuận đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ nước này, yêu cầu mở cuộc điều tra về cuộc điện đàm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hồi tháng trước.

Với 7 phiếu ủng hộ và hai phiếu phản đối, Tòa án Hiến pháp sau đó thông qua quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng với bà Paetongtarn từ ngày 1/7 cho đến khi đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, bà vẫn được giữ chức Bộ trưởng Văn hóa trong nội các.

Bà Paetongtarn, 38 tuổi, trước đó đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các, đề cử mình kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Văn hóa. Danh sách nội các mới được Quốc vương Thái Lan phê chuẩn và đăng trên Công báo Hoàng gia ngay trước khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định.

Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai thừa nhận việc bà Paetongtarn giữ chức Bộ trưởng Văn hóa là một động thái đề phòng với kịch bản bà bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ Thủ tướng.

Phó thủ tướng Suriya Juangroongruangkit sẽ là Thủ tướng lâm thời trong thời gian bà Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ.

Tòa án Hiến pháp yêu cầu bà Paetongtarn nộp bản biện hộ trong vòng 15 ngày kể từ khi bị đình chỉ chức vụ.

Thủ tướng Paetongtarn cho biết bà chấp nhận quyết định của Tòa án Hiến pháp. "Tôi muốn nhắc lại rằng tôi luôn mong muốn làm điều tốt nhất cho đất nước", bà nói với phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok. "Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến những ai cảm thấy phiền lòng vì tất cả những chuyện này. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước với tư cách một công dân Thái Lan".

36 thượng nghị sĩ, do tướng Sawat Tassana, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, dẫn đầu, hồi cuối tháng 6 đệ trình kiến nghị lên Tòa án Tối cao, cáo buộc Thủ tướng Paetongtarn "vi phạm đạo đức nghiêm trọng" và làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia khi gọi điện và trao đổi riêng với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Trong cuộc điện đàm, bà Paetongtarn gọi ông Hun Sen là "chú" và mô tả Tư lệnh Quân khu 2 Thái Lan là "đối thủ".

Bà sau đó đối mặt làn sóng phản ứng dữ dội không chỉ từ người dân mà cả trong nội bộ liên minh cầm quyền. Các nghị sĩ bảo thủ Thái Lan cáo buộc Thủ tướng "nhún mình" trước Campuchia và làm ảnh hưởng đến danh tiếng quân đội, đồng thời cho rằng bà vi phạm các điều khoản hiến pháp, trong đó yêu cầu thủ tướng và các bộ trưởng phải chính trực, đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức.

Thủ tướng Paetongtarn lên nắm quyền hồi tháng 9/2024 sau khi lập được liên minh 11 đảng, do đảng Pheu Thai lãnh đạo. Bà là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra làm thủ tướng, sau cha ruột Thaksin và cô ruột Yingluck, và cũng là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan.

Tuy nhiên, sau khi băng ghi âm cuộc điện đàm với ông Hun Sen bị rò rỉ, đảng lớn thứ hai trong liên minh là Bhumjaithai đã rút lui. Với việc BJT rút lui, liên minh của bà Paetongtarn chỉ còn 261 ghế ở Hạ viện, trong khi phe đối lập có 234 ghế.

Khoảng 10.000 người hôm 28/6 biểu tình ở thủ đô Bangkok để yêu cầu bà Paetongtarn từ chức. Đám đông chủ yếu gồm người lớn tuổi và đa phần do các nhà hoạt động kỳ cựu của phong trào Áo Vàng dẫn dắt. Đây là phong trào đã lật đổ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bố của bà Paetongtarn, vào những năm 2000.

Stithorn Thananithichot, chuyên gia tại Viện Quốc vương Prajadhipok, cho rằng quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn mà Tòa án Hiến pháp đưa ra sẽ giúp giảm bớt phần nào áp lực từ dư luận, nhưng cũng có thể mở ra giai đoạn mới đầy biến động trên chính trường Thái Lan.

Theo: vnexpress.net

  • Từ khóa