Thứ 7, 23/11/2024, 14:00[GMT+7]

Nhật Bản một tháng sau thảm họa

Thứ 2, 11/04/2011 | 15:27:24
1,121 lượt xem
Hôm nay 11-4, tròn một tháng sau thảm họa kép động đất, sóng thần, Nhật Bản đã mất đi 13.000 công dân, hàng trăm tỉ USD, còn lại những đống đổ nát ngổn ngang và cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân nhưng họ không mất đi ý chí.

Người dân trong các khu sơ tán tin tưởng họ sẽ có nhà mới để ổn định cuộc sống sau thảm họa - Ảnh: Kyodo

“Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi những người sống sót”, Thủ tướng Naoto Kan tuyên bố trong ngày hôm qua trên đài phát thanh ở thành phố Ishinomaki của tỉnh Miyagi.

Lúc 14g46 chiều nay (12g46 theo giờ Việt Nam), người dân Nhật Bản sẽ tạm dừng mọi hoạt động để tưởng nhớ 13.000 người đã thiệt mạng và 14.000 người đang còn mất tích.

Hãng tin Kyodo cho hay hiện có 151.000 người đang sống trong 2.300 khu sơ tán, nhưng một số đã bắt đầu được chuyển sang những căn nhà lắp ghép tiện lợi hơn do chính quyền địa phương xây cất.

Những căn nhà đầu tiên được xây trên một trường học ở thành phố Rikuzentakata của tỉnh Iwate - một trong những nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất.

Chính quyền tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima đã bắt tay vào thực hiện dự án xây tổng cộng 62.000 căn nhà và đến nay hoàn thành được 4.337 căn. Họ dự tính chi phí khoảng 50 tỉ yen (590 triệu USD) để xây dựng 70.000 căn nhà trong ngân sách bổ sung của năm tài khóa 2011. Như vậy, mỗi căn rộng 30-40m2 sẽ dành cho 2-3 người ở.

Theo một khảo sát của Kyodo, có 1/6 người sống ở các khu sơ tán tỏ ý “không thể chịu nổi” sinh hoạt tù túng và bất tiện tại đây, nhưng số còn lại vẫn tin họ sẽ có điều kiện sống tốt hơn.

Trong khi đó, tại tỉnh Fukushima, các công nhân Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bắt đầu chuẩn bị cho việc bơm nước nhiễm xạ cao ra các bồn chứa lớn và hệ thống “cô đặc nước”, khi chiếc máy bơm nước vào loại lớn nhất thế giới mà Công ty Điện lực Tokyo đặt hàng từ Mỹ đã đến hiện trường.

 

Người Nhật Bản biểu tình phản đối các nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: Kyodo

Hôm qua, Hãng tin Kyodo cho hay đã có khoảng 17.500 người Nhật tập trung tại thủ đô Tokyo tuần hành phản đối các nhà máy điện hạt nhân.

“Chúng tôi biết các nhà máy điện hạt nhân không thể điều khiển được bằng sức người mà bằng hệ thống tự động - Gentaro Todaka, 34 tuổi, nói - Chúng tôi muốn Nhà máy Hamaoka ở tỉnh Shizuoka dừng hoạt động vì đây là nhà máy nguy hiểm nhất”.

Hamaoka nằm ngay trên địa điểm mà các chuyên gia dự đoán sẽ là tâm chấn của một trận động đất lớn sắp xảy ra. Hiện Công ty Điện lực Chubu đã hoãn khởi động lại lò phản ứng số 3 của Hamaoka nhưng vẫn chạy lò số 4 và 5.

Trong khi đó, người dân vùng gặp nạn còn đối mặt với mối lo khác khi Đài truyền hình NHK hôm qua tiết lộ tại thành phố Kesennuma của tỉnh Miyagi, các quan chức đã phát hiện mẫu nước chứa thạch tín từ giếng và suối gần một mỏ khai khoáng bỏ hoang. Họ cho rằng bùn chứa thạch tín và các chất độc khác đã chảy từ mỏ Oya sau vụ động đất ngày 11-3 làm ô nhiễm nguồn nước và đất ở đây.

Các mẫu nước này chứa 0,24 miligram thạch tín/ lít, gấp 24 lần giới hạn cho phép. Quan chức y tế khuyến cáo người dân tại đây không được uống nước từ các con suối chảy ở khe núi. Công ty JX Nippon Mining & Metals cho biết sẽ loại bỏ nước nhiễm độc này nhanh chóng.

Theo Tuổi Trẻ

  • Từ khóa