Chủ nhật, 10/11/2024, 05:59[GMT+7]

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: Khẳng định vị thế trên cán cân quyền lực

Thứ 5, 16/06/2011 | 10:44:23
1,358 lượt xem
Ngày 15-6, lãnh đạo 6 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm LB Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Astana (Kazakhstan).

Phạm vi ảnh hưởng của SCO ngày càng mở rộng.

Đây không chỉ là sự kiện tổng kết chặng đường 10 năm thành lập mà còn là dịp để tổ chức này khẳng định vai trò cán cân quyền lực mới trên thế giới.

Thành lập năm 2001 theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc nhằm ngăn chặn hiệu quả chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và mở rộng an ninh biên giới, SCO ngày càng thể hiện vai trò quan trọng cho một kế hoạch lớn hơn tại khu vực đang ngày càng trở nên bất ổn này. Đó là một kế hoạch bao hàm những lo ngại chung, từ eo biển Đài Loan đến Trung Á.

Không thể phủ nhận sự củng cố và gia tăng ảnh hưởng của SCO suốt 10 năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong giải quyết an ninh khu vực và thế giới. Chỉ riêng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tiếng nói của Nga và Trung Quốc - hai thành viên trụ cột của SCO - là không thể thiếu trong tiến trình đàm phán 6 bên. Còn tại Nam Á, tương lai cuộc chiến ở Afghanistan không thể thiếu sự hợp tác từ SCO cùng các quan sát viên đóng vai trò xúc tác như Ấn Độ và Pakistan.

Sự lớn mạnh và độ tin cậy của SCO trong thời gian qua khiến tổ chức này thành mục tiêu được nhiều nước trong khu vực hướng tới. Vì vậy, ngoài 6 nước thành viên, Belarus và Sri Lanka đã nhận được quy chế đối tác của SCO về đối thoại. Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mông Cổ cũng đang hợp tác với SCO với tư cách quan sát viên. Đáng chú ý là tại Hội nghị lần này, SCO đã thông qua các văn kiện quy định thủ tục tiếp nhận thành viên mới mà Pakistan và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ trở thành "tân binh" trong đợt mở rộng đầu tiên. Đây sẽ không chỉ là bước tiến giúp đẩy mạnh hai cuộc chiến chống ma túy và khủng bố trong khu vực mà còn là bàn đạp cho "lộ trình phương Nam" của SCO. Điều dư luận quan tâm là, mối liên kết giữa SCO và các đối tác đang tạo thành vành đai an ninh vững chắc trên một diện rộng và ảnh hưởng không nhỏ tới bàn cờ địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu. Với độ che phủ lên tới 60% lãnh thổ của hai châu lục Á, Âu và 25% dân số thế giới, SCO hoàn toàn có cơ sở để trở thành không gian chiến lược đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm đầu.

Nhìn lại hơn một thập kỷ trở lại đây, trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ đã chuyển từ phía Tây sang phía Đông. Nội dung điều chỉnh chiến lược của Mỹ xoay quanh 4 vấn đề cơ bản. Đó là, củng cố và tăng cường các liên minh truyền thống với các nước trong khu vực; phát triển quan hệ đối tác chiến lược mới, trước hết là với các cường quốc hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng các cơ chế bền vững cho sự hợp tác khu vực; xúc tiến và ủng hộ cái gọi là "dân chủ", "nhân quyền". Một phần quan trọng để đưa chiến lược của Mỹ thành hiện thực là duy trì "vành đai chuỗi ngọc" mà Washington cố công xây dựng trong thời gian qua. Theo đó, ở Đông Bắc Á có Nhật Bản - Hàn Quốc - Đài Loan, qua Đông Nam Á là Philippines - Indonesia - Singapore - Malaysia - Thái Lan tới Ấn Độ ở Nam Á và kết thúc tại Vịnh Persic ở Trung Đông. Thế nhưng, sự phát triển của SCO đang khiến tham vọng của Mỹ về một tầm ảnh hưởng mới trong khu vực này không thể là vô hạn. Trước mắt, Washington đang phải tính toán lại ván bài Afghanistan sau khi mất dần lợi thế tại một số căn cứ quân sự hậu cần ở Trung Á hồi năm ngoái và quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan có phần rạn nứt sau chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden trên đất Pakistan mà không có sự can dự của nước chủ nhà...

Như vậy, trên cả bình diện địa - chính trị lẫn địa - kinh tế và tầm chiến lược, SCO dường như đang không chỉ khẳng định vị thế trên cán cân quyền lực đã vượt tầm khu vực mà còn biến nỗ lực duy trì ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh trong không gian này trở nên bé nhỏ.

Theo Hà Nội Mới

  • Từ khóa