Thứ 7, 23/11/2024, 18:50[GMT+7]

1.239 người thiệt mạng trong vụ lở đất kinh hoàng ở Cam Túc, Trung Quốc: Giá đắt cho sự hủy diệt hệ sinh thái

Thứ 2, 16/08/2010 | 08:57:32
1,295 lượt xem
Tính đến nay đã có 1.239 người thiệt mạng và 505 người khác còn mất tích trong vụ lở đất kinh hoàng ở huyện Châu Khúc, khu tự trị dân tộc Tạng Cam Nam (Cam Túc) ngày 7-8. Và ngày 15-8 đã trở thành ngày quốc tang cho các nạn nhân này.

Một người dân ngồi trước ngôi nhà bị tàn phá trong vụ lở đất, bên dưới là người thân và tài sản của ông - Ảnh:qq.com

Không khí tang thương vẫn đang bao trùm huyện Châu Khúc. “Thật đau đớn khi giờ đây tôi đứng trên đống đổ nát chính là nhà tôi. Dù tôi và chồng con còn sống sót nhưng gần 30 người thân của tôi đã nằm lại dưới đống đổ nát này”- cư dân Trương Tú Kiện nói.

Các chuyên gia khoa học địa chất Trung Quốc, như mạng QQ trích dẫn, cho biết thảm họa này đã được dự báo trước. 13 năm trước (1997), họ đã cảnh báo nạn tàn phá rừng ở khu vực sườn dốc của huyện Châu Khúc sẽ gây ra thảm họa lở đất trong khu vực, song cảnh báo này dường như đã bị chính quyền bỏ ngoài tai. Theo số liệu chính thức được công bố từ năm 1952-1990, các công ty gỗ nhà nước đã phá trụi 126.667ha rừng trên các vùng sườn núi và làm xói mòn đất.

Năm 1997, hai nhà khoa học Mã Đông Đào và Kỳ Long đã chính thức công bố báo cáo khoa học “Sự tiêu diệt hệ sinh thái” tại huyện Châu Khúc. Báo cáo nêu rõ: “Mưa lớn sẽ cuốn đất đá xuống hệ thống sông suối trong khu vực, hủy diệt đất nông nghiệp, cuốn trôi nhà cửa, đường sá, cầu cống, các cơ sở sản xuất năng lượng và cấp nước trong khu vực”.

“Vụ lở đất là do yếu tố địa chất, nhưng nó đã trở nên tồi tệ hơn do nạn phá rừng, tôi không ngờ nó khủng khiếp đến thế” - ông Kỳ Long nói.

Ít nhất 38 người đã mất tích trong trận lở đất mới nhất xảy ra ngày 14-8 ở xã Ánh Tú, huyện Vấn Xuyên. Mưa lớn đêm 13 và rạng sáng 14-8 đã gây ra hàng loạt trận lở đất ở các thị trấn của huyện Vấn Xuyên, nơi trận động đất 8 độ Richter năm 2008 đã cướp đi sinh mạng hơn 70.000 người. Khoảng 4.000 người và gần 1.300 xe cộ đã bị kẹt, giao thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Hơn 10.000 người dân đã được sơ tán khẩn cấp do chính quyền địa phương lo ngại hồ ngăn dòng Mân Giang sẽ gây lũ lụt lớn.

Trung Quốc đang đối mặt với nạn đại hồng thủy thế kỷ 21 kể từ sau hai trận đại hồng thủy năm 1887 và 1931 do lũ lụt từ con sông Dương Tử làm hơn 6 triệu người thiệt mạng.

M.LOAN

Theo Tuổi trẻ

  • Từ khóa