Chủ nhật, 17/11/2024, 19:39[GMT+7]

Báo quốc tế ca ngợi 'chiến thắng ngoại giao' của Việt Nam sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Thứ 5, 28/02/2019 | 16:57:53
1,392 lượt xem
Tờ Asia Times ca ngợi Việt Nam với tư cách là chủ nhà hội nghị thượng đỉnh đã khơi dậy tinh thần yêu nước của người Việt và Đảng Cộng sản Việt Nam là kiến trúc sư cho vị thế mới của đất nước trong trật tự quốc tế.

Cô gái Việt Nam cầm lá cờ Mỹ-Triều Tiên chào mừng hội nghị thượng đỉnh. Ảnh AFP.

"Chào mừng bạn đến Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”. Các biểu ngữ chào đón du khách được giăng khắp các đường phố trên quãng đường từ sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố. Trong trường hợp bỏ lỡ các dòng chữ chào mừng trên đường, du khách có thể nhìn thấy khẩu hiệu được chiếu từ trên các tòa nhà chọc trời.

Hà Nội đã chuẩn bị tốt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến hội nghị thượng đỉnh lần 2 diễn ra trong tuần này, tờ Asia Times ca ngợi trong bài viết hôm 28/2.

Phi hạt nhân hóa và hòa giải là một trong những kỳ vọng khó khăn của các nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đến thăm Hà Nội, nhưng đối với Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh sẽ là một chiến thắng ngoại giao bất kể kết quả thế nào.

Đặc biệt, hội nghị thượng đỉnh sẽ tiếp tục củng cố hình ảnh Việt Nam trong vai trò một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

“Điều đó tiếp tục nhấn mạnh tầm vóc quốc tế đang phát triển của đất nước chúng ta, phản ánh vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế”, Asia Times dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp báo tuần trước.

Theo ấn phẩm chuyên phân tích các vấn đề châu Á, sau nhiều năm mở cửa thị trường tự do và có mức tăng trưởng kinh tế cao đáng kinh ngạc, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất châu Á.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corporation cho biết, với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Việt Nam sẽ củng cố vai trò quốc tế như một quốc gia trung gian nhiệt thành...

Việt Nam cũng đang chuẩn bị đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020, một vị trí “sẽ cho phép quốc gia này thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trong khu vực”, theo lời chuyên gia Gross Grossman.

Bên cạnh việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Việt Nam cũng tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với các quan chức đến từ Mỹ và Triều Tiên, để củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương giữa các bên.

Điều này đã được minh chứng qua cuộc hội kiến giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận mới giữa ngành hàng không của hai quốc gia trị giá gần 21 tỷ USD.

Báo chí Việt Nam cũng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho một chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington trong năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh cũng cho phép Việt Nam tăng cường kết nối với Triều Tiên, mở rộng hợp tác quan hệ trên nhiều lĩnh vực tiềm năng giữa hai nước. Vào sáng 27/2, các quan chức Triều Tiên đã đến thăm các nhà máy của một số công ty và địa điểm du lịch lớn nhất của Việt Nam, bao gồm cả Vịnh Hạ Long nổi tiếng.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp mặt các nhà lãnh đạo Việt Nam để hội đàm song phương trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông đến Hà Nội.

Đáng lưu ý hơn là mối quan hệ của Việt Nam với Hàn Quốc, một trong những đối tác thương mại chính trong nhiều năm qua. Việt Nam hiện là điểm đến lớn thứ ba cho xuất khẩu của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ, trong khi Hàn Quốc năm ngoái là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Seoul đã ưu tiên hòa giải với Triều Tiên hơn so với các thời lãnh đạo khác.

“Động lực tích cực của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc chắc chắn sẽ được duy trì nếu Hà Nội cho thấy họ cũng là một người ủng hộ chính cho các nỗ lực hòa giải và hòa bình giữa các quốc gia”, chuyên gia Grossman nhận định.

Việt Nam đã được Hàn Quốc và Triều Tiên ủng hộ trở thành chủ nhà của hội nghị thay thế cho các ứng cử viên sáng giá khác như Thái Lan và Singapore. Các quan chức Mỹ có các chuyến thăm thường xuyên trong những năm gần đây được cho là đã ưu tiên Hà Nội hơn các lựa chọn khác, theo Asia Times.

Bên cạnh những lợi ích thương mại, hội nghị thượng đỉnh cũng mang đến một cơ hội vàng để tăng tiềm năng du lịch của thủ đô. Càng ý nghĩa hơn nữa khi sự kiện này đến vào thời điểm kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố vì hòa bình - một sự trùng hợp ngẫu nhiên làm tăng cường thêm giá trị hình ảnh của Việt Nam.

Kim Ly, một sinh viên ngành kinh tế cho biết, cô cảm thấy tự hào về thành phố của mình đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh, mặc dù giống như hầu hết mọi người, cô không biết kết quả hội nghị sẽ đạt được những gì.

“Có thể hội nghị sẽ chưa mang lại hòa bình, nhưng thật tốt khi ông Trump và ông Kim đang đến thăm Việt Nam”, Kim Ly chia sẻ với Asia Times. Cường, người bạn đi cùng luôn theo sát chính trị quốc tế của Kim Ly thì cho rằng đó là một chiến thắng về quan hệ công chúng tuyệt vời cho Việt Nam.

“Thật vậy, Việt Nam với tư cách là chủ nhà hội nghị thượng đỉnh đã khơi dậy một tinh thần yêu nước, nơi người Việt coi đất nước của mình có vị thế quan trọng và được tôn trọng trong các vấn đề toàn cầu - và Đảng Cộng sản Việt Nam là kiến trúc sư cho vị thế mới của Việt Nam trong trật tự quốc tế”, tờ Asia Times kết luận.

Nhiều người dân Hà Nội đã nói chuyện với Asia Times cho biết họ tự hào về việc Việt Nam đã được chọn để tổ chức một cuộc họp quan trọng như vậy. Nhiều người đã nói ủng hộ tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu.

Theo Người đưa tin

  • Từ khóa