Chủ nhật, 17/11/2024, 19:34[GMT+7]

Ấn Độ là quốc gia có nhiều thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới

Thứ 4, 06/03/2019 | 08:05:16
1,041 lượt xem
Theo một báo cáo do tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) có trụ sở tại Hà Lan công bố, trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới có tới 7 thành phố ở Ấn Độ.

Ảnh minh họa

Trong đó, Gurugram, một vùng ngoại ô thủ đô New Delhi, là nơi ô nhiễm nhất, với chỉ số chất lượng không khí (AQI- đo mức bụi siêu vi PM2,5 trong không khí) trung bình năm 2018 ở mức 135,8, cao gấp 3 lần mức an toàn đối với sức khỏe con người theo đánh giá của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).

Greenpeace thực hiện báo cáo dựa trên phân tích tài liệu của AirVisual, một công ty điều tra về ô nhiễm không khí. Theo báo cáo này, ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca chết sớm trên toàn cầu vào năm tới và tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho thị trường lao động toàn cầu tương đương 225 tỷ USD và hàng nghìn tỉ USD cho các chi phí chăm sóc sức khỏe.

Tình trạng ô nhiễm đặc biệt đáng ngại tại khu vực Nam Á. Trong tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới có 18 thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, trong đó một số điểm nóng như Lahore, Delhi và Dhaka lần lượt ở các vị trí thứ 10, 11 và 17. Theo báo cáo, Bangladesh là quốc gia có chỉ số bụi siêu vi PM2,5 cao nhất thế giới (97,1 µm/m³), sau đó tới Pakistan, Ấn Độ.

Báo cáo nhấn mạnh ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu. Trong số 3.000 thành phố được đánh giá trong báo cáo, 64% có mức ô nhiễm bụi siêu vi PM2,5 cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO). Bụi siêu vi gồm sulfate, nitrate và carbon đen, có thể thâm nhập sâu vào phổi và hệ hô hấp của con người và có liên quan các tình trạng rối loạn tim phổi và làm suy giảm hệ miễn dịch và nhận thức. Tất cả các thành phố tại khu vực Trung Đông và châu Phi được nhắc tới trong báo cáo đều ghi nhận chỉ số bụi siêu vi cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WTO, trong khi tình trạng này ghi nhận tại 99% thành phố được đánh giá ở Nam Á; 95% thành phố ở Đông Nam Á và 89% thành phố tại Đông Á.

Báo cáo cho rằng các quốc gia Nam Á có nồng độ bụi siêu nhỏ cao là do khí thải phương tiện giao thông và tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, trong khi ở các nước Đông Á là do sử dụng nhiều than đá.

Báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cân nhắc nghiêm túc những yếu tố liên quan tới sức khỏe toàn dân, từ đó bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đồng thời thông báo rõ cho người dân tình hình chất lượng không khí để thúc đẩy những bước đi thiết thực nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe và khí hậu này.

Báo cáo ghi nhận tình trạng cải thiện đáng kể ở Trung Quốc. Từng là một điển hình của tình trạng ô nhiễm không khí đô thị trên thế giới, giai đoạn 2017 - 2018, mật độ các chất ô nhiễm trung bình tại các thành phố ở Trung Quốc giảm khoảng 12% trong khi thủ đô Bắc Kinh đã thoát ra khỏi danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Kết quả này được cho là nhờ vào những nỗ lực kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí mà quốc gia này đã thực hiện.

Trong khi đó, một số quốc gia láng giềng như Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam và Thái Lan lại cho thấy tình trạng ô nhiễm gia tăng. Báo cáo chỉ ra nồng độ bụi siêu nhỏ bình quân năm 2018 của Hàn Quốc là 24 µm/m³, cao thứ 27 trong số 73 quốc gia được điều tra, thứ hai trong số các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sau Chile (24,9 µm/m³).

Tại Seoul, Greenpeace đã tiến hành phân tích tài liệu về bụi siêu vi của Bộ Môi trường Hàn Quốc và chỉ ra năm 2018, nồng độ bụi siêu vi bình quân tại thủ đô Seoul là 23 µm/m³, tương đương năm 2015. Hiện tượng không khí ứ đọng do biến đổi khí hậu gia tăng, khiến số ngày nồng độ bụi siêu nhỏ ở mức "xấu" trong năm tăng từ 44 ngày lên 61 ngày, mức "rất xấu" từ không có ngày nào lên 4 ngày.

Theo vtv.vn