Thứ 3, 19/11/2024, 02:41[GMT+7]

Hành củ trở thành loại tiền tệ thứ hai ở Ấn Độ

Chủ nhật, 15/12/2019 | 09:30:30
815 lượt xem
Khủng hoảng hành củ đang tiếp diễn ở Ấn Độ khi 1kg hành tây hiện đã có giá tương đương 1/3 thu nhập bình quân hàng ngày của người Ấn Độ (2,79 USD).

Ảnh minh họa

Hiện hành củ đang dần được coi như một loại tiền tệ thứ hai ở quốc gia Nam Á này. Tình trạng khan hiếm hành củ xuất hiện sau khi những trận mưa trái mùa ở miền Tây Ấn Độ vào hè năm 2018 đã phá hủy vụ mùa hành tây trong khu vực và khiến giá hành tăng gấp 10 lần trong năm 2019. Từ tháng 9/2019, để đảm bảo an ninh lương thực, Chính phủ Ấn Độ đã đưa hành tây thành mặt hàng chiến lược trong thương mại, đồng thời áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm mà Ấn Độ vốn là nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới và kiếm được 360 triệu USD hàng năm bằng xuất siêu.

Hiện Ấn Độ đang phải gấp rút nhập khẩu hành củ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Trong những ngày gần đây, nhiều vụ cướp bóc, hành hung, bạo lực và tấn công liên quan đến xe tải chở hành đã xảy ra trên toàn Ấn Độ.

Anh Kumar Rohit, người bán hành cho biết: "Chúng tôi vừa bán hành vừa phải tự bảo vệ mình. Mọi người thường dùng đá để ném vào chúng tôi để cướp hành. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải đội mũ bảo hiểm khi đi bán hành".

Hành củ còn được dùng để trả tiền taxi, trở thành quà tặng cho các cặp vợ chồng mới cưới và dưới dạng tiền thưởng ngày lễ. Chủ sở hữu một cửa hàng điện thoại thậm chí đã bán được tới 20 chiếc điện thoại thông minh chỉ trong vài ngày nhờ tặng kèm hành với mỗi chiếc điện thoại đắt tiền. Một số chính quyền tiểu bang đã bắt đầu bán hành tây với giá trợ cấp. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, giá hành tây ở Ấn Độ được coi là chỉ số chính của sự ổn định kinh tế. Và cuộc khủng hoảng hành tây có thể là điềm báo cho sự lung lay của Chính phủ.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa