Việt Nam nhận vai trò Chủ tịch ngay ngày đầu trở lại Hội đồng Bảo an
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã triển khai nhiều công việc để đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay từ tháng 1/2020.
Trước đó, tại khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 6/2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đây là lần thứ hai, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc để đảm nhận trọng trách này, giúp Việt Nam phát huy những thành công trong nhiệm kỳ 10 năm trước (2008-2009) và tiếp tục có những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam là thành viên tích cực
Từ tháng 1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Các thành viên Hội đồng Bảo an lần lượt giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an theo thứ tự Alphabet của tên nước bằng tiếng Anh. Nhiệm kỳ Chủ tịch kéo dài 1 tháng.
Chủ tịch sẽ chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bảo an và khi được Hội đồng Bảo an cho phép, sẽ đại diện cho Hội đồng Bảo an với tư cách là một cơ quan của Liên hợp quốc.
Khi Chủ tịch Hội đồng Bảo an thấy rằng theo đúng trách nhiệm của Chủ tịch, không nên chủ trì Hội đồng Bảo an trong quá trình xem xét một vấn đề cụ thể có liên quan trực tiếp đến quốc gia mà mình là đại diện, sẽ thông báo quyết định của mình lên Hội đồng Bảo an. Sau đó, để có thể tiếp tục xem xét vấn đề đó, ghế Chủ tịch sẽ được trao cho đại diện các quốc gia kế tiếp theo thứ tự Alphabet.
Các quy định của Quy tắc này sẽ được áp dụng đối với các đại diện được chỉ định làm Chủ tịch kế tiếp. Quy tắc này không ảnh hưởng đến cương vị đại diện và nghĩa vụ của Chủ tịch như được quy định trong Quy tắc 19 và Quy tắc 7.
Chương trình nghị sự tạm thời của mỗi cuộc họp của Hội đồng Bảo an sẽ do Tổng Thư ký xây dựng và được Chủ tịch Hội đồng Bảo an thông qua. Chỉ những đề mục được các thành viên Hội đồng Bảo an lưu ý theo Quy tắc 6, các đề mục được nói đến theo Quy tắc 10, hoặc các vấn đề mà Hội đồng Bảo an quyết định hoãn xem trước đó, mới được đưa vào chương trình nghị sự tạm thời.
Là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế (đoạn 1 Điều 24, Hiến chương Liên hợp quốc).
Theo Điều 4 và 25 của Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả các thành viên Liên hợp quốc đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an. Trong khi các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên, các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng, thi hành.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu. 10 ghế không thường trực Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lý.
Mỗi thành viên thường trực và không thường trực nắm một lá phiếu, tuy nhiên, chỉ 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (phiếu chống của một thành viên thường trực đối với một quyết định mang tính thực chất của Hội đồng Bảo an). Theo thủ tục hoạt động tạm thời của Hội đồng Bảo an, các quyết định về các vấn đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ. Các quyết định về các vấn đề thực chất cần đạt tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không bị bất kỳ thành viên thường trực nào phủ quyết.
Để hoàn thành trách nhiệm chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chức năng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai của Hội đồng Bảo an được quy định chi tiết tại các Chương VI, VII, VIII của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ tháng 1/2020, Việt Nam sẽ chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khi được cơ quan này cho phép, sẽ đại diện cho Hội đồng Bảo an với tư cách là một cơ quan của Liên hợp quốc.
Chương trình nghị sự tạm thời của mỗi cuộc họp của Hội đồng Bảo an sẽ do Tổng Thư ký xây dựng và được Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên
Các ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm 7 ưu tiên: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hợp quốc; cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hợp quốc; vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; phụ nữ, hòa bình và an ninh, và trẻ em trong xung đột vũ trang; khắc phục hậu quả xung đột, bao gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột; hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng phát triển. Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Liên hợp quốc trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày càng được nâng cao.
Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết, các nước đang phát triển để đấu tranh bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực... và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngày nay, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, việc đẩy mạnh mối quan hệ này và nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của Liên hợp quốc nhằm phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là rất cần thiết.
Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc cũng như về vai trò của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.
Tham gia Hội đồng Bảo an, là cơ hội quan trọng để Việt Nam triển khai thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. /.
Theo vietnamplus.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024