Thứ 7, 09/11/2024, 22:23[GMT+7]

Hưng Hà: Người nuôi cá lồng phấn khởi vào vụ tết

Thứ 5, 23/11/2023 | 21:59:52
5,837 lượt xem
Toàn huyện Hưng Hà hiện có 8 điểm nuôi cá với 276 lồng, tập trung ở các xã: Hồng An, Điệp Nông, Độc Lập, thị trấn Hưng Nhân..., tăng 64 lồng so với năm 2022; trong đó, 1 mô hình nuôi cá lồng kết hợp nuôi ếch với 60 lồng tại xã Tiến Đức; 1 mô hình nuôi cá tầm tại xã Tân Lễ mang lại thu nhập lớn cho nhiều người dân, góp phần đưa giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản của huyện 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 195 tỷ đồng, tăng 3,23% so với năm 2022.

Huyện Hưng Hà hiện có 8 điểm nuôi cá với 276 lồng, tập trung ở các xã Hồng An, Điệp Nông, Độc Lập và thị trấn Hưng Nhân. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng của anh Trần Đức Thành, xã Độc Lập.

Để khuyến khích các hộ dân phát triển nuôi cá lồng, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp động viên, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng. Đồng thời, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản đa dạng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Men theo triền đê sông Hồng, chúng tôi tìm đến bè nuôi cá lồng của anh Trần Đức Thành, xã Độc Lập. Anh Thành là hộ nuôi cá lồng nhiều nhất xã với khoảng 10 vạn con, chủ yếu là cá trắm giòn, chép giòn, cá diêu hồng, cá lăng... Bằng hình thức nuôi gối vụ theo kiểu “đánh tỉa, thả bù” nên lúc nào anh Thành cũng có cá để phục vụ bà con. Như dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, anh xuất bán hơn 20 tấn cá, thu lãi gần 1 tỷ đồng. Để đón đầu dịp xuất bán cá tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngay từ đầu năm anh đã đầu tư thêm 4 lồng cá, nâng tổng số lồng cá lên 18 lồng, mỗi lồng nuôi hơn 2.000 đầu cá, trong đó cá lăng chiếm 1/3. Thời điểm này cá đạt ngưỡng 4 - 5kg/con. 

Anh Thành chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng thường có sản phẩm bán quanh năm nhưng dịp tết Nguyên đán được xem là mùa thu hoạch chính của người dân. Vì vậy, những ngày này tôi tập trung chăm sóc, vỗ béo cá, dự kiến xuất bán khoảng 20 tấn cá thương phẩm cho thị trường Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương. Hiện nay giá cá tương đối cao, điển hình như giá cá lăng từ 110.000 - 120.000 đồng/kg; cá chép giòn từ 140.000 - 170.000 đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng lồng cá để thả cá lăng và cá chép giòn trong thời gian tới.

Dự báo thị trường tiêu thụ cá đặc sản còn tiếp tục tăng, với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng, ông Lê Minh Hòa, xã Hồng An đã đầu tư nuôi 8 vạn cá lăng từ đầu tháng 2/2023 để xuất bán vào dịp tết Nguyên đán sắp tới; riêng 4 vạn cá chép, 2 vạn cá trắm ông nuôi theo hình thức lấy phôi, khi có trọng lượng 2 - 4kg/con sẽ xuất bán cho các lồng bè khác với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg để vỗ béo. Hình thức nuôi này sẽ rút ngắn thời gian quay vòng, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Hòa cho biết: Bè của gia đình tôi hiện có 18 lồng cá, mỗi năm xuất bán khoảng 100 tấn cá các loại, thu lãi gần 2 tỷ đồng. Để nuôi cá lồng trên sông đạt hiệu quả cao, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ vị trí đặt lồng, chọn cá giống, quản lý, chăm sóc... Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng một lần, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi, vớt bỏ thức ăn thừa trong lồng bè. Bên cạnh đó, cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá, sử dụng máy đo mật độ dưới nước để kiểm tra, chăm sóc cá theo đúng quy trình. Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.

Mô hình nuôi cá lồng của ông Lê Minh Hòa (người bên phải), xã Hồng An mỗi năm thu lãi gần 2 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Tạo, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Hồng An cho biết: Hiện nay, các chủ lồng đã bắt đầu lựa chọn cá theo trọng lượng, bổ sung thức ăn để chuẩn bị cho kỳ khai thác tới. Để duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân đưa giống cá mới vào nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường.

Thời điểm này tại các điểm bè ở huyện Hưng Hà thương lái đã nhộn nhịp đến đặt hàng, hứa hẹn một mùa cá được mùa, được giá. Nghề nuôi cá lồng trên sông đã giúp hàng trăm hộ dân của huyện Hưng Hà nâng cao thu nhập. Tuy còn những khó khăn nhưng nghề này vẫn đang trên đà phát triển, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, ngon, được thị trường ưa chuộng.

Thanh Thủy