Thứ 7, 23/11/2024, 10:35[GMT+7]

Thái Thượng: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Thứ 5, 04/01/2024 | 08:50:40
5,355 lượt xem
Thái Thượng (Thái Thụy) có 8 thôn, dân số 6.500 người, trong đó gần 50% sinh sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế địa phương.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà bạt của ông Đỗ Quang Bốn, thôn Bắc Cường, xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Ông Đỗ Khắc Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Thái Thượng cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương với nhiều cách làm sáng tạo đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện xã duy trì 2 đôi tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 400CV, 3 đôi tàu hậu cần nghề cá công suất trên 600CV, 86 tàu thuyền khai thác tầm trung và ven bờ, giải quyết việc làm hơn 400 lao động địa phương, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nâng cao năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2023, sản lượng khai thác lộng ước đạt hơn 8.415 tấn, giá trị đạt 40.914 triệu đồng, tăng hơn 1.966 tấn so với năm 2022. Từ đầu tư phát triển nghề biển, nhiều ngư dân “ăn nên làm ra” với mức thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thay đổi diện mạo làng quê vùng biển. Cùng với khai thác, lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn xã Thái Thượng cũng khá phát triển. Hiện xã có hơn 15 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản với các sản phẩm chính như: moi khô, cá khô, mực khô, nước mắm, chả cá, chả tôm, chả mực, tôm bóc nõn.

Trong phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản (NTTS) được coi là một trong những thế mạnh của Thái Thượng. Hiện xã có 40ha nuôi tôm công nghệ cao, năm 2023 sản lượng nuôi trồng ước đạt 502 tấn, giá trị đạt trên 40 tỷ đồng. 

Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà bạt của ông Đỗ Quang Bốn, thôn Bắc Cường. Năm 1990, gia đình ông Bốn bắt đầu nuôi tôm bán thâm canh trên diện tích 14ha. Với phương thức nuôi này, mức đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế thu về cũng không cao. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua bạt phủ đáy, bạt che mái, máy sủi, máy quạt, xây dựng ao nuôi tôm công nghệ cao. Trên diện tích hơn 5ha, ông chia thành hơn 20 ao lớn, nhỏ để nuôi, ương giống và xử lý nguồn nước đầu vào. 

Ông Bốn chia sẻ: Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt tuy chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng lại sử dụng vật tư được 3 - 4 năm; có thể chống nóng, chống lạnh cho tôm, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ, sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Nếu nuôi tôm theo phương thức truyền thống, một năm chỉ được 2 vụ, còn nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt được 4 - 5 vụ/năm. Tùy theo thời tiết về mùa đông, thời gian nuôi mỗi lứa khoảng 4 tháng, mỗi bể 500 - 800m2 cho sản lượng khoảng 3 tấn tôm thương phẩm. Hiện tôi có 8 ao, năng suất đạt 20 - 30 tấn/năm, nếu thời tiết thuận lợi có thời điểm đạt hơn 40 tấn/năm. Năm nay, sản lượng thu được thấp do tôm bị dịch bệnh hồng thân và đốm trắng, nếu hộ nuôi nào giữ được sẽ có lãi lớn, trung bình 1ha nuôi tôm công nghệ cao doanh thu đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Riêng về mùa đông, thường giá tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với các vụ khác trong năm, đồng nghĩa thu nhập của người dân cũng tăng đáng kể.

Ông Bùi Bá Thán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thượng cho biết: Đến nay, diện tích NTTS của xã đạt 196ha, trong đó hơn 150ha nuôi tôm, diện tích còn lại là nuôi cá vược, cá song, cua... Năm 2023, giá trị sản xuất NTTS ước đạt gần 60 tỷ đồng. Để phát triển NTTS bền vững, Hội đã hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cơ chế vay vốn, năm 2023 Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hội viên vay trên 27 tỷ đồng, từ đó khuyến khích nông dân thi đua sản xuất.

Ông Đỗ Khắc Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Thái Thượng cho biết thêm: Xác định khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, xã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đạt trên 120 tỷ đồng/năm, chiếm 33 - 35% cơ cấu kinh tế của xã. Để hoàn thành mục tiêu này, xã đang tiếp tục huy động nguồn vốn, tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân nâng cấp, đóng mới các tàu cá có công suất từ 200CV trở lên. Vận động ngư dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Đầu tư kho lạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm khi vào bờ, từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Đối với lĩnh vực nuôi trồng, xã đang định hướng cho các hộ dân tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng diện tích NTTS ứng dụng công nghệ cao. Nỗ lực tìm kiếm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu mua, chế biến thủy hải sản... góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xã Thái Thượng (Thái Thụy) có 15 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản.

Nguyễn Thắm