Thứ 7, 23/11/2024, 09:47[GMT+7]

Thái Đô: Phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản bền vững

Chủ nhật, 21/04/2024 | 19:50:34
5,549 lượt xem
Xã Thái Đô (Thái Thụy) có lợi thế trong phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Những năm qua, xã đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, đóng mới tàu thuyền đáp ứng yêu cầu nuôi trồng, đánh bắt theo hướng bền vững. ​

Các hộ dân nuôi trồng thủy sản xã Thái Đô (Thái Thụy) kiểm tra sự sinh trưởng tôm thẻ chân trắng.

Đến thăm vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung thôn Đông Hải, khi các hộ nuôi tôm thẻ đang vệ sinh ao nuôi chuẩn bị cho vụ nuôi xuân hè năm 2024, ông Giang Văn Doãn cho biết: Trước đây, tôi cứ loay hoay nuôi tôm, cua theo hình thức quảng canh nhưng không hiệu quả. Đến nay, tôi đã quy hoạch lại diện tích ao nuôi hơn 2.000m2 để tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh. Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất thông thường nhưng đổi lại tôm ít bị bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh sau một, hai vụ. Với hình thức nuôi này, rất thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường trong ao, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định. Sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt. Mỗi vụ thả nuôi có thể thu hoạch sau khoảng 3 tháng. Sản lượng đạt được khoảng hơn 3 tấn tôm/ha. 

Không riêng ông Doãn, nhiều hộ dân xã Thái Đô đã tìm cho mình hướng đi đúng trong lĩnh vực NTTS. Với khát khao làm giàu trên quê hương, ông Tạ Văn Nhưỡng, thôn Nam Duyên đã phát triển thành công mô hình nuôi cá. Ông Nhưỡng chia sẻ: Tôi có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi thủy sản. Ban đầu khi bắt đầu nuôi thủy sản cũng có nhiều khó khăn. Từ suy nghĩ phải làm thế nào để chuyển đổi vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tôi quyết tâm chuyển đổi sang nuôi cá. Tôi đã tham khảo qua sách vở, tham gia các lớp tập huấn, từng bước rút ra được kinh nghiệm nuôi cá vược, cá song đều là những loài cá có giá trị kinh tế cao. Trên khu đầm gần 2ha của gia đình, tôi đã thả 7 - 8 tấn giống cá vược, cá song. Từ diện tích nuôi cá hàng năm đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. 

Theo tổng hợp của UBND xã Thái Đô, toàn xã hiện có trên 800ha NTTS, trong đó diện tích đầm biển 215ha, vùng chuyển đổi 271ha, nuôi ngao 197ha... Toàn bộ diện tích này đều được sử dụng để nuôi tôm, cua, cá, ngao. Ông Tạ Ngọc Khôi, Chủ tịch UBND xã Thái Đô cho biết: Xác định nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy sản là một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương, vì vậy ngay từ đầu năm, xã đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh đánh bắt xa bờ và NTTS. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ NTTS tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư cải tạo, kiên cố ao nuôi, mua sắm thiết bị tàu thuyền. Cùng với nuôi thả các loại thủy sản truyền thống, các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao nuôi theo hình thức công nghiệp được khuyến khích mở rộng, cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng tăng giống nuôi chất lượng cao. Khuyến khích người dân khắc phục khó khăn, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả nuôi trồng các loài thủy sản để phát triển NTTS bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, liên kết chặt chẽ trong sản xuất từ nguồn con giống, thức ăn đầu vào đến đầu ra sản phẩm. 

Song song với NTTS, Thái Đô cũng khuyến khích ngư dân cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ, ổn định 56 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có 5 đôi tàu tham gia sản xuất, bám biển dài ngày, do vậy nâng cao giá trị đánh bắt hải sản của địa phương. NTTS của xã Thái Đô tiếp tục được duy trì, giữ vững ổn định về diện tích. Năm 2023, hiệu quả kinh tế lĩnh vực NTTS mang lại đạt 179.339 triệu đồng; khai thác, đánh bắt hải sản đạt 80.850 triệu đồng. Để lĩnh vực NTTS phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới xã Thái Đô sẽ chú trọng khuyến khích người dân đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, cấp thoát nước, đáp ứng nhu cầu phát triển NTTS. Tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho con nuôi; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Đồng thời, phân công cán bộ nắm bắt tình hình sản xuất tại địa phương để tư vấn, hướng dẫn người nuôi chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh theo từng mùa, từng thời điểm. 

Mạnh Thắng