Thứ 7, 23/11/2024, 10:04[GMT+7]

Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài

Thứ 2, 22/04/2024 | 18:05:46
30,309 lượt xem
Chiều ngày 22/4, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản (Chỉ thị 32). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Video: 220424-UII_TRONG_N%C4%82M_2024.mp4?_t=1713799272

 

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị. Hội nghị được kết nối tới điểm cầu Huyện ủy Tiền Hải, Huyện ủy Thái Thụy.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, những năm qua, ngành thủy sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới. Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm. Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định Chỉ thị 32 cho thấy quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn của Việt Nam về chống khai thác IUU cũng như phát triển thủy sản bền vững. Chỉ thị ban hành trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, đặc biệt những khuyến nghị của lần thanh tra thứ tư vào tháng 10/2023 để quyết tâm sớm nhất gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đồng thời thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới. Nội dung cơ bản của Chỉ thị 32, Ban Bí thư xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là hệ thống chính quyền của 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 32, trong đó nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5 năm 2024 trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp dài hạn để phát triển bền vững ngành thủy sản. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã làm rõ những kết quả cũng như tồn tại, khó khăn trong công tác chống khai thác IUU, đồng thời thể hiện quyết tâm trong tổ chức lãnh đạo, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 32.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập của hàng triệu ngư dân, người lao động. Về chính trị, nếu còn “Thẻ vàng” ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam. Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” chỉ là bước đầu, về lâu dài, cần quan tâm cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; quan tâm tạo sinh kế phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân; có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là trách nhiệm của Đảng, toàn hệ thống chính trị, cơ quan thực thi trực tiếp đồng thời cũng là trách nhiệm của ngư dân, đội tàu. 

Lưu Ngần – Mạnh Thắng