Thứ 7, 23/11/2024, 09:45[GMT+7]

Vũ Thư: Bảo đảm an toàn sản xuất cá lồng mùa mưa bão

Thứ 2, 24/06/2024 | 18:47:16
5,097 lượt xem
Huyện Vũ Thư hiện có 107 lồng cá trên sông Hồng và sông Trà Lý. Mặc dù nuôi thả cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhưng đây cũng là khu vực sản xuất dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai. Bước vào mùa mưa bão năm nay, người nuôi thủy sản huyện Vũ Thư chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn lồng bè nuôi cá.

Người nuôi thủy sản Vũ Thư chủ động gia cố lồng bè để bảo vệ an toàn sản xuất cá lồng trong mùa mưa bão.

Với 10 lồng cá trên sông Hồng, gia đình ông Phạm Văn Thư, xã Hồng Phong đầu tư gần 1 tỷ đồng cho việc lắp đặt, gia cố hệ thống lồng bè. Mỗi năm, gia đình ông xuất ra thị trường hàng chục tấn cá lăng, trắm, chép… Tháng 10/2017, do xả lũ của thủy điện Hòa Bình kết hợp với triều cường dâng và mưa lớn, hơn 80 tấn cá lăng của gia đình ông Thư đã bị nước xô dập, chết toàn bộ, thiệt hại gần 4 tỷ đồng, khiến ông lao đao mấy năm mới khôi phục được sản xuất.

“Sức tàn phá của thiên nhiên thật khủng khiếp. Rút kinh nghiệm, hiện nay tôi bố trí thời vụ nuôi thả làm sao để trước khi mùa mưa bão đến thì cá đã đủ “biểu” xuất bán. Tôi cũng chủ động thu hoạch sớm để tránh rủi ro, thất thoát khi có mưa bão. Mặc dù theo tính toán, hiện lồng bè của gia đình có thể khả năng chống đỡ khi xảy ra bão cấp 12 nhưng tôi không chủ quan, hàng năm đều kiểm tra, đầu tư gia cố thêm hệ thống khung sắt, bê tông định vị, phao, lưới để bảo đảm lồng bè chắc chắn hơn. Năm nay, đến thời điểm hiện tại, tôi đã thu hoạch gần xong, đang cố gắng xuất bán nhanh 4 - 5 tấn cá lăng còn lại, trước khi mưa, bão, lũ đổ bộ về” - ông Thư chia sẻ.

Gia đình anh Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài hiện có 28 lồng cá, nuôi thả hơn 1 vạn con cá trê lai và cá chép giòn. Cá trê lai đã nuôi được 2 - 3 năm, hiện đạt 6 - 8 kg/con, cá chép giòn mới đạt khoảng 1kg/con. 

Anh Thủy cho biết, chi phí đầu tư nuôi cá lồng rất lớn nhưng gần đây giá cá thương phẩm trên thị trường giảm sâu, ngay cả khi “được mùa” thì nông dân vẫn bị lỗ nhẹ; còn nếu không may bị mưa, bão, lũ làm thiệt hại nữa, thì bà con sẽ “sập” hẳn, rất khó khăn để khôi phục sản xuất. 

Để bảo vệ an toàn sản xuất cá lồng và tài sản của gia đình, năm nay anh đã mua bổ sung các loại dây cáp, dây chão cường lực để chằng giữ hệ thống lồng bè, tránh trôi dạt khi có mưa lũ, nước xiết. Anh Thủy cũng thay thế một số phi nổi, bổ sung tạo ra 2- 3 lớp lưới ở các lồng nuôi, dưới đáy lồng, anh thả các bao cát nặng để cố định lưới, tránh xoắn lưới, va đập khi xảy ra mưa bão. Ngoài ra, anh Thủy cũng phân loại, thu hoạch trước số cá đã đạt trọng lượng để giảm thiểu rủi ro.

Bước vào mùa mưa bão, gia đình ông Phạm Văn Thư, xã Hồng Phong (Vũ Thư) tiến hành gia cố lại hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông.

Huyện Vũ Thư hiện có 107 lồng cá trên sông Hồng và sông Trà Lý, tập trung ở một số địa phương như Vũ Đoài, Vũ Vân, Hồng Lý, Hồng Phong, Duy Nhất… Bình quân mỗi lồng cá có diện tích khoảng 40m2, cho sản lượng khoảng 5 tấn cá/lứa, chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng/lồng/năm. Những điểm bà con đặt lồng bè nuôi cá đều đã được khảo sát khá kỹ lưỡng, là các khu vực sông có lưu tốc dòng chảy ổn định hơn, ít dòng xoáy. Tuy nhiên, thiên tai khó lường, thực tế tại địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ thiệt hại nghiêm trọng sản xuất cá lồng do ảnh hưởng của mưa, lũ; tiêu biểu là gia đình ông Phạm Đình Chiểu, xã Vũ Đoài thiệt hại gần 20 tỷ đồng do vỡ toàn bộ lồng bè, thất thoát cá trong cơn bão số 1 năm 2016.

Ông Trần Đức Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Để bảo vệ an toàn sản xuất, tài sản của các hộ dân nuôi thả cá lồng trên các tuyến sông, bước vào mùa mưa bão năm 2024, huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai. Cảnh báo, hướng dẫn các hộ kiểm tra lại vị trí đặt lồng cá, tiến hành di chuyển lồng cá vào nơi an toàn, tránh ở nơi nước lũ chảy xiết. Bà con cần rà soát kỹ lưỡng, gia cố lại trụ cột, thay thế, bổ sung dây chằng định vị, hệ thống phao nổi, lưới cũ, rách, bảo đảm chịu được áp lực, lưu tốc dòng chảy lớn khi xảy ra mưa bão, lũ. Đặc biệt, huyện vận động bà con tiến hành thu hoạch sớm các lứa cá đạt hoặc gần đạt kích cỡ tiêu chuẩn nhằm hạn chế thất thoát, giảm thiểu thiệt hại kinh tế khi xảy ra thiên tai.

Quỳnh Lưu