Chủ nhật, 17/11/2024, 08:49[GMT+7]

Nhìn lại một hành trình

Thứ 5, 30/05/2013 | 15:00:00
976 lượt xem
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa tiến hành chuyến thăm các nước Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan, Thụy Sĩ và Ðức.

Chuyến thăm Ðức của Thủ tướng Trung Quốc thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông. Ảnh TÂN HOA XÃ

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 3 vừa qua này của Thủ tướng Lý Khắc Cường nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thủ tướng Ấn Ðộ M.Xinh đánh giá cao việc người đồng cấp Lý Khắc Cường chọn Ấn Ðộ là nước đầu tiên tới thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc nhằm tăng cường sự tin cậy và hợp tác, đồng thời tạo dựng phương hướng hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước khẳng định sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược lên tầm cao mới. Nhân chuyến thăm tại Ấn Ðộ, hai nước ký tám thỏa thuận hợp tác liên quan thương mại, đầu tư và tăng cường sự tiếp xúc giữa người dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, là hai thị trường mới nổi đông dân nhất nhì thế giới, quan hệ giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc có tầm quan trọng chiến lược, việc đẩy mạnh hợp tác thiết thực giữa hai nước và thực hiện phát triển chung sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ tăng trưởng mạnh thời gian qua, với kim ngạch thương mại song phương năm 2012 đạt 66,5 tỷ USD và dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2015. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Ðộ, trong khi Ấn Ðộ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Nam Á.

Thăm Pa-ki-xtan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu đề xuất năm điểm nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện song phương. Lãnh đạo hai nước cũng đạt được nhận thức chung nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược song phương. Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Pa-ki-xtan đã lần đầu chạm ngưỡng 12 tỷ USD hồi năm ngoái, tăng 18% so năm 2011. Hai bên cam kết nỗ lực nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD trong vòng hai hoặc ba năm tới. Ước tính, hiện có khoảng mười nghìn người Trung Quốc và hơn 120 công ty nước này làm ăn tại Pa-ki-xtan, phần đông hoạt động trong các dự án hạ tầng và năng lượng.

Tại Thụy Sĩ, nội dung thảo luận chính của Thủ tướng Lý Khắc Cường và lãnh đạo nước chủ nhà là thúc đẩy ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương sau ba năm thương lượng. Thủ tướng Trung Quốc nêu rõ, việc ông chọn Thụy Sĩ là nước châu Âu đầu tiên tới thăm thể hiện mong muốn hai nước sẽ tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao, đạt những bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác cùng có lợi, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, phát triển quan hệ hai nước theo hướng ổn định và lâu dài. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thụy Sĩ, sau Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 26,3 tỷ USD. 

Trong chặng dừng chân cuối cùng tới Ðức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp nước chủ nhà A.Méc-ken đã vạch lộ trình hợp tác trong tương lai và nhất trí làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Ðức đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - Ðức đạt hơn 161 tỷ USD trong năm 2012, chiếm gần một phần ba trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và EU. Nhân chuyến thăm này, hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực đầu tư, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và giáo dục... Về quan hệ với EU, lãnh đạo hai nước nhất trí sử dụng đối thoại và tham vấn để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trên tinh thần hợp tác, nỗ lực nâng cao kim ngạch thương mại và tránh xung đột nhằm mang lại kết quả hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Cuộc hành trình tới hai nước láng giềng Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan và hai nước châu Âu "tuy xa mà gần" Thụy Sĩ và Ðức cho thấy, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ của Trung Quốc với mỗi nước, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên hợp tác về kinh tế. Ðặt trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới hiện nay, có thể thấy Bắc Kinh tiếp tục thực hiện cách tiếp cận mới trong nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng của mình trên quy mô toàn cầu.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa