Thứ 7, 23/11/2024, 10:32[GMT+7]

Sông ở Bắc Cực đổi màu lạ vì băng vĩnh cửu tan chảy

Thứ 2, 27/05/2024 | 15:29:10
2,930 lượt xem
Những dòng sông ở Alaska bắt đầu chuyển sang màu rỉ sét và gây nguy hiểm cho các loài động vật hoang dã trong khu vực.

Những dòng suối màu cam ở dãy Brooks phía bắc Alaska.

Một nghiên cứu cho thấy hàng chục con sông và suối ở Alaska đang chuyển sang màu cam rỉ sét vì hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Bắc Cực là khu vực có tốc độ nóng lên nhanh nhất thế giới. Quá trình tăng lên của nhiệt độ đã làm các lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất tan chảy. Từ đó, các khoáng chất bị vùi trong lớp băng được giải phóng và thấm vào các con sông làm chúng chuyển sang màu rỉ sét.

“Hiện tượng này đã cho thấy hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu”, Brett Poulin, phó giáo sư môi trường tại Đại học California Davis, nhận xét.

Theo ông, các lớp băng vĩnh cửu tan chảy đã tạo điều kiện cho các khoáng chất, vốn bị khóa chặt trong băng, tiếp xúc với oxy (quá trình này còn gọi là phong hóa). Hiện tượng phong hóa làm tăng độ axit của nước và hòa tan các kim loại như kẽm, đồng, sắt - nguyên nhân chính khiến các dòng sông chuyển sang màu cam. Không chỉ ảnh hưởng đến màu sắc của dòng sông, hiện tượng phong hóa còn làm suy thoái nguồn nước và đa dạng sinh học ở Bắc Cực.

“Khi tiếp xúc với những dòng nước khác, những dòng sông ‘cam’ sẽ làm nước bị ô nhiễm và gây nguy hiểm cho các loài thủy sinh trong khu vực”, phó giáo sư Poulin chia sẻ.

Hiện tượng nước sông chuyển màu cam xuất hiện lần đầu vào năm 2018 ở phía Bắc Alaska. Trước đó, những con sông này vốn nổi tiếng với những làn nước trong đến mức thấy cả lòng sông. Hiện tượng “sông cam” vào năm 2018 đã làm hai loài cá địa phương là cá hồi Dolly Varden và cá da trơn Sculpin tuyệt chủng.

“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy những loài động vật không xương sống và quần thể sinh vật dưới đáy sông sẽ giảm đáng kể khi nước sông chuyển màu cam”, Poulin nhấn mạnh. “Nói chung, hiện tượng này có thể làm thay đổi cả một hệ sinh thái của khu vực”.

Hiện tượng sông rỉ sét, trong những năm gần đây, thường xảy ra vào tháng 7 và 8, khi những lớp băng ngầm bắt đầu tan chảy. Để hiểu rõ hậu quả lâu dài của hiện tượng này, các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Sinh thái Mỹ, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và Đại học Carlifornia đã khảo sát thành phần hóa học của những dòng sông chuyển màu thuộc khu vực Bắc cực.

“Đây là khu vực nóng lên nhanh nhất hành tinh với tốc độ cao gấp ba lần so với những nơi khác”, Scott Zolkos, nhà nghiên cứu về Bắc cực tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, nhấn mạnh. “Vì vậy hiện tượng sông cam sẽ còn xảy ra trong tương lai”.

Các chuyên gia đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các bộ lạc sinh sống ở Alaska để đảm bảo người dân địa phương nhận được thông tin chính xác và nhanh chóng về hiện tượng này.

Theo znews.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày