Thứ 4, 30/04/2025, 10:14[GMT+7]

Cây đinh lăng có giá trị chữa bệnh như thế nào?

Thứ 2, 18/10/2021 | 10:16:28
4,198 lượt xem
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông ví cây đinh lăng quý như nhân sâm. Bởi lẽ đinh lăng là một dược liệu quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, trí lực và chữa được nhiều bệnh.

Theo đông y, đinh lăng được xếp vào nhóm thuốc đại bổ nguyên khí. Công dụng chủ yếu của đinh lăng là: Bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe và tăng cường trí não; giải độc, kháng dị ứng; chữa ho ra máu, kiết lỵ ra máu; chữa tắc sữa và làm thông sữa; chữa mụn nhọt sưng tấy; chữa đau xương và phong tê thấp; an thần cả cho người lớn và trẻ em.

Đinh lăng sử dụng được cả lá, thân cây và rễ củ. Có thể dùng tươi, phơi khô, hoặc rễ củ ngâm rượu hoặc nấu thành cao. Thu hái về rửa sạch tách riêng từng bộ phân lá, thân và rễ củ rồi thái phơi khô sao lên để dùng dần.

CÁCH DÙNG ĐINH LĂNG

1. Bồi bổ sức khỏe khi mệt mỏi hoặc sau ốm dậy.
Cách thực hiện: Lấy 10g rễ đinh lăng đã sao khô thêm vào 3 lát cam thảo, cho 200ml nước đun sôi 15 phút, gạn lấy nước uống từng ngụm trong ngày, dùng liên tục từ 5 - 7 ngày sẽ cải thiện sức khỏe.

2. Giúp cho sản phụ sau khi sinh, kích thích cơ thể tăng cường hấp thụ dưỡng chất và lưu thông khí huyết, chống dị ứng.
Cách thực hiện: Lấy 150 - 200g lá đinh lăng tươi, rửa sạch, hãm với 200ml nước sôi, đậy kín nắp, sau 5 - 7 phút thì mở ra, đảo qua đảo lại vài lần rồi chắt ra ly uống nước đầu tiên.
Tiếp tục cho thêm 200ml nước vào, đun sôi, để lấy nước thứ hai. Uống đều đặn mỗi ngày cho đến khi hết sản dịch.

3. Chữa tắc tia sữa, căng vú sữa cho mẹ sau sinh.
Cách thực hiện: Lấy 100g lá đinh lăng tươi rửa sạch băm nhỏ với 1 cái bong bóng lợn, nấu nhừ với gạo nếp thành cháo ăn trong ngày.

4. Chữa cơ khớp sưng đau và vết thương do té ngã.
Chuẩn bị: Lá đinh lăng tươi 40g.
Cách thực hiện: Đem rửa sạch, giã nhuyễn và đắp vào vùng đau nhức. Thay 1 - 2 lần/ngày cho đến khi hết sưng đau.

5. Trị đau lưng mỏi gối và đau nhức cơ thể do phong tê thấp.
Chuẩn bị: Thân cành đinh lăng 20 - 30g.
Cách thực hiện: Sắc lấy nước uống, chia nước sắc thành 3 lần và dùng hết trong ngày. Trong trường hợp đau nhiều, có thể gia thêm một ít cam thảo, cúc tần và rễ cây xấu hổ.

6. Chữa mẩn ngứa do dị ứng.
Với người có cơ địa dị ứng hoặc có dấu hiệu dị ứng có thể dùng nước lá đinh lăng để ngăn ngừa tình trạng này. Bởi lẽ công dụng của lá đinh lăng có tác dụng chống dị ứng và giải độc thức ăn.
Cách thực hiện: Lá cây đinh lăng 80g/ngày, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 2 - 3 tháng liền.

7. Lá đinh lăng chữa mất ngủ, giúp an thần, giảm đau hoặc trẻ em ngủ hay giật mình và ra mồ hôi trộm.
Dùng gối lá: Lấy lá đinh lăng và lá dâu tằm lượng bằng nhau, rửa sạch phơi khô sao qua lửa (lưu ý phơi và sao cho lá còn dẻo) rồi cho vào vỏ gối để gối đầu. Thỉnh thoảng đem phơi sao lại, nếu lá nát vụn nhiều thì thay bằng đợt lá mới.

8. Ngâm rượu đinh lăng.
- Nếu là củ đinh lăng tươi thì rửa thật sạch rồi tráng qua rượu một lượt, sau đó xếp củ đinh lăng vào vò rồi đổ rượu ngập củ. Cứ 1kg củ đinh lăng tươi ngâm với 5 lít rượu gạo 35 độ cồn, bịt thật kín miệng hũ, ngâm từ 3 - 6 tháng đem ra dùng.
- Nếu là củ đinh lăng thái phơi khô thì đem sao hơi vàng rồi cho vào ngâm rượu. Cứ 1kg củ đinh lăng khô đã sao vàng ngâm với 10 lít rượu gạo 30 độ cồn, bịt thật kín miệng hũ, ngâm từ 3 - 6 tháng đem ra dùng.
Lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng:
- Theo các chuyên gia thì mặc dù nước lá cây đinh lăng rất tốt cho sức khỏe nhưng trong cây đinh lăng có chứa nhiều Saponin, dùng quá liều sẽ gây ra các triệu chứng như say làm cho hoa mắt, chóng mặt khó chịu.
Chỉ nên sử dụng nước đinh lăng với liều lượng cho phép như hướng dẫn.
- Với trẻ em, chỉ có thể sử dụng lá cây đinh lăng ngoài da, phơi khô để dưới gối cho trẻ và nhất định không cho trẻ uống loại nước lá này.
- Không dùng nước lá cây đinh lăng cho phụ nữ mang thai. Dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy phụ nữ mang thai không được uống nhưng để bảo đảm an toàn thì tốt nhất không nên sử dụng tùy tiện.
- Đinh lăng có chất Saponin giống như nhân sâm, gây hưng phấn, tỉnh táo, vì vậy không nên dùng nước đinh lăng hoặc uống nhiều rượu đinh lăng vào buổi tối làm khó ngủ.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày