Thứ 7, 03/05/2025, 11:27[GMT+7]

Cùng tìm hiểu bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Thứ 2, 08/11/2021 | 09:15:04
2,530 lượt xem

1. Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản, gây tổn thương thực quản, thanh quản, miệng...
Bình thường, mỗi khi chúng ta ăn uống, thức ăn đưa từ miệng xuống thực quản, cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn xuống dưới dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch dạ dày trào ngược trở lại thực quản.

2. Trào ngược dạ dày có dấu hiệu như thế nào?
- Thấy ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, có cảm giác nóng rát từ dạ dày, dưới xương ức lan lên cổ.
Các triệu chứng trên thường xuất hiện khi ăn no, khi đầy bụng khó tiêu, khi nằm ngủ, nhất là vào ban đêm.
- Có cảm giác buồn nôn.
- Đau tức ngực vùng thượng vị
Bạn có thể có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra sau lưng và cánh tay (nguyên nhân do axit trào ngược lên, kích thích vào các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản gây dấu hiệu đau như đau ngực).
Triệu chứng đau này dễ nhầm lẫn với các bệnh tim mạch và bệnh phổi cũng có cùng triệu chứng.
- Khó nuốt, do thực quản bị phù nề bởi dịch axit trào ngược lên.
- Khản giọng do dây thanh phù nề, làm khàn giọng và ho do dịch viêm chảy xuống thanh quản, phế quản.
- Miệng tiết ra nhiều nước bọt.
- Ngoài các dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến trên, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như khó tiêu, đầy bụng, hen suyễn, viêm phổi...

3. Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày?
Do sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới và sự dư đầy dịch axit, thức ăn và hơi bên trong dạ dày.
Những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới:
- Tác dụng phụ của thuốc tây: Một số người có bệnh mãn tính phải dùng thuốc tây lâu ngày như thuốc kháng viêm ibuprofen, thuốc chống hạ đường huyết glucagon, thuốc aspirin và các loại thuốc huyết áp... là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày.
- Người dùng các chất kích thích lâu dài như: cafein, rượu, thuốc lá,... cũng tác động ảnh hưởng trào ngược dạ dày
- Các bệnh lý: Tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, bệnh lý nhiễm trùng ở thực quản gây xơ, yếu cơ vòng thực quản hoặc các bệnh lý di truyền, thoát vị hoành...
- Bệnh lý tại dạ dày như viêm loét dạ dày, trợt niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày hay hẹp hang vị, môn vị dạ dày...
- Thói quen ăn uống: Ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, uống nước có gas, đồ ăn nhanh, trứng, sữa,...
- Thừa cân béo phì, phụ nữ mang thai gây tăng áp lực lên vùng bụng, stress...cũng là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.

4. Tác hại của bệnh trào ngược dạ dày
- Loét thực quản: Các vết loét có thể chảy máu, gây đau đớn và khó nuốt.
- Hẹp và sẹo thực quản: Khi tổn thương ở thực quản liền lại có thể để lại sẹo gây hẹp thực quản làm tắc nghẽn.
- Thực quản Barrett: Là tình trạng mô vảy ở đoạn dưới thực quản bị biến đổi dị sản. Các tế bào đã bị biến đổi này có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành tế bào ung thư.
Do đó, những người bị thực quản Barrett nên đi nội soi dạ dày định kỳ để theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sớm về ung thư.
- Ung thư thực quản cũng là một trong những hậu quả của trào ngược.
- Các ảnh hưởng khác như: Viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa tái diễn nhiều lần, tăng nặng bệnh hen suyễn, ăn mòn răng, axit trào vào phổi có thể gây xơ phổi...

5. Làm thế nào
phát hiện sớm trào ngược dạ dày?
Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản như mô tả và đã nêu ở trên, bạn hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời theo chỉ định.

6. Phương pháp phòng, điều trị
trào ngược dạ dày thực quản
Ngoài những đợt cấp tính, được khám và điều trị theo chỉ định, bệnh nhân cần quan tâm các phương pháp sau:
* Phương pháp không dùng thuốc: Duy trì một chế độ ăn phù hợp và khoa học, sẽ làm giảm đáng kể tần suất trào ngược dạ dày thực quản:
- Ăn thành từng bữa nhỏ và ăn nhiều lần.
- Lựa chọn các thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit như: bánh mì, bột yến mạch hay đạm dễ tiêu như cá...
- Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit, tăng kích thích cơ thắt dưới thực quản như: hoa quả chua có hàm lượng axit cao (chanh, cam, xoài, dứa...) hạn chế ăn các sản phẩm từ sữa dễ đầy hơi...
- Giảm sử dụng các thực phẩm giàu chất béo khó tiêu; thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh...
- Không hút thuốc, uống rượu bia, đồ uống có gas, không sử dụng các chất kích thích...
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Không nằm hoặc lao động ngay sau khi ăn.
* Về đông y:
- Giữ gìn ăn uống cân bằng âm dương, hàn nhiệt như nêu ở trên là rất quan trọng.
- Tập yoga hoặc thiền định để thư giãn giảm stress giúp làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày.
- Day bấm các huyệt: Huyệt thiên đột (ở chính giữa chỗ lõm sâu hõm ức); huyệt đản trung (ở chính giữa đường nối hai núm vú); huyệt trung quản (ở điểm cắt đường thẳng giữa bụng với  đoạn nối hai bờ sườn dưới); huyệt hợp cốc (ở phần hõm giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ).
Day chìm, chậm sâu từ 3 - 5 phút, day hàng ngày hoặc day lúc ợ, buồn nôn.
- Dùng chè dây thay cho nước uống hàng ngày rất tốt. Chè dây có tác dụng kháng khuẩn HP, chống đầy hơi, bình vị.


Bắc sĩ Bùi Vũ Phúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày