Thứ 7, 23/11/2024, 20:07[GMT+7]

Những điều bí mật về tỏi

Thứ 2, 29/11/2021 | 09:43:03
3,836 lượt xem
Nói đến tỏi hầu như ai cũng biết và đã từng ăn tỏi bởi tỏi là một gia vị thường thức trong gian bếp của mỗi gia đình. Đã có nhiều sách, nhiều kênh thông tin nói về tác dụng chữa bệnh của tỏi, tuy nhiên, nếu các bạn chỉ tìm hiểu thoáng qua thì chưa đủ. Bài viết này xin được chia sẻ những điều bí mật về tỏi.

I/ TỎI CHỮA ĐƯỢC NHỮNG BỆNH GÌ?

1) Tỏi có tác dụng phòng và chữa trị cảm cúm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay chúng ta cần nhớ đến tỏi sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

- Điều này đã được khoa học đông tây y khẳng định, bởi vì tỏi có chứa hợp chất sulfur - đây là hợp chất có giá trị đặc biệt trong việc kháng khuẩn, kháng virus và tiêu viêm.

- Thường xuyên ăn 1 - 2 nhánh tỏi mỗi bữa sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa rất tốt cảm cúm và những loại bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.

- Ăn tỏi sống mỗi ngày giúp người bệnh rút ngắn thời gian cảm cúm và hồi phục sức khỏe nhanh hơn.

- Xông tỏi trị cảm cúm (kể cả trong lúc dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay).

Đập nát 1 - 2 củ tỏi, cho vào bát tô to đổ 1 lít nước sôi rồi lấy khăn trùm kín đầu mà xông vào mặt, mũi trong khoảng 15 phút.

Xông xong lấy nước xông tỏi đó nhỏ nhiều vào 2 lỗ mũi, súc miệng họng nhiều lần và rửa mặt bằng chính bát nước xông tỏi.

2) Tỏi giúp giảm nguy cơ ung thư và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

- Những nghiên cứu gần đây đều cho rằng, tỏi có tác dụng rất đáng kể trong việc phòng ngừa ung thư và làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng, tuyến giáp, thực quản, dạ dày, ruột, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, ung thư gan…

- Có nhiều sản phẩm tỏi như: tỏi sống, tỏi đen, rượu tỏi, dấm tỏi...

Tốt nhất, tiện dùng và hiệu quả nhất là mỗi bữa ăn 1 - 2 nhánh tỏi.

3) Tỏi rất tốt cho xương khớp.

- Những người thường xuyên ăn tỏi sẽ có khả năng hấp thụ canxi tốt hơn và từ đó xương cũng chắc khỏe hơn.

- Phụ nữ ăn tỏi sẽ giúp tăng cường nội tiết tố estrogen và làm chậm quá trình loãng xương.

- Những người mắc bệnh về xương khớp, ăn tỏi sẽ thấy những triệu chứng đau nhức xương giảm rõ rệt.

- Hàng ngày mỗi bữa chỉ nên ăn 1 - 2 nhánh tỏi.

4) Tỏi phòng bệnh tim mạch, bệnh huyết áp.

- Tỏi có công dụng hạ mỡ máu xấu (LDL-c) và đồng thời tăng lượng mỡ máu tốt (HDL-c), giúp cơ thể loại bỏ dần các mảng xơ vữa trên thành mạch máu.

- Tỏi có tác dụng giảm mỡ máu, ức chế tích tụ tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành huyết khối. Chính vì thế tỏi có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.

- Tỏi giúp cơ thể kiểm soát huyết áp bằng cách làm giảm độ nhớt của máu, trong khi đó chất polysulfides và những phân tử lưu huỳnh có trong tỏi có thể làm giãn cơ trơn, đồng thời kích thích sản xuất các tế bào nội mạc, giãn mạch máu và giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.

5) Tỏi tác dụng cường dương.

Đối với nam giới, tỏi có thể làm tăng khả năng tình dục. Cụ thể là ở nam giới khi cương cứng cần đến loại enzymes có tên gọi là nitric oxide synthase và các hợp chất trong tỏi có thể giúp sản sinh ra loại enzymes này.

6) Tỏi tốt cho thai phụ.

Phụ nữ mang thai ăn tỏi cũng giúp giảm nguy cơ tiền sản giật trong quá trình mang thai và sinh đẻ.

7) Tỏi có tác dụng lọc độc tố trong máu.

Cụ thể, tỏi có chứa chất allicin có khả năng loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể và allicin cũng có tác dụng loại bỏ nicotine, giúp thanh lọc máu và làm sạch hệ hô hấp rất hiệu quả.

8) Tỏi ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

Tỏi giúp chống lại quá trình lão hóa, giảm cholesterol vì thế rất hiệu quả trong việc phòng ngừa những bệnh về thần kinh liên quan đến tuổi tác, đặc biệt là bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer.

9) Tỏi làm đẹp da.

Trong tỏi có những hợp chất hữu cơ allicin giúp tiêu diệt vi khuẩn rất tốt, đồng thời cản trở hoạt động của gốc tự do, ngăn ngừa mụn trứng cá và phòng ngừa các bệnh ngoài da hiệu quả.

Ảnh minh họa.

II/ HƯỚNG DẪN CHẾ CỐT TỎI

1) Dùng tỏi sống thì bắt buộc phải đập nát hoặc giã nhuyễn và để sau khoảng 10 phút trở ra hãy ăn thì mới có tác dụng phòng, chữa bệnh.

Vì trong củ tỏi sống có chứa chất allicin, tỏi phải được nghiền nát và để khoảng 10 phút sau đó, chất allicin mới được kích hoạt (enzym alinase) để chuyển hóa thành allicin thì lúc đó ăn vào mới có tác dụng phòng và chữa bệnh.
Điều này chính là do allicin là chất rất tốt cho sức khỏe lại không hiện diện trong tỏi tươi mà chỉ được tạo thành khi tỏi được xắt lát hoặc đập dập (do enzyme alliinase sẽ hoạt động trên alliin và chuyển chất này thành allicin).

2) Tỏi có thể được chế biến thành tỏi đen hoặc tỏi ngâm rượu, ngâm mật ong, ngâm dấm... nhưng tốt nhất vẫn là dùng tỏi sống. Mỗi bữa ăn hàng ngày nên dùng 1 - 2 nhánh tỏi là vừa.

3) Cách chế cốt tỏi:

Tỏi bóc vỏ đập nhuyễn, băm nhỏ và gia các thành phần khác tùy khẩu vị. Thêm chút đường, gia chút bột ngọt, vắt chút chanh, nêm chút nước mắm, bơm chút tương ớt, chút sốt mayonnaise.
Lấy thìa đánh đều tạo thành chất cốt tỏi nhuyễn sền sệt, để sau 10 phút thì dùng được.
Chấm với hầu hết các loại thịt như lợn, trâu, bò, ngan, vịt, dê (trừ thịt gà), chấm với tôm, cá, cua, ốc, ếch, mực nướng... đều hợp vị và ngon tuyệt.

III/ BÍ QUYẾT KHỬ MÙI SAU KHI ĂN TỎI

Ăn tỏi để phòng và chữa bệnh thì ai cũng muốn nhưng nhiều người ngại ăn tỏi vì sau khi ăn tỏi có mùi khó chịu, vậy chúng ta chỉ cần làm như sau:

1) Súc miệng và uống 1 ngụm nước có pha dầu phật linh là hết sạch mùi tỏi, miệng thơm như thường.
Pha 1/2 lọ dầu phật linh với 1/2 lít nước sôi nguội mà dùng hàng ngày, nhớ mỗi lần dùng phải lắc mạnh cho dầu tan đều trong nước rồi hãy dùng.

2) Có thể uống trà, hoặc cà phê đen, hoặc uống sữa bò nhưng không sạch mùi tỏi bằng súc miệng và uống 1 ngụm nước pha dầu Phật Linh.

3) Có thể nhai kẹo cao su hoặc nhai 1 - 2 lá chanh hoặc vài ngọn húng quế nhưng cũng chỉ đỡ mùi tỏi hơn.

IV/ NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý KHI ĂN TỎI

1) Ăn quá nhiều tỏi gây nóng nhiệt ở miệng, thực quản, dạ dày, ruột... có thể gây kích ứng dạ dày gây đau bụng, đặc biệt là ở người có tiền sử viêm loét dạ dày và bệnh viêm đại tràng.

2) Tỏi là một loại gia vị có tính nóng và nhiệt, vì vậy trong khi nấu ăn cần hạn chế liều lượng tỏi khi phối hợp với các gia vị khác cũng có tính nóng nhiệt như hạt tiêu, riềng, sả, gừng... ăn nhiều không có lợi cho sức khỏe.

3) Theo kinh nghiệm cho thấy có một số loại thực phẩm không nên nấu cùng với tỏi sẽ có hại như:

- Thịt gà không nấu với tỏi vì có tính nóng nhiệt gây táo bón, tất nhiên nấu thịt gà không mấy ai tra tỏi, tuy nhiên trong bữa ăn nếu ta ăn thịt gà mà lại ăn nhiều tỏi thì không có lợi.

- Cá trắm không nấu với tỏi, ăn nhiều dễ gây chướng bụng khó tiêu.

- Cá diếc không nấu với tỏi vì ăn nhiều sẽ làm co thắt đường tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn.

- Trứng không nấu với tỏi vì ăn nhiều gây đầy trướng bụng khó tiêu.

4) Để bảo vệ dạ dày và đại tràng sau khi ăn tỏi sống, bạn chỉ cần uống nước chè dây hàng ngày là ổn, nhất là uống ngay sau bữa ăn.

5) Nếu có bữa nào đó bạn trót ăn quá nhiều tỏi thì nên uống một vài cốc bột sắn dây trong ngày sẽ khắc phục tốt tình trạng khó chịu.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày