“Nam dược trị Nam nhân” - quan điểm lớn của đại danh y Tuệ Tĩnh có giá trị thiết thực cho sức khỏe dân Việt
“Nam dược trị Nam nhân” có nghĩa là: Dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam. Đây là quan điểm cốt lõi có giá trị đặc biệt quan trọng trong ứng dụng chữa bệnh, được lưu truyền trong y văn mà đại danh y Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế cách đây 700 năm.
VỀ QUAN ĐIỂM “NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN” CỦA TUỆ TĨNH
Gốc gác của đông y là do người tàu, dùng sách tàu và thuốc tàu đem sang chữa bệnh cho người Việt. Bản chất là gia truyền, bí truyền, không để lọt kiến thức, không tiết lộ cho người ngoài biết về kinh nghiệm bào chế thuốc, phương chữa và bài thuốc chữa bệnh. Ngày xưa khi lâm bệnh nếu không mời được thầy tàu, không có tiền mua thuốc bắc là bệnh nhân chỉ còn nước bó tay mà chịu chết.
Đối với Tuệ Tĩnh, không chỉ học y, không chỉ chữa bệnh cứu người mà ông có một quan điểm rất tiến bộ, giàu lòng nhân ái, giàu tính nhân văn, đó là:
Dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam, đối với Tuệ Tĩnh sách tàu thì ông học nhưng ông thoát ly khỏi thầy tàu, thuốc tàu, bí quyết của người tàu. Vì ông nhận thấy những vị thuốc phải mua từ Trung Quốc thì ở Việt Nam cũng có rất nhiều cây thuốc thảo dược, nhiều loại động vật, khoáng vật cung cấp vị thuốc không kém gì giá trị chữa bệnh so với thuốc đem sang từ Trung Quốc.
Viết sách để lưu truyền và hướng dẫn sử dụng những bài thuốc nam đến với nhân dân là một chủ trương của Tuệ Tĩnh.
Ông dạy nhân dân cách trồng thuốc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Đây là tư tưởng cực kỳ tiến bộ, sử dụng thảo dược thiên nhiên, phát huy thế mạnh của toàn dân để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Ông phân tích về dược lý, hướng dẫn điều trị từ 630 vị thuốc để chữa các bệnh thường gặp.
Ông cũng phân tích: Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thường xuyên, chính vì thế mà người dân thường mắc các bệnh thiên về nhiệt (nóng), phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm) hoặc khí hư yếu nên cần tìm những cây thuốc, bài thuốc đông y, điều trị tả hỏa, hóa đàm, trừ phong thấp, thanh nhiệt giải độc...
Ông là lương y nổi tiếng thương người bệnh, y đức sáng ngời, do vậy ông luôn cố gắng tìm cách chữa bệnh cho nhiều người, ông dày công kiếm tìm những cây thuốc, vị thuốc để đưa vào chữa bệnh.
Ông còn kết hợp sử dụng và hướng dẫn các phương pháp như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, xông hơi, ngâm chân... giúp người dân tự chữa bệnh mà không tốn kém.
KHO BÁU KIẾN THỨC CỦA ĐẠI DANH Y TUỆ TĨNH ĐỂ LẠI
- Nổi tiếng nhất là bộ sách “Nam dược thần hiệu” với 10 chương chính, bộ sách - Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển), bản thảo 500 vị thuốc nam.
- Bài Phú thuốc nam 630 vị thuốc.
- Một số bộ sách khác như “Dược tính chỉ nam” và “Thập tam phương gia giảm”... tuy nhiên bộ sách này không còn nguyên vẹn do giặc ngoại xâm sang chiếm nước ta phá hủy.
- Đặc biệt, đại danh y Tuệ Tĩnh còn tự mình truyền bá những phương pháp điều trị bệnh trong các thôn xóm và nhà chùa. Ông đã xây dựng được 24 ngôi chùa và cơ sở chữa bệnh, tổng hợp được 182 các bệnh với 3.873 bài thuốc.
- Ông để lại hai câu thơ nổi tiếng như một lời tuyên ngôn về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần - Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
TIẾP TỤC PHÁT HUY “NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN” CỦA ĐẠI DANH Y TUỆ TĨNH
1. Với nhiều bệnh có thể tự chữa (Thầy tại nhà, thuốc tại vườn).
Thực tế cho thấy có rất nhiều loại cây thuốc, vị thuốc ta có thể tự trồng và thu hái được, tự bào chế được dùng để chữa bệnh ngay tại nhà.
Điều này đã được Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” giúp chúng ta biết được tính dược, tác dụng và liều dùng của rất nhiều cây thuốc, vị thuốc ứng dụng vào chữa bệnh.
2. Những kiến thức kinh nghiệm y học thường thức về sử dụng cây thuốc, vị thuốc, xoa bóp bấm huyệt, tập thiền, tập yoga, tập dưỡng sinh... đều là phương thuốc chữa bệnh hữu hiệu nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe.
Mỗi chúng ta nên tiếp cận, ứng dụng, chia sẻ cho nhiều người cùng biết cùng thực hiện theo đúng quan điểm và phương châm của Tuệ Tĩnh.
3. Mỗi gia đình nên trồng một số cây thuốc nam, nhớ kỹ tác dụng của chúng, khi cần có thể dùng ngay cho chính bản thân mình và gia đình.
Ví dụ một bài thuốc thanh nhiệt giải độc rất đơn giản hiệu quả: Trẻ em, kể cả người lớn vào mùa hè hay bị mụn rôm, mụn nhọt, nóng, ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu, thì ngay vào đầu mùa hè dùng bài thuốc nam:
Lá bồ công anh sao vàng (1 nắm);
Đỗ đen xanh lòng sao vàng (1 nắm);
Dây kim ngân sao vàng (1 nắm);
Cam thảo nam (1 nhúm) nếu không có cam thảo nam thì cho vài lát cam thảo khô.
Tất cả cho vào ấm tráng một lượt nước sạch rồi đổ 2,5 lít nước, đun sôi cho cạn, còn khoảng 2 lít, để nguội uống thay nước trong ngày, cuối ngày nếu còn cũng đổ đi, hôm sau đun ấm khác, uống liên tục ngay đầu mùa hè sẽ hết rôm nhọt, hết nóng ngứa.
Bác sĩ Bùi Vũ Khúc
Tin cùng chuyên mục
- Sau khi lũ rút, làm gì để bảo vệ sức khoẻ? 12.09.2024 | 19:46 PM
- Vị thuốc quý từ cây hà thủ ô 14.06.2024 | 10:17 AM
- Vị thuốc quý từ cây hà thu ô 10.06.2024 | 08:25 AM
- “Thuốc” gì chữa bệnh tham - sân - si? (Kỳ 1) 12.01.2024 | 16:38 PM
- Hội thi chung kết tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trường học tỉnh năm 2023 12.11.2023 | 21:13 PM
- Câu chuyện về “kẻ cắp” ánh sáng thầm lặng 18.03.2023 | 10:53 AM
- Rươi và những điều nên biết 29.11.2022 | 14:29 PM
- Dược phẩm Tâm Bình gặp mặt, tri ân nhà thuốc tỉnh Thái Bình 15.11.2022 | 20:11 PM
- Những điều cần biết về Quân - Thần - Tá - Sư 18.04.2022 | 09:00 AM
- Hậu Covid-19 có gây vô sinh? Di chứng hậu Covid-19 hay gặp và cách khắc phục 04.04.2022 | 08:09 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh