Chủ nhật, 24/11/2024, 08:35[GMT+7]

Những điều cần biết về đau đầu

Thứ 2, 24/10/2022 | 07:54:47
3,688 lượt xem
Đau đầu là triệu chứng bệnh rất thường gặp trong đời sống hàng ngày, biểu hiện bằng những cơn đau nhức ở phần đầu do nhiều căn bệnh khác nhau gây ra. Những cơn đau đầu bất thường có thể là dấu hiệu của một rối loạn nào đó trong cơ thể.

Ảnh minh họa.

Chỉ với hai từ đau đầu thôi mà có tới hàng vài chục nguyên nhân khác nhau, để tìm được căn nguyên của đau đầu cũng không hề đơn giản. Quả là đau đầu thật.

1. Cơ chế gây ra cơn đau đầu
Tất cả các cấu trúc hình thành nên cảm giác của hệ thần kinh trong hoặc ngoài sọ đều là tác nhân sinh ra cơn đau đầu khi bị kích thích. Nguyên nhân dẫn đến kích thích có thể là do quá trình viêm nhiễm, sự xâm lấn của khối u, tình trạng thiếu máu, các bệnh lý gây ra sự xoắn vặn, giãn, căng, phình hoặc phù nề quanh các mạch máu não.

2. Nguyên nhân đau đầu
Theo Hiệp hội đau đầu thế giới (HIS), có tới 70 nhóm nguyên nhân dẫn tới đau đầu, tuy nhiên người ta cũng chỉ chia đau đầu ra các nhóm cơ bản như sau:

Nhóm 1 là đau đầu do các nguyên nhân tại não: Ví dụ như đau đầu do u não, do tai biến mạch não, chấn thương sọ não, dị dạng, phình mạch máu não...

Nhóm 2 là đau đầu do bệnh lý của các cơ quan khác trong cơ thể như: Sốt, mất nước, tăng men gan, suy thận, suy kiệt, nhiễm độc, viêm mũi viêm xoang, các bệnh mạn tính kiểm soát không tốt...

Nhóm 3 là đau đầu do căn nguyên tâm thần như: Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, stress, rối loạn lo âu...

Nhóm 4 là đau đầu do thay đổi nếp sống hàng ngày như: Không được ngủ trưa, nằm ngủ tư thế không phù hợp, do nghén, do tiếng ồn nhiều, do thời tiết thay đổi...

3. Một số căn nguyên cụ thể gây đau đầu
3.1. Đau đầu do bệnh đau nửa đầu Migraine
Bệnh đau nửa đầu là một trong những bệnh lý hay gặp nhất. Đây là trường hợp đặc biệt thuộc nhóm bệnh đau nhức đầu mạn tính có nguồn gốc từ rối loạn nguyên phát ở não bộ. Bệnh này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng (ngoại trừ các thể đặc biệt).
Thống kê của Mỹ cho rằng, có gần 20% nữ giới dưới 45 tuổi bắt đầu biểu hiện cơn đau nửa đầu Migraine.

3.2. Đau đầu do chèn ép từ các khối u não
Nguyên nhân do các khối u não chèn ép thường hiếm gặp hơn. Tuy nhiên, hơn một nửa số người có khối u trong não sẽ có dấu hiệu bị đau đầu. Đau đầu do khối u não gây chèn ép thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng sớm, tiến triển nặng dần từ từ. Vào giai đoạn muộn, bệnh nhân thường sẽ kèm theo nôn ói, ù một bên tai, suy giảm thị lực và phù gai thị, nói khó hoặc có biểu hiện lú lẫn, co giật, dáng đi đứng chệnh choạng mất kiểm soát, yếu một bên cơ thể...

3.3. Đau đầu do bị chấn thương hay tai nạn
Đau đầu sau tai nạn có thể gặp ngay sau khi bị tai nạn do vỡ hộp sọ, chảy máu trong não, chấn động não... Nhưng một số trường hợp đau đầu xuất hiện muộn từ 1 tháng đến 6 tháng sau tai nạn do tụ máu ngoài màng cứng và dưới màng cứng. Đây là một tình trạng chảy máu ngoài não. Khối máu tụ tăng kích thước từ từ và ép dần vào não. Khi đó, bệnh nhân thường có biểu hiện đau ở vùng đầu, mức độ tăng dần, thường đau đầu một bên, chóng mặt, kèm theo dấu hiệu yếu nửa người bên đối diện, có thể kèm theo triệu chứng nôn ói...

Đối với những trường hợp này, bệnh nhân cần được phát hiện sớm tổn thương qua xét nghiệm chụp phim cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não. Thường thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ cấp cứu để bơm rửa, tiến hành dẫn lưu khối máu tụ, giải phóng sự chèn ép thần kinh, tiên lượng sau điều trị thường khả quan hơn.

Đau đầu do tụ máu ngoài màng cứng, thường hay bị bỏ quên, do bệnh xảy ra sau tai nạn khá lâu và đôi khi các tai nạn vào vùng đầu cũng không rõ ràng (như va đầu trong nhà tắm, va đầu vào cành cây, đụng đầu vào tường trần nhà...)

3.4. Đau đầu do căng thẳng
Đây là nguyên nhân gây đau đầu đang diễn ra phổ biến hàng ngày và có xu hướng tăng dần. Các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày kể cả xã hội và gia đình như: vợ chồng, con cái, ông bà, nội ngoại, cơm áo gạo tiền, cưới xin, ma chay, việc họ, học hành... đều có thể dẫn đến sang chấn tâm lý và tinh thần (stress) và có thể gây ra đau đầu, cơn đau có tính chất bất thường hoặc lặp lại trong những điều kiện nhất định.

Bệnh nhân đau đầu do căng thẳng thường chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi, uống nước, xoa day bấm huyệt thư giãn, sinh hoạt hợp lý, giải quyết các vấn đề bình tĩnh ôn hòa, hạn chế căng thẳng, hoặc gặp bạn tri kỷ để xả stress là hết đau đầu.

Có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường (có thành phần paracetamol) hoặc tư vấn bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc an thần nếu thật sự cần thiết.

4. Lưu ý khi bị đau đầu kéo dài
Khi gặp những cơn đau đầu kéo dài, dùng thuốc giảm đau thông thường và thực hiện các biện pháp massage, nghỉ ngơi, uống nước mát, chườm, xông hơi... mà không thấy đỡ - và khi gặp những cơn đau đầu có tính chất đau giống nhau, lặp đi lặp lại nhiều lần, trong thời gian dài thì rất cần đi khám tìm nguyên nhân và điều trị bệnh tại cơ sở y tế.

5. Những điểm cần day bấm khi có đau đầu
- Huyệt Bách hội (ở đỉnh đầu).
- Huyệt Thái dương (chỗ mềm hơi lõm ở hai bên thái dương).
- Huyệt Phong trì (chỗ lõm ở chân tóc, hai bên sau gáy).
- Huyệt Suất cốc (chỗ đỉnh của vành tai cao hơn một chút ở hai bên thái dương).
- Sáu huyệt ở quanh mắt (Tinh minh, Toàn trúc, Ngư yêu, Ty trúc không, Đồng tử liêu, Thừa khấp).
- Kéo căng, xoa, day, vò đều vành tai, xoa vuốt mặt, dùng 10 ngón tay, gãi và gõ nhẹ lên đầu.
Mỗi khi có cơn đau đầu, các bạn hãy nghỉ ngơi, uống một cốc nước mát và cứ thử xoa day các huyệt này một lúc là thấy dịu hẳn cơn đau đầu (nếu trời lạnh, mưa, nồm thì nên xoa chút dầu phật linh rồi xoa day).

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày