Thứ 7, 23/11/2024, 23:18[GMT+7]

Tìm hiểu về món ăn, bài thuốc trứng vịt lộn

Thứ 6, 26/05/2023 | 15:48:19
5,058 lượt xem

Nghiên cứu khoa học cho thấy:

- Thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng vịt lộn trung bình có chứa 182kcal năng lượng;13,6g protein; 12,4g lipit; 82mg canxi; 212g photpho và 600mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, nhóm B và vitamin C, sắt...

- Với hàm lượng dinh dưỡng nêu trên, trứng vịt lộn là món ăn rất bổ. Một quả trứng vịt lộn chứa tới 600mg cholesterol (cao gần gấp 3 lần so với 1 quả trứng gà).

Điều đó có nghĩa là nếu ăn hàng ngày và ăn nhiều nó sẽ là nguyên nhân dễ gây ra các bệnh như: cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu và gan nhiễm mỡ... do dư thừa cholesterol. Đặc biệt, với người đang mắc các bệnh nêu trên thì dễ bị nặng hơn, tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ.

Theo đông y:

- Trứng vịt lộn được coi là món ăn, bài thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tư âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể mau trưởng thành, hồi phục sau ốm và cải thiện khả năng sinh lý.

- Nếu thịt vịt có vị ngọt tính mát, thì trứng vịt lộn lại mang cả tính âm và tính dương, bởi lẽ quá trình chuyển hóa và sinh trưởng từ trứng vịt thường (tính âm) sang trứng vịt lộn (tính dương ở trong âm).

- Nếu ăn phần lòng đỏ và cùi cam giòn trong quả trứng vịt lộn thì có tính âm nhiều hơn, sẽ cho tác dụng tư âm bổ huyết.

- Nếu ăn phần con vịt non trong quả trứng vịt lộn thì sẽ mang tính dương và bổ dương nhiều hơn, giúp tăng cường sinh lý là như vậy.

Ăn như thế nào và ai nên hạn chế ăn trứng vịt lộn

Ta cần phải coi trứng vịt lộn đúng như một vị thuốc. Bởi lẽ ăn không đúng cách và ăn nhiều quá sẽ có tác hại, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Người bình thường chỉ nên ăn từ 1 đến tối đa là 2 quả trứng vịt lộn trong 1 tuần. Nên ăn vào buổi sáng, không nên ăn buổi tối dễ gây đầy bụng, ậm ạch khó tiêu.

Người cần hạn chế ăn trứng vịt lộn gồm những người sau:

- Người mắc bệnh tim mạch: Trứng vịt lộn chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol rất cao. Nếu ăn nhiều trứng vịt lộn cholesterol xấu trong máu có thể tăng, gây hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch gây đột quỵ. Vì thế, lời khuyên cho những người mắc bệnh tim mạch là không nên ăn hoặc ăn rất ít trứng vịt lộn.

- Người bị huyết áp cao: Nên kiêng ăn trứng vịt lộn, khi ăn trứng vịt lộn có nghĩa là bạn đang nạp vào cơ thể lượng lớn chất đạm và cholesterol. Trong khi đó những chất này là một trong các tác nhân chính gây nên tình trạng cao huyết áp, có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

- Người mắc bệnh về gan, lách, dạ dày: Lách, dạ dày và gan có nhiệm vụ tham gia vào quá trình tiêu hóa và sàng lọc chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng bị tổn thương, lượng đạm từ trứng vịt lộn ăn vào nhiều sẽ khiến chúng phải hoạt động quá mức, khiến tổn hại lại càng lớn hơn.Bên cạnh đó, trứng vịt lộn sẽ khiến người bệnh gan, lách, dạ dày dễ đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là bị đau bụng.

- Người đang mang thai: Phụ nữ mang thai không nên ăn trứng vịt lộn nhiều, dễ gây đầy bụng khó tiêu. Đặc biệt, nếu ăn kèm rau răm và gừng sống sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi, ăn nhiều dễ kích thích, có thể gây sảy thai ở đầu thai kỳ đối với phụ nữ cơ địa yếu, dây chằng lỏng lẻo.

- Phụ nữ giai đoạn cuối thai kỳ: Mẹ bầu ăn trứng vịt lộn sẽ tích quá nhiều đạm, chậm tiêu, gan tổng hợp kém, sinh ra nhiều cholesterol xấu trong máu, sẽ không tốt cho cả mẹ và thai nhi.

- Người vừa sinh con: Sản phụ vừa sinh con không nên ăn trứng vịt lộn là vì loại thực phẩm này có chứa nhiều protein và chất béo, có thể gây khó tiêu, đầy bụng. Lời khuyên của bác sĩ dành cho sản phụ là chỉ nên ăn trứng vịt lộn sau khi sinh từ 1 - 2 ngày sinh và không nên ăn quá 2 quả/ngày.

- Trẻ nhỏ: Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn chưa thể phát triển hoàn toàn, chính vì vậy nếu bố mẹ cho bé ăn quá sớm hoặc ăn quá nhiều trứng vịt lộn sẽ dẫn đến chướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Bé từ 5 tuổi trở lên chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần, mỗi tuần chỉ ăn từ 1 - 2 lần là đủ.

Tại sao lại ăn trứng vịt lộn với gừng và rau răm?

Trứng vịt lộn có mùi vị tanh nồng, tính mát. Rau răm có tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng, mạnh gân gối, ấm bụng, chữa đầy bụng khó tiêu... Gừng tươi tính ấm nóng có tác dụng kích thích tiêu hóa, mạnh tim, giải độc thức ăn.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị gừng và rau răm là một bài thuốc, vừa khử mùi tanh, tiêu hóa tốt, vừa tác dụng bồi bổ, chữa thiếu máu, suy nhược, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý...

Vậy nên trong dân gian đã có thơ rằng:

Vịt lộn, gừng sống, rau răm, Rẻ, ngon, bổ, khỏe gấp trăm sơn hào.

Bác sĩ:  Bùi vũ khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày