Thứ 2, 25/11/2024, 10:58[GMT+7]

Mùa đông đến, ngâm chân để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe

Thứ 2, 25/11/2024 | 08:26:24
143 lượt xem
(Tiếp theo và hết)

Ảnh minh họa.

4) Ai nên ngâm chân và ai không nên ngâm chân?

 - Những người nên ngâm chân: Tất cả những người bình thường khi bước sang tuổi trung niên; lúc này sự mệt mỏi sau lao động, sự lão hóa của các tế bào, sự kém lưu thông khí huyết, sự dễ dàng xâm nhập của tà khí từ môi trường... bắt đầu trở thành vấn đề đối với sức khỏe của họ. Vậy nên thời điểm này ngâm chân để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe là cần thiết.

- Những người không nên ngâm chân: 

+ Người thường xuyên chóng mặt, có bệnh huyết áp và mắc bệnh tim mạch. 

+ Người bị bong gân, hoặc có vết thương hở trên da bàn chân, hoặc mắc các bệnh viêm da cơ địa, eczema, lở loét. + Phụ nữ đang mang thai, hoặc phụ nữ trong những ngày hành kinh. 

+ Người bị ốm sốt, đau đầu, buồn nôn, ho nhiều... 

+ Người mắc chứng xơ cứng và tắc nghẽn động mạch, tuyệt đối không nên ngâm chân. Bởi việc ngâm chân với nước nóng sẽ khiến lượng máu tăng lên nhưng không thể thay đổi tốc độ máu hồi trở về tĩnh mạch, dễ tăng huyết áp và làm bệnh nặng thêm, một số trường hợp nặng có thể gây ra tình trạng hoại tử. 

+ Người bị bệnh tiểu đường cần phải rất thận trọng khi ngâm chân. Lý do là phần da chân của người bị bệnh tiểu đường khá mềm, mỏng, yếu và phần lớn các đầu mút dây thần kinh đều khó cảm nhận nhiệt độ bên ngoài một cách bình thường. Nếu nước ngâm chân quá nóng, họ không thể kịp thời phản ứng nên dễ bị bỏng, vết bỏng ở người bệnh tiểu đường rất lâu lành. 

+ Người sức quá yếu không nên ngâm chân lâu quá 20 phút và cũng không nên ngâm chân nước quá nóng, vì dễ làm thay đổi huyết áp gây choáng váng khó chịu. 

5) Những điều cần lưu ý khi ngâm chân

 - Nhiệt độ nước ngâm chân: Bảo đảm an toàn và yên tâm nhất là từ 37 - 40 độ C. Tùy mỗi người có thể để nước ngâm chân ở nhiệt độ cao hơn (40 - 45 độ C). Nên thử cho vừa trước khi ngâm chân. 

- Nếu sử dụng các thảo dược như gừng, sả, lá lốt, bạc hà, lá ngải, hương nhu... thì cho vào xoong đun rồi đổ ra chậu chờ và thử khi nước vừa ấm thì ngâm chân. 

- Nếu dùng bột thuốc ngâm chân thì chỉ cần cho thuốc vào chậu, rồi đổ nước sôi vào chờ cho thuốc ngấm và thử nước vừa ấm thì ngâm chân.

- Nên ngâm chân ngập qua mắt cá chân khoảng 3 - 4cm (tác động lên huyệt tam âm giao của 3 đường kinh âm ở chân sẽ rất tốt). 

- Ngâm xong lau khô chân, chứ không nên rửa chân.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày