Thứ 7, 23/11/2024, 09:24[GMT+7]

Thi đua thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp: Giải bài toán “ly nông không ly hương” Kỳ 1: Công nghiệp về làng, cuộc sống đổi thay

Thứ 6, 20/10/2023 | 08:43:34
11,539 lượt xem
Nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 14/6/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Sau hơn 2 năm thực hiện, phong trào đã lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh, tăng thu ngân sách nhà nước, làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Sản xuất tại Công ty TNHH May Đạt Đăng (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng).

Phong trào thi đua thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện hiệu quả thời gian qua không chỉ góp phần giúp các địa phương giải quyết bài toán “ly nông không ly hương” mà còn tạo điều kiện để người lao động nâng cao đời sống vật chất và tinh thần khi được sống và làm việc ngay trên quê hương.

Về quê để an cư, lạc nghiệp

Trước đây, chị Phạm Thị Hảo, xã Đông Phương (Đông Hưng) có thời gian dài làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh nên rất thấm thía cảnh thuê trọ xa nhà, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng vài năm nay chị đã có công việc ổn định tại một doanh nghiệp may ở CCN gần nhà với mức lương ổn định. Chị Hảo chia sẻ: Khi về quê cũng làm công nhân may nhưng công việc ổn định, không phải đi xa, không phải thuê nhà mà lại gần gia đình, chăm sóc được con cái nên chắc chắn tôi sẽ ở lại quê làm việc lâu dài. Tôi mong ngày càng có nhiều doanh nghiệp về đầu tư tại các CCN, tạo cơ hội việc làm cho lao động trẻ ở địa phương, để chúng tôi không phải vất vả xa quê mưu sinh nữa.

Cũng có nhiều năm xa quê đi làm công nhân, cuối cùng chị Hoàng Thị Phương, xã Đông La quyết định trở về xin vào làm việc tại chi nhánh Công ty TNHH Thời trang Thảo Nguyên, nhà máy may mặc Thái Bình (CCN Đông La, huyện Đông Hưng). Chị Phương cho biết: Trước đây vì không tìm được việc làm nên tôi phải đi làm xa quê. Khoảng 2 năm nay, khi biết CCN Đông La có doanh nghiệp may tuyển lao động phù hợp với nhu cầu của mình nên tôi xin về làm việc để được gần nhà với mức lương 8 triệu đồng/tháng. 2 vợ chồng cùng đi làm công ty nên cũng đủ chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày, nuôi con ăn học và tích cóp được một khoản cùng với sự giúp đỡ của gia đình, chúng tôi cũng xây dựng nhà cửa khang trang.

Công ty TNHH Creative Source Việt Nam (CCN Minh Lãng, huyện Vũ Thư) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất giầy da xuất khẩu đi Mỹ và các nước châu Âu, thu hút số lượng lớn lao động vào làm việc với khoảng 3.000 người. Theo ông Zhao De Wu, Phó Giám đốc điều hành Công ty: Do là lĩnh vực sản xuất cần nhiều công nhân nên chúng tôi quyết định chọn CCN Minh Lãng làm địa điểm đầu tư vì khu vực này có nguồn lao động dồi dào, người lao động rất cần cù, chịu khó. Quá trình đầu tư, doanh nghiệp cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền từ khi giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục đầu tư đến việc vận hành tổ chức sản xuất. Bản thân doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm các đối tác, đơn hàng bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. 

Chị Phạm Thị Nhài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) đã làm việc tại Công ty TNHH Creative Source Việt Nam được hơn 2 năm cho biết: Thời gian tôi vào làm việc tại doanh nghiệp cũng là thời gian khó khăn nhất do dịch Covid-19 bùng phát, các đơn hàng bị hạn chế, song Công ty luôn duy trì ổn định việc làm cho người lao động với mức lương 6,5 - 8,5 triệu đồng/người/tháng và bảo đảm đầy đủ các chế độ tăng ca, chuyên cần, bảo hiểm, trợ cấp khó khăn... Dù mức lương chưa cao nhưng cũng gấp nhiều lần so với cấy mấy sào ruộng, lại được làm việc gần nhà nên công nhân ai cũng mong Công ty phát triển để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

“Ly nông không ly hương”

Ông Hà Khánh Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaspace cho biết: Doanh nghiệp đang đầu tư hạ tầng 2 CCN ở huyện Vũ Thư là Tân Minh và Minh Lãng. Trong đó, CCN Minh Lãng đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 12,4ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, giai đoạn 2, 3 với diện tích 62,5ha đang triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, CCN đã thu hút được 12 doanh nghiệp vào sản xuất, tạo việc làm cho 6.000 lao động. Điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định, bình quân khoảng 6 - 8 triệu đồng/người/tháng nên hầu như các xã khu vực lân cận trong huyện và cả huyện Hưng Hà đều có người làm công nhân tại đây.

Vốn là xã có làng nghề thêu truyền thống, có CCN nên nhiều người dân ở xã Minh Lãng sớm “thoát ly” khỏi đồng ruộng, không còn chịu cảnh “chân lấm tay bùn”, đời sống có sự đổi thay rõ rệt, làng đẹp như phố. 

Sản xuất tại Công ty TNHH Creative Source Việt Nam (cụm công nghiệp Minh Lãng, huyện Vũ Thư).

Ông Hoàng Đình Vương, Chủ tịch UBND xã Minh Lãng cho biết: Toàn xã hiện có  6 doanh nghiệp, trên 10 tổ hợp thêu cùng với các doanh nghiệp hoạt động trong CCN Minh Lãng đã thu hút khoảng 7.000 lao động của địa phương vào làm việc. Công nghiệp về làng góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã, trong đó: nông nghiệp và thủy sản chiếm 10,33%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 64,04%, thương mại - dịch vụ chiếm 25,63%. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 66,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%. Đời sống được nâng lên, nhân dân đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao để địa phương sớm về đích.

Khoảng 10 năm trở về trước, đã có nhiều lao động trẻ ở các vùng quê của Thái Bình di chuyển đến các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước tìm kiếm việc làm. Nhiều người làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và thuê trọ trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Nhiều người cho biết cuộc sống của công nhân độc thân lúc bấy giờ là “5 không”: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Thế nhưng bây giờ mọi việc đã khác, nhờ chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển các CCN, thu hút đầu tư của tỉnh nên đã “kéo” lao động trở về quê tìm cơ hội việc làm, đồng thời giữ chân những lao động trẻ ở lại quê hương vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Làm được điều này, nhiều thanh niên sớm “an cư lạc nghiệp”, không phải đi làm xa, thuê nhà, không phải trang trải các khoản sinh hoạt phí đắt đỏ ở thành thị. Cũng từ khi có các CCN về làng, các vùng quê trên địa bàn tỉnh chuyển dịch nhanh về cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Nhiều nông dân từ đồng ruộng bước vào nhà máy trở thành những công nhân thực thụ với công việc mới ổn định, đời sống ngày một nâng lên.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Thu hút đầu tư phát triển các CCN là hướng đi đúng, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình, đồng thời góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Hiệp hội cũng luôn đồng hành, giữ vai trò “cầu nối” với cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khó khăn do tác động của thị trường thế giới song các doanh nghiệp luôn nỗ lực duy trì sản xuất, tìm kiếm các đơn hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm bảo đảm việc làm, thu nhập cho công nhân. Với mức thu nhập bình quân của mỗi công nhân hiện từ 6 - 10 triệu đồng/tháng ở quê họ có thể sống tốt, đi làm có thể về nhà, tiêu dùng với mức chi phí hợp lý. Đời sống vật chất và tinh thần cũng tốt hơn, gần gũi với gia đình, làng xóm.

Để thu hút nhiều lao động, những năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng có xu hướng chuyển về đầu tư tại các CCN ở vùng nông thôn. Điều này giúp cho cả doanh nghiệp, người dân đều có lợi, tạo điều kiện để các địa phương giải bài toán “ly nông không ly hương”, có thêm các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải) được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

(còn nữa)
Nguyễn Hình



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày