Thứ 7, 09/11/2024, 22:09[GMT+7]

Mở rộng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị cây vụ đông

Thứ 6, 01/12/2023 | 15:39:11
10,640 lượt xem
Ngày 2/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Trồng cây vụ đông năm 2023 - 2024” trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, 2 tháng qua, nông dân các địa phương đã tích cực đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao giá trị của cây trồng và thu nhập cho bà con.

Nông dân xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây vụ đông.

Mở rộng diện tích liên kết

Đến thời điểm này, xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) đã trồng được 150ha cây vụ đông trong tổng số 231ha đất nông nghiệp (chiếm 65%) bao gồm: ngô, khoai tây, ớt, rau màu các loại. Hộ trồng nhiều 10 mẫu, hộ trồng ít cũng 1 - 2 sào. Một số loại cây đã cho thu hoạch, nông dân bán được giá nên rất phấn khởi. Năm nay, xã đã tích tụ được 30ha trồng cây vụ đông tập trung quy mô lớn, trong đó liên kết với 1 doanh nghiệp đứng ra thuê ruộng của 360 hộ dân diện tích 18,5ha trồng khoai tây. 

Ông Nguyễn Duy Đằng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảo cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây vụ đông, cử cán bộ họp với từng thôn, tuyên truyền về nội dung phong trào thi đua trồng cây vụ đông, các cơ chế hỗ trợ sản xuất tới người dân; chỉ đạo HTX DVNN xã tập huấn kỹ thuật, điều tiết nước hợp lý phục vụ việc gieo trồng. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. 

Ông Đỗ Văn Dũng, thôn Ngọc Chi phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi có gần 6 sào ruộng cho doanh nghiệp thuê không chỉ được trả 250.000 đồng/sào mà còn giúp cải tạo đất tơi xốp, cấy lúa vụ xuân bớt công cày ruộng. Nhiều hộ cho thuê ruộng cũng được công ty nhận vào trồng, chăm sóc khoai tây với tiền công 160.000 - 250.000 đồng/ngày nên rất phấn khởi. Tôi mong những vụ sau công ty tiếp tục về thuê đất của bà con giúp Quỳnh Bảo phủ xanh đồng ruộng.

Là vùng trồng khoai tây lớn nhất huyện Quỳnh Phụ, những ngày này, nông dân xã Quỳnh Nguyên tất bật ra đồng chăm sóc những diện tích khoai đã trồng. Vụ đông năm nay, thời tiết ấm không thuận lợi cho cây khoai tây sinh trưởng và phát triển nhưng bà con ai cũng tin tưởng với kinh nghiệm trồng khoai lâu năm của mình địa phương sẽ có 1 vụ đông thắng lợi. 

Ông Hoàng Đình Tâm, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Nguyên cho biết: Địa phương có khoảng 1.300 hộ trồng cây vụ đông, hàng năm cho thu nhập khoảng 40 tỷ đồng. Năm nay, tỉnh và huyện có nhiều cơ chế hỗ trợ khuyến khích nhân dân trồng vụ đông. HTX chủ động triển khai đề án sản xuất sớm, tập huấn kỹ thuật gieo trồng, liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên bà con rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích. Toàn xã có 10 máy làm đất nên giảm tối đa công lao động, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng. Đến thời điểm này, Quỳnh Nguyên đã trồng được gần 200ha cây vụ đông, trong đó 100ha là cây khoai tây, trên 10ha vùng trồng bắp cải tập trung có ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. 

Ông Hoàng Văn Thóa, thôn Phương Quả Nam phấn khởi chia sẻ: Hàng năm, gia đình tôi đều duy trì trồng 1,5 mẫu cây vụ đông gồm: khoai tây, bắp cải, bí đao, rau màu và cũng muốn mở rộng diện tích nhưng ở Quỳnh Nguyên nông dân ai cũng “yêu đồng ruộng, yêu cây vụ đông” nên cũng không còn diện tích để mượn mà trồng. Giờ trồng vụ đông cũng nhàn, có máy móc làm hết, mình chỉ mất công chăm sóc, đến vụ thu hoạch có đơn vị đến tận ruộng thu mua nên yên tâm về đầu ra. Bình quân mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng từ vụ thứ 3 này.

Cán bộ xã và HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp của xã Dương Phúc (Thái Thụy) trao đổi tình hình sản xuất vụ đông với xã viên. 

Nâng cao giá trị sản xuất

Huyện Thái Thụy là địa phương tích cực hưởng ứng phong trào thi đua trồng cây vụ đông với nhiều cách triển khai bài bản, giao chỉ tiêu phân bổ diện tích cho từng xã, thị trấn. 

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 5.050ha cây vụ đông trở lên, đến nay diện tích gieo trồng đã đạt 4.800ha. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất đối với 7 loại cây trồng gồm: khoai tây 2,7 triệu đồng đồng/ha, ngô nếp 1,920 triệu đồng/ha, đậu tương 1,512 triệu đồng/ha, dưa chuột bò 2,016 triệu đồng/ha, salat 694.000 đồng/ha, bắp cải là 1,944 triệu đồng/ha, bí đỏ gần 1,6 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 1.300ha cây vụ đông có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất. 

Ông Trần Quốc Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hưng (Thái Thụy) cho biết: Phong trào thi đua trồng cây vụ đông được các thôn và nhân dân hưởng ứng tích cực, đến nay xã đã gieo trồng được 92,7/100ha chỉ tiêu huyện giao gồm các cây: ngô, bí, khoai lang, rau màu và dưa các loại. Xã liên kết với  doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dưa chuột bò cho nông dân với diện tích gần 5ha. Đây là loại cây dễ trồng, thời gian từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch từ 25 - 30 ngày, năng suất đạt 5 - 6 tạ/sào, sau khi trừ chi phí nông dân lãi 4 triệu đồng/sào. 

Theo bà Đào Thị Là, thôn Cao Dương Thượng, xã Thụy Hưng: Năm nào gia đình tôi cũng trồng 4,5 sào vụ đông, sau khi thu hoạch dưa hấu trồng dưa lê rồi đến dưa chuột bò, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với cấy lúa.

Cán bộ HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp xã Thụy Hưng (Thái Thụy) trao đổi với nông dân kỹ thuật chăm sóc cây vụ đông.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo trồng được 36.493ha cây vụ đông, đạt 94,7% so với kế hoạch, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích cây vụ đông đã cho thu hoạch là 6.270ha, chiếm 17% diện tích cây vụ đông đã trồng. 

Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) cho biết: Phong trào thi đua “Trồng cây vụ đông năm 2023 - 2024” trên địa bàn tỉnh Thái Bình được phát động từ tháng 10/2023 và sẽ tổng kết vào tháng 1/2024 với mục tiêu động viên, khuyến khích mở rộng diện tích trong toàn tỉnh đạt 38.500ha, nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông. Các địa phương, đơn vị đã tổ chức thực hiện phong trào thi đua theo chiều sâu, không chỉ mở rộng diện tích mà còn chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tiếp thu những cây trồng có năng suất, giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường vào gieo trồng; chú trọng xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Thời gian tới, Ban Thi đua - Khen thưởng tiếp tục tuyên truyền các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua; đồng thời tham mưu UBND tỉnh khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, nông dân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây vụ đông.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Phú (Hà Nội)

Đây là lần đầu tiên chúng tôi về xã Quỳnh Bảo liên kết thuê ruộng trồng cây khoai tây và nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ rất tích cực của chính quyền địa phương, người dân. Đồng đất ở đây rất thích hợp để trồng khoai tây, bà con lại có kinh nghiệm trồng loại cây này nên hy vọng vụ đầu liên kết sẽ giành thắng lợi. Nếu khoai đạt năng suất cao, năm tới công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất với mong muốn sẽ tạo nên phong trào trồng cây vụ đông ở địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân.

Ông Bùi Văn Khiết, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy Dương, xã Dương Phúc (Thái Thụy)

Tại xã Dương Phúc, cả 2 HTX SXKD DVNN Thụy Dương và Thụy Phúc đều thi đua mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 237ha. Sản xuất vụ đông có ưu thế là thời gian ngắn, việc làm đất có máy móc hỗ trợ, một số loại cây trồng cho thu nhập khá cao, tuy nhiên khó khăn là thiếu lao động sản xuất. Vì vậy, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân: cung ứng giống, vật tư trả chậm, liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con… Tỉnh và huyện cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho sản xuất cây vụ đông, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các cơ chế hỗ trợ nên bám sát nhu cầu thực tế, hỗ trợ theo vùng sản xuất tập trung, kích cầu để mang lại hiệu quả cao nhất.


Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày