Thứ 7, 23/11/2024, 09:26[GMT+7]

Nông dân Thái Thụy: Thi đua sản xuất, kinh doanh

Thứ 7, 25/05/2024 | 08:18:56
7,848 lượt xem
Bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Thái Thụy đã đạt được những kết quả tích cực. Từ phong trào này, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi ốc bươu đen, giun trùn quế của hội viên Phạm Phú Diệp, xã Thụy Việt (Thái Thụy).

Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Nhằm thúc đẩy phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức triển khai phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên và tổ chức đăng ký các tiêu chí thi đua. Theo đó có trên 38.300 hội viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 83% so với tổng số hội viên trong huyện. Cùng với đó, các cấp hội đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác hiệu quả nguồn vốn, lao động. Trong năm 2023, các cấp hội nông dân trong huyện đã tín chấp với các ngân hàng cho trên 8.800 hộ vay với tổng dư nợ 572 tỷ đồng; tín chấp trên 200 tấn phân bón các loại giúp hội viên phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho 344 lao động nông thôn, 421 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 41.100 lượt hội viên nông dân tham gia.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Qua bình xét năm 2023, toàn huyện có trên 24.100 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Mô hình trồng cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao của hội viên Nguyễn Công Hậu, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy).

Là một trong những hội viên nông dân dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, anh Nguyễn Công Hậu, xã Dương Hồng Thủy đã phát triển thành công mô hình trồng cây màu. “Gia đình tôi hiện trồng trên 1,5 mẫu ớt và kết hợp với các đơn vị đầu tư trồng thử nghiệm 2 mẫu cà chua bi, dưa chuột bao tử. Trong vụ vừa qua, tôi thu hoạch và bán được trên 4 tấn ớt với giá cao khoảng 45.000 đồng/kg, thu được gần 180 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng duy trì cấy 3 mẫu lúa và đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi 150 cặp chim bồ câu” - anh Hậu chia sẻ.

Ông Hoàng Hữu Toán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hồng Thủy cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong hội viên, nông dân. Không chỉ có anh Hậu, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, khai thác, tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Với anh Phạm Phú Diệp, xã Thụy Việt, được sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen, giun trùn quế, khai thác hoa đu đủ đực. Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên mỗi năm mô hình của anh Diệp xuất ra thị trường khoảng 30 vạn ốc giống, 70 - 80kg trứng ốc, 5 - 7 tạ ốc thương phẩm và khoảng 50 tấn phân trùn quế. Sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Anh Diệp cho biết: Cùng với bán ốc giống, tôi còn bán trứng ốc cho các hộ có nhu cầu nuôi và nhận bao tiêu ốc thương phẩm cho bà con các tỉnh phía Bắc. Để nâng cao hiệu quả sản xuất phân giun trùn quế, tôi đã tìm hiểu và đầu tư chế tạo các loại máy móc. Nhờ đó, tôi có thể cung cấp sản phẩm cho nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thái Thụy sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại; khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, công nghệ cao. Xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các cấp hội chủ động thực hiện hiệu quả chương trình liên kết 6 nhà, làm tốt các hoạt động hỗ trợ nông dân. Tổ chức các chương trình hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ven biển; huy động các nguồn lực, đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ hải sản, phấn đấu đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Nguyễn Triệu

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày